Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.873 tác phẩm
2.760 tác giả
320
123.313.766

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Những bộ phim gây nhiều tranh cãi trong lịch sử điện ảnhThứ Sáu, Vượt quá giới hạn của sự... kinh tởm!
Không một từ ngữ nào trên đời đủ để diễn tả sự bạo lực và dung tục cực độ của bộ phim Ý Salò o le 120 giornate di Sodoma (1975).

Nó đã gây ra một làn sóng tranh cãi dữ dội khi được phát hành và cho đến tận ngày nay Salò vẫn còn bị cấm chiếu ở nhiều nước. Hầu hết mọi người đều cho rằng, đây là một trong những bộ phim gây sốc nhất từng được thực hiện.

 

Salò o le 120 giornate di Sodoma, có tựa tiếng Anh là Salò or the 120 days of Sodom (Salò hay 120 ngày ở địa ngục trần gian), do đạo diễn Ý Pier Paolo Pasolini thực hiện năm 1975, dựa trên cuốn sách The 120 Days of Sodom của văn hào người Pháp thế kỷ 18, Marquis de Sade.

 

Địa ngục trần gian

 

Salò (bộ phim thường được gọi tắt như vậy) lấy bối cảnh nước Cộng hòa Salò, một quốc gia nhỏ theo chế độ phát xít được dựng lên ở phần lãnh thổ Ý bị Đức chiếm đóng năm 1944. Mô phỏng bài thơ Inferno của nhà thơ Ý Dante, bộ phim được chia thành 4 phần: Trước khi vào địa ngục, Sự tuần hoàn của phân, Sự tuần hoàn của chứng điên và Sự tuần hoàn của máu.

 

Bốn người đàn ông quyền lực, ám chỉ Công tước, Giám mục, Quan tòa và Tổng thống, đồng ý kết hôn với con gái của nhau như là bước đầu tiên trong một nghi thức trụy lạc. Với sự trợ giúp 4 con điếm trung niên và của vài cộng sự nam trẻ tuổi, họ bắt cóc 18 nam nữ thanh thiếu niên (9 nam, 9 nữ) và đưa chúng tới một lâu đài gần Marzabotto.

 

Nhiệm vụ của chúng là kể chi tiết nhiều câu chuyện khiêu dâm khác nhau cho 4 gã đàn ông quyền lực trên, và 4 gã thay phiên nhau lạm dụng các nạn nhân một cách thô bạo. Bộ phim mô tả những ngày khủng khiếp trong lâu đài của các nạn nhân trẻ. Suốt thời gian này, càng lúc 4 gã bệnh hoạn càng chế ra nhiều kiểu tra tấn và làm nhục ghê rợn khác để tìm khoái lạc.

 

Một trong những cảnh khét tiếng nhất của bộ phim, một thiếu nữ bị bắt phải ăn phân của Công tước! Sau đó, các nạn nhân khác được “chiêu đãi” một bữa ăn thịnh soạn… toàn phân người! (phân được làm bằng sốt sôcôla và mứt cam). Cuối phim, các nạn nhân quyết định không cộng tác với những kẻ hành hạ họ, đã bị giết bằng nhiều cách ghê rợn khác nhau: lột da đầu, châm đốt bằng sắt nung, cắt lưỡi, móc mắt… Tuy nhiên, những yếu tố đẫm máu đó được làm mờ một cách khéo léo bằng cách cho khán giả nhìn các nạn nhân hoàn toàn qua một ống nhòm ngược.

 

Không phải phim khiêu dâm

 

Salò chuyển đổi bối cảnh của cuốn truyện của De Sade từ nước Pháp thế kỷ thứ 18 thành những ngày cuối cùng của chế độ phát xít độc tài Mussolini ở nước Cộng hòa Salò. Tuy nhiên, dù đầy cảnh ghê rợn (hãm hiếp, tra tấn và cắt xẻo cơ thể), nhưng bộ phim chỉ đề cập sơ sài những hành động đồi bại được nêu trong cuốn sách, gồm lạm dụng tình dục và thể xác của trẻ em một cách tàn bạo.

 

Chủ đề xuyên suốt của Salò là hạ thấp giá trị và biến cơ thể con người thành đồ vật, bị sỉ nhục và hạ thấp giá trị. Không có bất cứ cảnh sex thân mật riêng tư nào, dù có đầy cảnh khỏa thân nam và nữ trong suốt phim. Salò hoàn toàn trái ngược với phim khiêu dâm, nó mô tả sex như là sự đau đớn thay vì sự thích thú và khoái lạc.

 

Phần lớn bộ phim cố tình né tránh mọi tình tiết liên quan đến những hành động kích thích hoặc gợi dục - điều cơ bản hầu hết phim khiêu dâm sử dụng để tạo “sự kích thích của điện ảnh”. Vì thế, không có nhân vật nào trong Salò đạt đến bất kỳ khoái cảm nào, và những hành động tình dục trong phim gần như hoàn toàn phản tác dụng. Đây có lẽ là lý do Salò được nhắc đến như là một bộ phim mô tả “cái chết của sex”, hay là “bài hát đưa tang” cho thể loại phim khiêu dâm, giữa lúc nó đang trong quá trình thương mại hóa ào ạt ở thập niên 1970.

 

Định mệnh bi thảm của Pasolini

 

Trong khi nội dung cuốn tiểu thuyết của De Sade là nền tảng quan trọng nhất của Salò, thì những sự kiện trong phim lại dựa nhiều trên cuộc đời của đạo diễn Pasolini. Những năm 20 tuổi, ông đã từng có trải nghiệm cay đắng ở Cộng hòa Salò. Trong thời gian này, ông chứng kiến rất nhiều hành động tàn nhẫn do các lực lượng cộng tác với phát xít ở Cộng hòa Salò gây ra.

 

Cuộc đời Pasolini trôi theo một dòng chảy kỳ lạ. Lớn lên ở BolognaFriuli, Pasolini được làm quen với nhiều nhân vật thiên tả điển hình trong nền văn hóa đại chúng từ lúc còn nhỏ. Ông bắt đầu viết lúc lên 7 tuổi và bị ảnh hưởng nặng bởi nhà thơ Pháp Arthur Rimbaud. Ông bắt đầu đưa một số khía cạnh của cuộc sống cá nhân của ông vào văn chương, chủ yếu đề cập những cuộc đấu tranh mang tính gia đình.

 

Sau khi nghiên cứu nhiều cây đại thụ văn chương ở trung học, Pasolini trúng tuyển vào trường Đại học Bologna để học tiếp. Nhiều ký ức về những trải nghiệm của ông dẫn tới việc hình thành ý tưởng cho bộ phim Salò. Ông cũng khẳng định rằng bộ phim mang tính biểu tượng và ẩn dụ cao. Chẳng hạn như những cảnh ăn phân là bản tố cáo về tình trạng sản xuất lương thực hàng loạt mà ông gán cho là “vật phế thải vô ích”.

 

Mặc dù sự nghiệp của ông trong điện ảnh lẫn văn chương đều đồ sộ và phong phú, nhưng có những vấn đề quan trọng mà Pasolini luôn đề cập các tác phẩm của mình. Rõ rằng rằng phần lớn các tác phẩm của ông xoay quanh một sự gắn kết rất cá nhân vào chủ đề, cũng như những hàm ý trần trụi về tình dục. Bộ phim Salò phản ánh cách nhìn của Pasolini về sự sống và cái chết, tàn bạo và bi thảm.

 

Thật không may, Pasolini đã không kịp chứng kiến thế giới tranh cãi bất tận về bộ phim của mình, ngày 2/11/1975, ông bị giết trên bãi biển tại Ostia, gần Rome, ngay trước khi Salò được phát hành.

 

Trước Salò, Pasolini đã làm bộ ba phim về Sự Sống (Trilogy of Life) gồm: Il Decameron (1971), I racconti di Canterbury (1972), và Flowers of the Arabian Nights (1974). Salò là tập đầu tiên trong bộ ba phim về Cái Chết (Trilogy of Death) và cũng là tác phẩm cuối cùng của Pasolini.

 

Bộ phim bị cấm chiếu nhiều nhất trên thế giới

 

Làn sóng tranh cãi về Salò vẫn còn lan rộng tới ngày nay. Nhiều người khen ngợi bộ phim đã dũng cảm và sẵn sàng đề cập những gì không được nghĩ tới, còn những người khác thì chỉ trích rằng nó chỉ hơn phim đồi trụy một chút.

 

Bộ phim bị tranh cãi và cấm chiếu ở rất nhiều nước do có nhiều cảnh hiếp dâm, tra tấn và giết chóc. Nhiều câu hỏi về tính hợp pháp của bộ phim đã được nêu lên, chủ yếu xoay quanh việc các nam nữ diễn viên tham gia những cảnh bạo lực hay tình dục trong phim đã đến tuổi trưởng thành chưa?

 

Việc Salò lấy bối cảnh trong thời kỳ phát xít khiến cho nhiều khía cạnh dâm ô của bộ phim thậm chí còn khó chấp nhận hơn so với tiểu thuyết. Bối cảnh này và việc nhấn mạnh sự đồi bại và tàn bạo của chủ nghĩa phát xít, Pasolini muốn ám chỉ đó là hậu quả tàn bạo của sự sa đọa về bản năng tình dục của chủ nghĩa tư bản vào nửa cuối thế kỷ 20.

 

Bộ phim bị cấm ở Úc năm 1976, hủy bỏ lệnh cấm năm 1993 và bị cấm trở lại năm 1998. Năm 1994, một cảnh sát chìm ở Cincinnati, bang Ohio, mướn bộ phim tại một hiệu sách dành cho dân đồng tính ở địa phương, rồi bắt chủ hiệu sách vì tội truyền bá văn hóa phẩm bị cấm. Một nhóm lớn các nghệ sĩ trong đó có đạo diễn Martin Scorsese, diễn viên Alec Baldwin cùng các nhà nghiên cứu ký vào một bản tóm tắt hồ sơ vụ án nêu lên các giá trị nghệ thuật của bộ phim. Cuối cùng, vụ tố tụng bị ngưng lại do không đủ cơ sở để kết tội.

 

Bộ phim bị cấm ở nhiều nước trong một thời gian dài. Chỉ duy nhất ở Thụy Điển, bộ phim chưa bao giờ bị cấm hay bị cắt. Đã từng có lúc dân sưu tập DVD đã lùng sục tìm kiếm bản phim này khiến nó trở thành DVD phim hiếm nhất thế giới. Giờ đây bản DVD và Blu-ray chưa bị kiểm duyệt được phát hành rộng rãi ở Anh, Pháp, Phần Lan, Hy Lạp, Hà lan, New Zealand, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển, Ý, Áo và Đức.

 

Trong cuộc thăm dò ý kiến độc giả năm 2006 của tạp chí Time Out, Salò được bầu chọn là bộ phim gây tranh cãi nhất từng được thực hiện. Tuy không phải thể loại kinh dị, nhưng Salò vẫn được Hiệp hội các nhà phê bình phim Chicago xếp thứ 65/100 phim đáng sợ nhất trong lịch sử điện ảnh.

 

Ảnh: Pier Paolo Pasolini và tác phẩm cuối cùng của mình

 

PV - TT&VH