Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
329
123.307.579

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Bảo vệ không gian đờn ca tài tử!
GS-TS Trần Văn Khê mong các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, trả lại cho đờn ca tài tử Nam Bộ không gian chuẩn mực của nó, đừng để quốc tế nhìn vào điểm yếu này mà bác bỏ hồ sơ đã được thực hiện rất công phu của chúng ta

Ngày 31-3, hồ sơ đờn ca tài tử (ĐCTT) và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được hoàn tất và đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Theo GS-TS Trần Văn Khê, hồ sơ được gửi đúng hạn nên sẽ kịp đợt xét duyệt trong năm 2012. Tuy nhiên theo ông, vấn đề được công nhận hay không chưa quan trọng bằng việc làm cấp bách đối với ĐCTT đó là cần bảo vệ không gian của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này của người Nam Bộ.

 

Đưa ra thế giới, chưa đủ

 

Trước khi đệ trình hồ sơ lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, đã có nhiều ý kiến tranh luận là nên hay không nên. Tại hai cuộc hội thảo trong nước và quốc tế diễn ra trước đó, nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến hoài nghi, thậm chí phản bác. Nhóm ý kiến ủng hộ cho rằng đây là cơ hội tốt để ĐCTT được thế giới biết đến; một giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam khi được thế giới tôn vinh và được phổ biến rộng rãi sẽ là điều kiện tốt để các giá trị khác như kinh tế, du lịch, giáo dục… phát triển theo.

 

Nếu ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại, không chỉ ĐCTT Nam Bộ được vinh danh mà Việt Nam cũng được biết đến với thêm một loại hình nghệ thuật dân gian mang nét độc đáo nữa.

 

Theo các nhà chuyên môn, nếu so sánh với hồ sơ các bộ môn nghệ thuật truyền thống trong nước đã và đang được thiết lập để trình UNESCO, đờn ca tài tử Nam Bộ có nhiều ưu thế hơn vì đạt được những điều kiện tất yếu, minh chứng đầy đủ về giá trị lịch sử lẫn nghệ thuật đang tồn tại trong đời sống. 

 

Thế nhưng, theo GS Vĩnh Bảo, một trong những “đại thụ” của làng nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ: “Không cần phải nhọc công và tốn kém chi phí (dự kiến tốn khoảng 12 tỉ đồng) để xin UNESCO công nhận.

 

Nên dùng số tiền ấy vào việc phục hồi ĐCTT sẽ có ích nhiều hơn, như tìm đến những người chơi ĐCTT đàng hoàng còn sót lại, giúp họ sống được với nghề, rồi khuyến khích họ truyền nghề, khuyến khích thế hệ trẻ đến với ĐCTT”.

 

Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam có 5 di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù và hội Gióng. Những di sản này khi trở thành di sản nhân loại đã nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn của Nhà nước và các tổ chức trong việc bảo tồn và phát huy. ĐCTT cũng không ngoại lệ.

 

Cần những động thái tích cực

 

Theo phân tích của GS-TS Trần Văn Khê, ĐCTT Nam Bộ xuất hiện từ thời khẩn hoang vùng đất phương Nam, là thú giải trí trên ghe thuyền, sông rạch, bên ánh lửa bập bùng giữa đồng trống, trăng thanh, gió mát sau mùa gặt. Về sau, ĐCTT Nam Bộ được đưa vào biểu diễn trong đình, chùa vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp, rồi phát huy thành ca ra bộ, thăng hoa thành nghệ thuật ca diễn cải lương.

 

Nhưng sân khấu cải lương thì phát triển với tính mở và động, còn ĐCTT vẫn giữ nguyên những chuẩn mực bởi loại âm nhạc này thường trình diễn trong phạm vi không gian tương đối nhỏ như đám cưới, đám giỗ, tiệc mừng sau khi thu hoạch vụ mùa vào những đêm trăng sáng. Rứt ra khỏi không gian này, ĐCTT dễ bị biến tướng.

 

Có thể thấy rằng thời gian gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, các nhóm ĐCTT miệt vườn được thành lập, hoạt động bán chuyên nghiệp. Ở các tỉnh, thành Nam Bộ có sự phát triển về du lịch như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp…, ĐCTT đã có những đội chuyên phục vụ du khách trong các khu vực ẩm thực.

 

Do ĐCTT không gắn bó với ruộng đồng, xóm làng là hơi thở của cuộc sống nông thôn mà bị đô thị hóa nên những quán nhậu có ĐCTT đã làm mất đi không gian thưởng ngoạn mang tính giao lưu rất độc đáo giữa người chơi ĐCTT và khách thưởng thức.

 

Tại hai cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về ĐCTT được tổ chức tại TPHCM, trong 33 tham luận trình bày đã có không ít ý kiến lên án việc làm biến tướng, mất đi vẻ đẹp và tính chất nghệ thuật của ĐCTT. Những quán nhậu miệt vườn, những đội ĐCTT lạm dụng việc ca hơi dài, pha cải lương hồ quảng, tấu hài, thậm chí sử dụng nhạc ghi âm sẵn trong phòng thu (MD) phần hòa âm cổ nhạc để hát hoặc ca nhép đã làm mất đi tính nghệ thuật vốn là đặc trưng của ĐCTT.

 

GS-TS Trần Văn Khê bức xúc: “Hiện nay, chúng ta đã nộp hồ sơ thì không thể “đánh trống bỏ dùi”, ngồi đợi mà phải có nhiều cuộc thảo luận chuyên môn, nhìn rõ một cách trung thực những yếu kém trong việc quản lý đã khiến ĐCTT Nam Bộ bị biến dạng. Trước hết, là lỗi của khâu quản lý, sau đó là ý thức, trách nhiệm của người chơi ĐCTT. Đừng đổ lỗi cho cuộc sống, hoàn cảnh mưu sinh.

 

Đờn ca tài tử trên sông, nét đẹp của du lịch tại TP Cần Thơ, ảnh: Thanh Hiệp

Thanh Hiệp - NLĐO