Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.873 tác phẩm
2.760 tác giả
250
123.311.375

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn - Bản tình ca ngập tràn châu Á
Đêm 9/1 tại Thạch Trúc Viên của nhạc sĩ Đynh Trầm Ca (Vĩnh Điện, Quảng Nam) đã diễn ra buổi lễ tưởng niệm 6 năm ngày mất của nhạc sĩ tài hoa Lê Trọng Nguyễn. Vì lý do thời tiết, nên đêm nhạc Nắng chiều tưởng nhớ ông sẽ chuyển đến ngày 16/1 tới.

Lê Trọng Nguyễn là một nhạc sĩ thuộc thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Trong khoảng 50 ca khúc mà ông sáng tác, có gần 30 bài phổ biến, riêng bài Nắng chiều (viết năm 1952) là phổ biến nhất, được chuyển lời sang tiếng Hoa, Nhật, Anh, Thái Lan và Khmer với các tên gọi như Nam Hải tình ca, Việt Nam tình ca, Tịch dương...

 

Nắng chiều nổi tiếng ở các ngôn ngữ vừa đề cập đến mức vào phòng karaoke nào cũng có thể nghe người ta hát.

 

Một ca khúc, hai mối tình chớp nhoáng

 

Giới ca hát Việt Nam trước 1975 cho rằng chỉ các ca sĩ vững nhạc lý như Kim Tước, Lệ Thu, Hà Thanh, Tâm Vấn, Quỳnh Giao, Thanh Lan... thì mới chọn các khúc của Lê Trọng Nguyễn, vì nó khá khó. Thế nhưng, một vài bài như Nắng chiều, Chiều bên giáo đường, Lá rơi bên thềm, Sao đêm... thì thường được nhiều giới yêu thích.

 

Vài cơ sở chuyên in tập nhạc trước 1975 như Tinh hoa (Huế), Tinh hoa miền Nam (Sài Gòn), An Phú (Sài Gòn)... đã tái bản nhạc Lê Trọng Nguyễn rất nhiều lần, mỗi lần in 3.000 bản. Riêng ca khúc Nắng chiều thì được in vài chục lần, tổng số bản in thực tế (chưa nói bản chép tay, vốn phổ biến thời này) lên đến cả trăm ngàn bản. Ca khúc này cũng liên tục được yêu cầu phát trên một số đài phát thanh tại Huế, Sài Gòn từ 1953 trở về sau.

 

Theo vài tư liệu, năm 1958, ca sĩ trẻ Satsuki Midori (cùng trung tâm Toho Geino của Nhật Bản) sang Việt Nam, nghe Nắng chiều lần đầu đã ấn tượng, rồi cô viết lời Nhật. Cũng dịp này, Satsuki Midori hát Nắng chiều tại Hội chợ Thị Nghè, rồi ca khúc lên đài phát thanh ở Việt Nam và Tokyo trong nhiều năm, với cả lời Nhật và lời Việt. Sau dịp gặp nhau lần đó, hai người thư qua tin lại khá nhiều, tỏ ra tâm đầu ý hợp, cho đến khi Satsuki Midori qua đời do một tai nạn trong lúc ghi hình một hai năm sau đó.

 

Năm 1960, nữ ca sĩ Kỷ Lộ Hà từ Đài Loan sang trình diễn tại Đà Nẵng, Việt Nam, đã làm cho giới thưởng thức bất ngờ khi hát Nắng chiều, do Thận Chi đặt lời Hoa. Khi gặp Lê Trọng Nguyễn để xin bản quyền phổ biến lời mới của ca khúc này, Kỷ Lộ Hà cũng bị “hớp hồn” bởi tài năng, vẻ hào hoa của nhạc sĩ, nên hết sức quyến luyến. Không chỉ viết thư để đơn phương tỏ tình, Kỷ Lộ Hà còn ra đĩa nhựa 33 vòng cho Nắng chiều, được khán giả Đài Loan, Hong Kong, Thượng Hải... yêu thích trong nhiều thập niên; được phong tặng “bản tình ca đẹp nhất” thập niên 1970 tại Đài Loan. Gần đây, ca sĩ Đào Tô Dung cover lại ca khúc này, cũng được rất nhiều thính giả yêu thích.

 

Tuy không chính thức lên tiếng về hai mối tình ngắn ngủi mà đằm thắm này, nhưng trong các cuộc trò chuyện về sau, Lê Trọng Nguyễn cũng vài lần nhắc lại với lời lẽ rất trân trọng, trìu mến.

 

Nói riêng về Nắng chiều, Lê Trọng Nguyễn từng tâm sự: “Ca khúc này chỉ là một trong số những bài của tôi được phổ biến rộng rãi, nhưng tôi cũng không thích nó lắm, dù tình cảm tôi gửi vào đó rất mặn nồng. Tôi cũng không biết vì sao mình không thích bài này cho lắm, dù lúc mới viết xong mình rất khoái, vì nó rất chững chạc, chững vô cùng, nó cân phương đủ mặt. Ðây cũng là một loại tâm trạng. Người ta hát nhiều quá, mình đâm ra ghét”.

 

“Xuất ngoại” cùng karaoke và youTube

 

Hiện nay, chỉ cần bước vào bất kỳ quán karaoke nào có tiếng Hoa (ở Việt Nam cũng được), chọn bài Việt Nam tình ca hay Nam hải tình ca là sẽ “gặp lại” Lê Trọng Nguyễn. Trên youTube cũng thế, ca khúc này khá phổ biến, có khi được đặt đề là Tịch dương (sát nghĩa nắng chiều), với nhiều giọng ca của nhiều thế hệ trong đó có nhiều ca sĩ rất trẻ, chưa tới 20 tuổi.

 

Cũng xin nói thêm, nhà biên kịch, nhà soạn nhạc Thận Chi (1928-1988) là một tên tuổi rất lớn của các kênh truyền hình gắn với ca nhạc của Đài Loan, tên tuổi của ông được nhắc đến tại nhiều nước, vì đã đặt lời thành công cho nhiều ca khúc nổi tiếng như Spirit of Love (1963), Lemon Last Night (1984), Halfmoon Bend (1986), La Vie en Rose (1987)... Việt Nam tình ca mà ông “chuyển soạn” từ Nắng chiều cũng thuộc nhóm những ca khúc đặt lời nổi tiếng của ông.

 

Chính sức ảnh hưởng của Thận Chi đã làm cho Nắng chiều có mặt tại Thái Lan qua hệ thống karaoke, với lời Thái, tạm phiên âm là Pleng Ruk Talay Taii, không biết do ai đặt lời. Cộng đồng người Khmer cũng không xa lạ với ca khúc này. Nắng chiều cũng có tên tiếng Anh là Evening-Sunshine, vốn do Satsuki Midori hát đầu thập niên 1960.

 

Hiện nay, ra các tiệm đĩa tại Đài Loan, Hong Kong, Thượng Hải... hoặc Chợ Lớn (TP.HCM) vẫn có thể mua được Việt Nam tình ca do Giọng ca vàng Phí Ngọc Thanh (sinh 1955) trình bày, đây là nam ca sĩ có ảnh hưởng nhất tại Đài Loan năm 2009.

 

Một tên tuổi khác là danh ca Hoàng Thanh Nguyên, ông rất có ảnh hưởng đến lịch sử nhạc pop tiếng Hoa, cũng đã nhiều lần trình bày ca khúc này.

 

Lê Trọng Nguyễn (5/1/1926 - 9/1/2004) sinh tại Điện Bàn, Quảng Nam, mất tại Rosemead, Mỹ. Ông họ Lê, tên Trọng, riêng nghệ danh Nguyễn là họ của mẹ. Sau khi qua đời, gia đình ông thực hiện 2 CD là Lá rơi bên thềm và Lê Trọng Nguyễn collection. Những năm cuối đời ông đã hoàn tất bản thảo tập sách Nghệ thuật viết nhạc nhưng chưa kịp xuất bản.

Văn Bảy - TT&VH