Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.873 tác phẩm
2.760 tác giả
240
123.312.231

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Viết, để được sống
Khoảng năm 1965, Trần Dần được Sở công an Hà Nội cấp giấy vào các khám của ngụy binh thời Pháp thuộc để khai thác chất liệu sáng tác. Bản thảo Những ngã tư và những cột đèn được viết vào quãng 1965-1966,

đồng thời với tập thơ Mùa sạch và tiểu thuyết Một ngày Cẩm Phả. Nhưng đây là một tiểu thuyết có số phận kỳ lạ, nó gây ra ít nhiều suy diễn cho những ai quan tâm tiểu sử Trần Dần: sau khi hoàn tất, bản thảo duy nhất được gởi vào Sở công an và đến 20 năm sau, được trả về cho tác giả. Những ngày đầu năm 2011, lần đầu tiên, cuốn tiểu thuyết này chính thức ra mắt độc giả Việt Nam.

 

“Giữa hai cuộc chiến tranh, là nhật kí”. Mở đầu bằng cách giới thiệu hình thức “3 cuốn sổ tay khổ 20x18, có bìa dằn di” của nhân vật Dưỡng, như một cách thế dẫn dắt vào một tiểu tự sự, dữ liệu cá nhân làm đường dây chính cho cuốn tiểu thuyết. Bối cảnh của tác phẩm đề cập có thể căn cứ vào thời điểm ghi nhật ký, bắt đầu: mùa đông năm 1954, kết thúc: tháng 6.1966.

 

Hà Nội của những ngày cộng sản mới tiếp quản trong mắt những ngụy quân thời Pháp là một thành phố đầy mưa, khói, sự ngột ngạt bủa vây. Dưỡng, kẻ viết nhật ký, lớn lên trong không khí “tư sản” (chơi ảnh khỏa thân, đọc tiểu thuyết trinh thám…), từng có 14 ngày đứng vào bên kia chiến tuyến, từng đào ngũ, khi chính quyền mới tiếp quản, đã trở thành kẻ câu nhái, tài xế thuê. Đoành – kẻ có giọng ca trời phú sẵn sàng “chuyển thành phần” thành một ca sĩ “luồn háng đớp cà, để thoát khỏi cái hang hùm nọc rắn” của lũ du côn chính trị không hiểu thuộc phe cánh nào. Lão Khang, kẻ phụ trách thùng thư đến của nhân vật ẩn mặt – Nhọn Cằm- không dám đầu thú, sợ bị trả thù. Lily, cô gái điếm làm tình báo cho Tây biến mất khỏi Hà Nội, số phận hư ảo, như nạn nhân của một cuộc khử trừ nhân chứng đầy bí mật …

 

Như vậy, việc ghi nhật ký của Dưỡng được kẻ xử lý văn bản (có thể hiểu là nhà văn) lý giải: “anh muốn từ bỏ một quãng đời. Nhật ký, thực chất là một tài sản riêng tư, dù không vì mục đích bảo vệ tính chất riêng tư. Cho nên động tác ghi nhật ký thực chất là tư hữu hóa những sự kiện (…) Cách duy nhất để quên nhật ký, là đưa nhật ký, từ sở hữu của một cá nhân anh, thành sở hữu của vô số người khác. Động tác xuất bản nhật ký của anh, chính là để anh mất đi, mọi quyền hạn với nhật ký”. Việc nhà văn, kẻ thủ đắc chất liệu, với quyền năng kết nối các nguồn văn bản từ điều tra, ghi chép, báo cáo nhiều phía, đã hư cấu, trộn nhào trộn 3/4 cuốn nhật ký vào cuốn tiểu thuyết này, được hiểu kẻ tạo ra phác đồ để cứu nhân vật của mình thoát khỏi ám ảnh riêng tư; vĩnh viễn trục khỏi đầu óc nhân vật một giai đoạn khó quên trong quá khứ; cũng là kẻ có quyền năng để cho lần cuối cùng, “những trang nhật ký tác động vào thời gian”.

 

Những khắc khoải trong cuốn nhật ký đã dựng lên một tâm thế đầy quẩn quanh, u ám. Ông Phúc, kẻ khá giả, từng hợp tác thân cận với Pháp đã hóa thân vào kẻ Nhọn Cằm, hành tung bí ẩn đã tranh thủ một bối cảnh nhá nhem để tung hỏa mù, kiểm soát miệng lưỡi và suy nghĩ của nhóm thanh niên, tiến hành những vụ khử trừ, tránh nguy cơ bị tố cáo. Trong lúc đó, ông Trung trố, luôn miệng tuyên truyền về sự khoan hồng của chính quyền mới nhưng theo dõi, rình mò và chụp mũ. Chính những người như ông cùng lực lượng trinh sát, công an chìm cài cắm khắp nơi với “36 món chết người” giăng lưới những người có “vết đen chính trị trong tiểu sử” góp phần tạo ra cái không khí đầy rẫy nghi hoặc, thành kiến, đứt gãy quan hệ, niềm tin nơi con người với nhau. Những thanh niên tuổi 20 từng bị đưa đẩy tham gia ngụy quân Pháp trước đó như Dưỡng, Đoành, Tình Bốp, Ngỡi, Chắt… tuy trên danh nghĩa, đã “chuyển thành phần”, vẫn trở thành những kẻ tự đày ải trong nỗi sợ hãi bị quy chụp, bị khử trừ, nhất cử nhất động phải làm đơn thú tội, bị thẩm vấn đế độ gần như đẩy đến trạng thái tự kỷ ám thị - nghi hoặc chính ký ức, không còn khả năng bảo vệ nhân phẩm mình.

 

 

 

 

Những người bạn hôm qua thân thiết, nay bỗng quay sang hoài nghi, cài bẫy, tố cáo, mưu phản, vu khống lẫn nhau để được sống. Họ ngao ngán cho cái thứ gọi là tình thân, “tình bạn trong thời cộng sản”. Một sự khủng hoảng niềm tin ở con người và tương lai. Có những lúc, như Dưỡng, hoang mang trước những ngã tư cuộc đời: “Tôi quên không được. Đi đi không được. Tôi ngồi bệt lề đường. Tôi là đàn ông: tôi không đau khổ. Nhưng tôi muốn khóc. Tôi là đàn ông: tôi không khóc. Nhưng tôi đau khổ lắm. Tôi ngồi bệt mà nhìn láo nháo cột đèn. Láo nháo khói”.

 

Sự bức bối, dồn nén của tâm cảnh sống trong cuốn tiểu thuyết đủ sức đánh thức những trải nghiệm gần, không dừng lại ở bối cảnh mà nó đề cập.

 

Xét về nghệ thuật văn bản, đây là một cuốn tiểu thuyết gây sững sờ cho những độc giả có mối quan tâm và hỏi đòi về sự kiếm tìm kỹ thuật. Những thủ pháp như liên văn bản, phân mảnh tự sự, giễu nhại… của phương pháp hậu hiện đại đã được Trần Dần sử dụng nhuần nhuyễn từ rất sớm với một ý thức cao. Một đôi chỗ, như cảnh làm tình của vợ chồng Dưỡng và Cốm dưới căn hầm của Hà Nội đổ nát dễ gợi nhớ không khí ngún khói bi tráng giữa hai cuộc chiến thường gặp trong tác phẩm Erich Maria Remarque, hay những “trò đúp, trò kép” trong tiểu thuyết này ít nhiều gợi liên tưởng đến cái sinh quyển đầy rẫy tha hóa, đọa đày trong mê cung phi lý ở tác phẩm Franz Kafka…

 

Như những tác phẩm khác của Trần Dần, cuốn tiểu thuyết này, một lần nữa, trao truyền cho người đọc niềm tin: viết không hẳn là đổ hết bi kịch lên giấy, hay chạy trốn những dự cảm u ám về tương lai, nhưng, có khi, viết với lý do là: để được sống!

 

Bìa sách Những ngã tư và những cột đèn. Ảnh: 

 

 (Đọc Những ngã tư và những cột đèn, tiểu thuyết Trần Dần, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2010, 344 trang, giá 58.000 đồng)

Nguyễn Vĩnh Nguyên - SGTT.VN
Tin tức khác