Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
400
123.303.956

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Lưu Trọng Lư - Trăm năm và mãi mãi
Sáng 17-6, gia đình cố thi sĩ Lưu Trọng Lư đã tổ chức buổi họp mặt tưởng niệm 100 năm ngày sinh của ông (1912 - 2011) và giới thiệu bộ sách Lưu Trọng Lư - Tác phẩm truyện ngắn - Tiểu thuyết cùng tập thơ Bài ca tự tình, gồm những bài thơ chưa công bố của ông vừa được ấn hành.

Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã đến tham dự trong không khí thân mật và ấm cúng. Nhiều người vốn là bằng hữu cùng thời với ông, như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Phạm Duy…và các thế hệ kế tiếp, như nhà nghiên cứu và phê bình văn học Trần Trọng Đăng Đàn, nhà văn Đoàn Minh Tuấn, nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Trần Tiến, cùng nhiều nhà thơ thuộc thế hệ trẻ hôm nay.

Là  một trong những cây cổ thụ của thi ca Việt Nam, từ năm 20 tuổi (1932), nhà thơ Lưu Trọng Lư đã nổi tiếng và được nhìn nhận là một trong những người khởi xướng và tích cực cổ vũ cho phong trào Thơ Mới. Đối với thế hệ chúng tôi, những tác phẩm thơ của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm và cuộc sống của mỗi người.

 

Từ khi học năm cuối cùng của bậc tiểu học, tôi đã say mê bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư trong sách quốc văn, đó là những câu thơ đầu tiên trong đời mà tôi học thuộc lòng:

“… Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời/ Lúc người còn sống tôi lên mười/ Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/ Áo đỏ người đưa trước giậu phơi…” (Nắng mới).

Khi vào bậc trung học và bắt đầu biết mộng mơ, lòng ngập tràn xao xuyến khi nghe thầy giáo môn Việt văn bình giảng bài Tiếng thu với những câu thơ nhẹ nhàng, đẹp như một bức tranh:

“… Em không nghe mùa thu/ Lá thu rơi xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô…” (Tiếng thu).

Bước vào tuổi thanh niên, khát khao có được một tình yêu đôi lứa như quy luật tự nhiên, tôi lại nương tựa vào thơ của Lưu Trọng Lư để tìm niềm an ủi:

“… Em là gái trong song cửa/ Anh là mây bốn phương trời/ Anh theo cánh gió chơi vơi/ Em vẫn nằm trong nhung lụa…” (Một mùa đông - bài 2).

Cho đến lúc đã trải qua vài cuộc tình, nếm đủ mùi vị đắng cay bởi những kẻ phụ mình và những người mình phụ, tôi vẫn dựa vào lời thơ của Lưu Trọng Lư để vỗ về và trấn an mình:

“… Ngày một ngày hai cách biệt nhau/ Chẳng được cùng em kê gối sầu/ Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo/ Cùng cười những chuyện thế gian đau…” (Một mùa đông - bài 3).

Có thể nói, tôi mang trong tim mình thơ của Lưu Trọng Lư làm hành trang đi suốt cuộc đời. Nhiều lúc tự hỏi: Tại sao vào thời đó, các cụ lại lãng mạn đến thế, cái lãng mạn nhẹ nhàng, tinh khiết không mang màu sắc ủy mị, chán chường một chút nào cả?        

 

Ảnh: TƯ LIỆU

Đoàn Thạch Hãn - NLĐ