Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
375
123.308.291

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Khi phim quá gần với thực tế
Bộ phim mới nhất của Clint Eastwood “Hereafter” mới đây bị loại khỏi danh sách trình chiếu tại các rạp chiếu bóng trên toàn Nhật Bản. Đây không phải là lần đầu tiên một bộ phim điện ảnh mất cơ hội được ra mắt người xem bởi... nội dung quá sát với những thảm kịch trong thực tế.

Quyết định loại “Hereafter” - bộ phim do Clint Eastwood chấp bút kịch bản và đạo diễn - khỏi thị trường giải trí Nhật Bản được đưa ra sau trận động đất kinh hoàng và những hậu quả nặng nề của nó tại nước này vào tuần trước. Trong phim, một nhà báo người Pháp do diễn viên Cecile de France thủ vai trải qua những giây phút cận kề cái chết khi phải đối mặt với một thảm hoạ sóng thần ở một quốc gia Châu Á. Satoru Otani - đại diện của Warner Entertainment Japan Inc, một chi nhánh của Warner Brothers tại Nhật Bản - cho biết những cảnh sóng thần trong phim thực sự không phù hợp trong bối cảnh hiện tại, vì thế bộ phim sẽ không được trình chiếu tại đây nữa.

 

Đây không phải là lần đầu tiên một bộ phim điện ảnh mất cơ hội được ra mắt người xem bởi... nội dung quá sát với những thảm kịch trong thực tế. Khoảng chừng 45 phim đã bị biên tập, trì hoãn hay huỷ chiếu sau vụ 11/9 tại Mỹ, trong đó, phần lớn là các hình ảnh liên quan đến hai toà tháp đôi đều bị cắt bỏ. Trường hợp của bộ phim bom tấn “Người nhện” là một ví dụ điển hình nhất. Những cảnh Người nhện đuổi bắt một chiếc trực thăng giữa hai toà tháp đã bị xoá trong cả trailer và bản chiếu chính thức. Trong các bộ phim bị lùi lại ngày chiếu bao gồm cả “View from the Top”, có sự tham gia của Gwyneth Paltrow trong vai một nữ tiếp viên hàng không tập sự và “Collateral Damage” của ngôi sao cơ bắp Arnold Schwarzenegger có nội dung liên quan đến khủng bố bằng bom ở Los Angeles v.v… 

 

Một số ý kiến cho rằng, những quyết định như vậy tỏ ra quá cực đoan bởi vì những người cảm thấy không thoải mái với những hình ảnh trong phim hoàn toàn có thể chọn không xem bộ phim đó. Tuy nhiên, xét cho cùng, khi một quốc gia lâm vào một tình trạng khó khăn, việc một hãng phim trì hoãn cơ hội sinh lời của mình, dù ít hay nhiều, cũng là một nghĩa cử thể hiện sự tôn trọng với quốc gia đó. Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật độc nhất vô nhị với khả năng đưa hàng nghìn người từ trong rạp chiếu phim đến một thế giới hoàn toàn khác với những gì họ đang phải đối mặt ngoài đời thực. Đó chính là một trong những lý do chính khiến các bộ phim về các sự kiện sát với thực tế có thể tạo nên những phản ứng mạnh mẽ từ những người đã trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các sự kiện này, thậm chí nhiều năm sau đó. Nhiều gia đình có người nhà bị chết trong vụ đánh bom 7/7 tại London đã phản đối bộ phim hài lấy đề tài về đánh bom tự sát của đạo diễn Chris Morris “Four Lions”. Một tác phẩm khác cũng gây nhiều tranh cãi là “Shoot on Sight”, nói về cái chết của Jean Charles de Menezes, một thanh niên người Brazil vô tội bị cảnh sát Anh bắn chết do nhầm lẫn, trong một cuộc truy quét khủng bố. 

 

“Những dư chấn nặng nề không chỉ kéo dài trong vài ngày mà còn rất lâu sau khi sự kiện diễn ra”, một nhà phê bình nhận xét, “các bộ phim như vậy chỉ làm gợi lại những ký ức đau buồn”. Rõ ràng, còn quá sớm để người dân Nhật có thể bình thản ngồi “thưởng thức” một bộ phim đề cập đến tsunami hay động đất. Nhưng câu hỏi là liệu khi nào quốc gia này lại có thể bắt đầu chấp nhận những “phiên bản” liên quan đến những sự kiện kinh hoàng mà họ đã và đang phải trải qua? 1 tháng? 1 năm? Hay không bao giờ?

Lan Phương - LĐ theo Independent