Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
378
123.302.657

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Giải mã ngư dân Lý Sơn
Phim tài liệu “Ngư trường truyền thống”. Ở đảo Lý Sơn, đàn ông, đàn bà và con nít đều có trong tiềm thức của mình về đội hùng binh Hoàng Sa hơn 200 năm trước.

Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi vừa trao giải A cho bộ phim tài liệu “Ngư trường truyền thống” của đạo diễn Nguyễn Thùy Quyên nhân dịp 21.6 vừa qua. Trước đó, bộ phim sản xuất cuối năm 2010 này chỉ phát một lần trên sóng của VTV Đà Nẵng và chỉ được tặng bằng khen trong liên hoan phim truyền hình toàn quốc.

 

Điều đáng nói nhất là bộ phim này ra đời ở thời điểm các phương tiện truyền thông còn gọi tàu của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam là “tàu lạ”. Các ngư dân Lý Sơn trong phim hơn ai hết họ hiểu rõ ngư trường của mình và nói thẳng Trung Quốc lấn chiếm quấy rầy họ. Chất “tài liệu” giá trị của phim này chỉ nửa năm sau đã thể hiện rõ khi Trung Quốc leo thang ở biển Đông, một ngư dân Lý Sơn là nhân vật trong phim đã mất tích ngoài khơi ngay sau chuyến đi kế tiếp khi bộ phim hoàn thành.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng phòng chuyên đề Đài PT-TH Quảng Ngãi, tác giả kịch bản cho biết: “Ban đầu tôi đặt tên cho phim là “Ngư trường tiềm thức” nhưng sau đó sửa thành “Ngư trường truyền thống”. Chỉ với 23 phút, bộ phim tài liệu này đã giải mã vì sao ngư dân ở đảo Lý Sơn và ngư dân Quảng Ngãi không lựa chọn một ngư trường an toàn hơn trong mỗi chuyến ra khơi mà phải chọn Hoàng Sa".

 

“Ở đảo Lý Sơn, đàn ông, đàn bà và con nít đều có trong tiềm thức của mình về đội hùng binh Hoàng Sa hơn 200 năm trước. Họ cũng biết hơn 30 đảo lớn nhỏ ở Hoàng Sa có hai đảo mang tên các bậc tiền nhân ở là đảo Hữu Nhật tức Phạm Hữu Nhật, chánh đội suất và Quang Ảnh tức Phạm Quang Ảnh, cai đội Hoàng Sa”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

 

Những ngư dân Lý Sơn trong phim đã trực tiếp giải mã tiềm thức này. “Tôi không hiểu sao. Lương tâm cũng không hiểu sao… Đã chạy 1 ngày 1 đêm ra hướng Trường Sa rồi mà sao cũng “bắt” ra Hoàng Sa lại. Cứ chạy ra khỏi Lý Sơn là lấy lái ra Hoàng Sa. Có lẽ, ông bà, cha mẹ mình làm ở đó rồi giờ cứ bắt ra miết”, lời của ngư dân Mai Phụng Lưu trong phim.

 

Những ngư dân Lý Sơn trong phim đều lý giải giống nhau là Hoàng Sa như ngôi nhà, như cái rẫy của ông bà tổ tiên họ nên giờ phải ra đó đánh bắt. Nếu Hoàng Sa là của Trung Quốc thì những ngư dân suốt đời bám biển không bao giờ xâm phạm. Đối với họ, từ Lý Sơn ra Hoàng Sa cũng đơn giản như chuyến xe buýt từ cảng Sa Kỳ lên Quảng Ngãi.

 

Nhưng... Mỗi chuyến đi ngư dân Lý Sơn đều trở về như từ cõi chết. Hình ảnh chị Phạm Thị Lan, vợ của ngư dân Mai Phụng Lưu 4 lần trở lại trong phim khuôn mặt thất thần cứa vào lòng người xem. Tàu Trung Quốc bắt bớ, đánh đập, tịch thu tài sản, “tàu lạ” không rõ tung tích đang đêm đâm chìm…

 

Những người mẹ, người vợ, con cái của ngư dân ở lại bờ ngày đêm mòn mỏi và khóc hết nước mắt. Nhiều người mãi mãi ở lại biển khơi. Biết vậy nhưng tại sao họ vẫn đi? Bộ phim tài liệu này đã làm sáng tỏ tiềm thức của một cộng đồng ngư dân ở Quảng Ngãi. “Trong tâm thức họ nghĩ Hoàng Sa là của đất nước Việt Nam. Hoàng Sa là ngư trường tiềm thức của ngư dân Lý Sơn”. Bộ phim tài liệu chân thật, đầy cảm động của đạo diễn trẻ này cần được phát sóng rộng rãi.

 

Ảnh: Đạo diễn Nguyễn Thùy Quyên, phóng viên Ban chuyên đề Đài PT-TH Quảng Ngãi. 

 

Các bạn có thể xem phim này trên YouTube:

http://www.youtube.com/watch?v=E-IWjQCVVqc
Nguyễn Minh Sơn - SGTT.VN