Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.873 tác phẩm
2.760 tác giả
277
123.313.442

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Xem “Vàng” của Triển lãm mỹ thuật toàn quốc
836 tác phẩm của 735 tác giả của 61/63 tỉnh, thành phố được lựa chọn trưng bày trong triển lãm toàn quốc lần này. Con số này có thể là khô khan với người thống kê, nhưng với vị trí người sáng tác thì thật cảm động vì đó là kết quả của sự sáng tạo đầy nhọc nhằn.

Triển lãm khai mạc hôm 1/12 vừa qua và sẽ kéo dài đến 15/12 tại số 2 Hoa Lư - Hà Nội.

 

Tuy không có thống kê chất liệu nhưng có thể thấy ngay tranh màu dầu chiếm thế thượng phong, sơn mài xếp hàng thứ hai, điêu khắc thì hiên ngang một cõi và có khá nhiều tác phẩm theo lối nhìn trừu tượng. Và y như rằng 3 giải Vàng đều về tay ba chất liệu này.

 

Cận cảnh 3 giải Vàng

 

Tác phẩm Mầm đá của Vũ Cương (sơn dầu 100x220cm) lấy cảm hứng từ cao nguyên đá Đồng Văn. Những viên đá cao nguyên xanh ngút mắt màu xanh lá và những đứa trẻ ngồ ngộ len chân trong đá. Trong cái khắc nghiệt ngây ngô của ngàn đá ấy vẫn nóng rực sức sống hồn nhiên của những mầm đời bất diệt. Bức tranh biểu trưng cho sức sống bền bỉ của con người trên mảnh đất khô cằn, sự bất diệt của con người trước một thiên nhiên khắc nghiệt. Tác giả đã bước qua lối nhìn phản ánh thông thường mà trọng về việc thể hiện ý tưởng, trong đó đá và người là hai thực thể tì dựa vào nhau mà tồn tại.

 

Bức sơn mài Hà Nội có cầu Long Biên (120x240cm) của Nguyễn Trường Linh thì không chỉ có cây cầu vừa thực, vừa hư ảo, mà còn đâu đó hình ảnh Ô Quan Chưởng, sóng nước mặt sông làm lóe lên những ảo ảnh về thời gian, không gian. Tất cả trùng lấp lên nhau gợi cho ta thấy một quá khứ qua đi và một thực tại hiển hiện để nhớ để quên và để cùng suy ngẫm. Cả hai bức trao giải Vàng hội họa cho thấy Hội đồng nghệ thuật đã giã từ lối nhìn hiện thực phản ánh sang hiện thực biểu hiện.

 

Tác phẩm điêu khắc Những bức thư thời chiến của Nguyễn Quốc Thắng (đồng, 40x140x190) nhận HCV trong triển lãm cũng là một thành công trong thể hiện đề tài. Câu chuyện tưởng như sẽ rất gượng gạo trong hội họa thì với điêu khắc nó lại được tạo hình bay bổng vừa hào hùng vừa lãng mạn. Tác giả đã rất khéo sắp xếp những bao thư rất thật cho nó một không gian vút bay như sự nôn nóng của những người gửi cũng như người sẽ nhận thư trong không gian chiến tranh nóng như lửa đốt. Tiếc một chút là tạo hình phía chân tượng hơi bị lạc điệu về ngôn ngữ.

 

Chưa thấy cái “mới” thật sự chuyển động mạnh trong giải Vàng giải Bạc, còn trong giải Khuyến khích thì lại đọng nhiều cái nhàn nhạt lặp lại quen lâu như Mạch nguồn sự sống của Trương Bé, Huyền thoại Bãi đá cổ của Nguyễn Văn Chuyên, Buổi chiều của Nguyễn Trung Tín hoặc Nhịp sống chợ vùng cao của Nguyễn Khắc Tài.v.v.. Tất nhiên ở đây không có lỗi của tác giả, mà có thể là sự tế nhị của Hội đồng nghệ thuật trong lựa chọn vùng miền. Theo tôi nghĩ thì dù là giải Khuyến khích cũng phải mang đúng nghĩa khuyến khích thì sẽ tốt hơn cho môi trường sáng tác (ví dụ giải Khuyến khích về ý tưởng, về kỹ năng tay nghề, hoặc lối nhìn sáng tạo, hoặc đi vào những đề tài khó nhưng chưa hoàn hảo...).

 

Tiếc cho 2 tác phẩm của “giám khảo”

 

Cũng xin lấy làm tiếc cho hai tác phẩm của thành viên Hội đồng nghệ thuật là bức bình phong hai mặt gò đồng của Mai Thu Vân (155x320cm) và bức sơn khắc Phiên chợ Hoa Lư năm 1000 (96x132cm) của Nguyễn Đức Hòa. Trong đó nếu không phải là thành viên Hội đồng nghệ thuật thì Mai Thu Vân chắc chắn sẽ ẵm giải, còn Nguyễn Đức Hòa chắc cũng vậy.

 

Đó là hai bức tranh ở hai thái cực: thái dương và thái âm, khá đặc biệt. Mai Thu Vân với cái nhìn hiện đại vu khoát giàu biểu cảm thời đại, còn tranh của Đức Hòa thì chiếu ngược thời gian với cái nhìn trìu mến thơm thảo của người con có hiếu với lịch sử ngàn năm...

 

Sau cùng phải kể đến bức Hà Nội chiến lũy và hoa (225x960cm), bức tranh lớn nhất trong triển lãm của Nguyễn Doãn Sơn không được ghé giải cũng là điều đáng tiếc.

 

Một triển lãm có nhiều dấu ấn sáng tạo mạnh bạo dù vẫn còn những e ấp rụt rè hoặc còn nhiều bịn rịn với lối nhìn quá khứ. Nhưng với bước đi 5 năm, có thể thấy Mỹ thuật 2010 này đã đang chuyển mình sang chặng đường mới.

 

Nguyễn Trường Linh bên bức Hà Nội có cầu Long Biên (giải Vàng)

 

 

Đỗ Đức (họa sĩ) - TT&VH