Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
401
123.303.975

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
7 di sản mất tích của thế giới
Khi có tới 1.500 vệ tinh đang đi vào quỹ đạo quanh trái đất và dân số thế giới đã lên tới 7 tỷ người, nhiều người cho rằng mọi thứ giá trị trên hành tinh này đã được khám phá. Tuy nhiên, nhiều di sản lịch sử nổi tiếng nhất thế giới, từ chiếc chén Thánh tới chiếc máy bay của nữ phi công Mỹ Amelia Earhart vẫn chưa được tìm thấy.

Dưới đây là 7 di sản còn đang mất tích theo thống kê của tờ The Wall Street Journal.

 

1. Ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn: Các sử gia nói rằng nhà chinh phục vĩ đại này qua đời ở một nơi nào đó thuộc Tây Bắc Trung Quốc trong một cuộc viễn chinh vào năm 1277. Tuy nhiên, nơi chôn cất chính xác di hài của ông vẫn chưa được tìm thấy. Maury Kravitz, một luật sư 78 tuổi đồng thời là một nhà buôn từ Highland Park, Illinois (Mỹ) đã dành 18 năm và chi hơn 4 triệu USD để tìm kiếm ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn ở miền Trung Mông Cổ.

2. San Jose - thuyền chiến bị đắm của Tây Ban Nha: Ở nơi nào đó thuộc vùng biển Colombia có chiếc thuyền chiến Tây Ban Nha bị đắm. Nhiều người cho rằng chiếc thuyền này chở số kho báu trị giá hơn 1 tỷ USD. Chiếc thuyền bị đắm hồi tháng 6/1708 sau một vụ nổ chưa rõ nguyên nhân khi bị các tầu chiến của Anh “săn đuổi”.

3. Căn phòng bằng hổ phách của Nga:Căn phòng bằng hổ phách này còn được trang trí bằng những lá vàng và nhiều tấm gương. Đây là món quà của Vua Phổ Friedrich Wilhelm I gửi cho đồng minh của ông lúc đó là Nga hoàng Peter Đại đế vào năm 1716. Do có vẻ đẹp khác thường nên nhiều khi nó được mệnh danh là “Kỳ quan thứ 8 của thế giới”. Kiệt tác mang phong cách baroque này đã bị Phát xít Đức đánh cắp trong Thế chiến II và nó đã bị thất lạc vào thời điểm kết thúc chiến tranh.

4. Mộ của Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti:Bức tượng bán thân của Nefertiti, Nữ hoàng Ai Cập trong thế kỷ 14 trước Công nguyên, được ca ngợi là có vẻ đẹp hoàn hảo và là một trong những tài sản Ai Cập có giá trị nhất. Bức tượng này được nhiều người trầm trồ khi tới bảo tàng Berlin - nơi đang lưu giữ nó. Tuy nhiên, giờ đây các nhà khảo cổ vẫn đang tìm kiếm ngôi mộ của nữ hoàng để qua đó không những biết được bà qua đời khi nào, nguyên nhân cái chết của bà mà còn hiểu sâu hơn về thế giới Ai Cập cổ đại.

5. Chiếc chén Thánh: Đồ vật linh thiêng này vẫn được xem là một chiếc đĩa hoặc chiếc cốc được Chúa Jesus Christ sử dụng trong bữa tiệc ly và tương truyền rằng nó có nhiều sức mạnh thần diệu. Chiếc chén này đã trở thành đề tài của nhiều bộ phim và tiểu thuyết. Mặc dù các sử gia cho rằng chiếc chén Thánh này chỉ là một sự hư cấu, tuy nhiên nó vẫn là một trong những điều huyền bí nhất của loài người.

6. The Battle of Anghiari, bức bích họa của Leonardo da Vinci: Kể từ giữa thế kỷ 16 đến nay, không ai nhìn thấy bức bích họa The Battle of Anghiari (1505) của danh họa thời Phục hưng Leonardo da Vinci mà nhiều người cùng thời ông đánh giá là kiệt tác vĩ đại nhất. Có thời điểm bức bích họa này được gọi là “Tác phẩm bị thất lạc của Leonardo”. Bức tranh mô tả những người lính cưỡi ngựa trong một cuộc chiến đấu khốc liệt. Kiệt tác này được da Vinci vẽ trên tường của cung điện Vecchio, Florence, nhưng sau đó nó đã biến mất trong quá trình tái xây dựng cung điện.

7. Chiếc máy bay của nữ phi công Mỹ huyền thoại Amelia Earhart: Earhart là người phụ nữ đầu tiên một mình bay xuyên Đại Tây Dương. Trong một nỗ lực thực hiện chuyến bay vòng quanh trái đất năm 1937 trong chiếc Lockheed Model 10 Electra, bà đã mất tích giữa trung tâm Thái Bình Dương gần đảo Howland. Ông Roger “Woody” Peard (53 tuổi) ở Lake Tahoe, bang California (Mỹ) tin rằng chiếc máy bay Lockheed Model 10-Electra của Earhart đã bị rơi sau một cuộc va chạm trên trời và đã được chôn tại một căn cứ quân sự của Nhật Bản. Ông Peard đã chi 30.000 USD để tài trợ cho một cuộc thám hiểm sử dụng radar dò đất nhằm chứng minh giả thuyết của mình.

 

Từ trên xuống: Bức bích họa The Battle of Anghiari của Leonardo da Vinci; căn phòng bằng hổ phách; bức tượng bán thân Nữ hoàng Nefertiti và nữ phi công Amelia Earhart được xem là những “kỳ quan” còn đang mất tích

Việt Lâm - TT&VH