Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
304
123.301.955

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người xưa qua thư tịch cổ
Đầu tháng 7.2011, anh Trần Đức Nghị từ Mỹ Tho lên TP.HCM rồi rủ tôi tới Thư viện Tổng hợp TP.HCM xem những sắc phong "gia bảo" của dòng tộc Trần Đức. Tôi đến, xem và... choáng ngợp với thế giới người xưa hiển hiện trước mắt.

Tất cả có 10 đạo sắc phong niên đại rất cổ. Trong đó cổ nhất là bản năm 1564, thời vua Lê Anh Tông (trị vì từ 1557-1573). Đặc biệt, có đến 5 sắc phong được các vua Lê (Anh Tông, Thế Tông) tự tay đóng ấn son “Sắc mệnh chi bảo” (ấn của vua) đè lên bản sắc. Còn lại là 2 sắc “phong thần” của chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), 1 chỉ thị của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), thư tịch còn lại là văn kiện của Bộ Lại triều Lê làm vào năm 1564.

 

Nhìn dấu ấn in bốn chữ “Sắc mệnh chi bảo” (ấn chỉ dùng cho bậc thiên tử) đỏ chót đóng lên những bản sắc phong bám lớp bụi thời gian, lòng tôi gợn lên những ý nghĩ: Quả là “chi bảo” thật! Những đạo sắc có niên đại cách đây gần 450 năm, lại do chính tay các vua chúa ban ra, ở phía Bắc đã là rất hiếm, nói chi đến ở phương Nam - nơi quá xa xôi với triều đại nhà Lê cả về mặt địa lý lẫn yếu tố thời gian.

 

Vợ anh Trần Đức Nghị - chị Đào Thị Hằng là con gái đầu của nhà văn Sơn Nam, còn anh Nghị là cháu gọi NSƯT Thanh Trì bằng cô. Anh Nghị kể, những sắc phong này là “gia bảo” truyền đời của dòng họ anh và chỉ truyền cho trưởng nam. Đến đời cha anh là ông Trần Đức Kháng hậu duệ đời thứ 12 (tính từ đời cụ thủy tổ Trần Đức Hòa). Mỗi năm cứ đến ngày giỗ tổ, con cháu dòng họ Trần Đức tề tựu về nhà ông Kháng. Các bậc cao niên khăn áo chỉnh tề, sau khi dâng hương lên bàn thờ tổ tiên, cha anh lại trịnh trọng bưng chiếc hộp thiếc đựng 10 bản sắc phong, mở ra cho con cháu chiêm ngưỡng.

 

Vị phó tướng xứ Quảng Nam

 

Không ai biết được nội dung của những văn bản này vì không biết chữ Hán... Mãi đến năm 1993, một trong những người con của ông Kháng có quen biết với ông Đặng Quý Địch (hiệu là Lộc Xuyên, ở thị trấn Bồng Sơn - Bình Định). Ông này thông thạo Hán văn lại từng là quản thủ thư viện nên nhờ dịch giùm. Vậy là mọi việc sáng tỏ: Cả 10 văn kiện này đều liên quan đến những “nhân vật lịch sử” thuộc dòng họ Trần Đức, quan trọng hơn cả là Cống Quận công Trần Đức Hòa.

 

Tôi hình dung cách đây đúng 447 năm, vị phó tướng xứ Quảng Nam là Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân (cha của ông Trần Đức Hòa), nghiêm cẩn quỳ xuống, hai tay đưa lên ngang mày, trịnh trọng đón nhận sắc phong của vua Lê Anh Tông ưu ái truy tặng cho người cha đã qua đời của mình là ông Trần Ngọc Trách, hiệu là Kim tử Vinh Lộc Đại phu, tước Huệ Trung bá (sắc phong này đề ngày 10.8, năm Chánh Trị thứ bảy - 1564). Trong dịp này, ông Phân còn nhận được hai sắc phong khác. Một sắc đề ngày 28.7 cùng năm, vua phong cho mẹ của ông là bà Bùi Thị Phấn phẩm Phu nhân. Sắc còn lại đề ngày 18.7 cùng năm, vua phong cho vợ của ông là bà Nguyễn Thị Ngọc phẩm Chánh phu nhân. Cả ba sắc phong này đều có kích cỡ 120 x 80 cm, viết trên giấy Bắc màu vàng, chữ viết rất đẹp, rõ ràng, dễ đọc. Ấn của vua hình vuông (khổ 12 x 12 cm) khắc bốn chữ “Sắc mệnh chi bảo” theo lối chữ triện đóng trên hàng niên hiệu... Chắc chắn ông Trần Ngọc Phân phải là người tài cao đức rộng mới được vua biệt đãi, phong tặng phẩm tước cho thân nhân (kể cả người đã mất).

 

Vậy, vị phó tướng xứ Quảng Nam là người như thế nào? Câu trả lời nằm ngay ở những văn bản khác. Đó là sắc “phong thần” của vua Lê Thế Tông (1573-1600), đề ngày 16.5, năm Quang Hưng thứ 17 (tức năm 1593), nội dung (dịch thoát nghĩa) như sau: “Sắc ban viên quan họ Trần từng giữ chức phó tướng Quảng Nam, tước Dương Đàm hầu, đã qua đời... Như Trần quý phủ: Cốt cách trượng phu, phong thái quốc sĩ. Cầm quân lập công ngoài biên trở thành lương tướng như Liêm Pha giữ vững bờ cõi nước Triệu. Chế ngự một phương, uy danh lừng lẫy còn để lại khả dĩ ngăn ngừa mầm loạn, làm vị thần ban phúc cho dân sống trên đất Việt. Đã hiển uy linh ngầm giúp dẹp yên giặc giã thì triều đình phải gia tăng tưởng thưởng bậc tôn quý. Nay cho Trần quý phủ thêm mỹ hiệu “Quả Nghị” (quyết đoán sáng suốt và nghị lực cứng cỏi)”. 100 năm sau, chúa Nguyễn Phúc Trăn lại sắc phong cho “Thượng đẳng phúc thần” Trần Ngọc Phân: “Thần thường làm điều lợi cho nước, ban ơn cho dân. Đã nhiều lần cầu đảo, thấy có linh ứng...”. Cần nói thêm, giai đoạn này là thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Các chúa Nguyễn dù không xưng đế (nên vẫn dùng niên hiệu của vua Lê trên các thư tịch) nhưng vẫn có triều đình riêng ở Đàng Trong. Các chúa vẫn có uy quyền tối thượng, kể cả quyền... phong thần!

 

Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn

 

Lần giở thư tịch cổ, chúng tôi lại tìm được một lời giải thích thú vị khác với lối hiểu xưa nay về câu đồng dao Nhong nhong nhong, ngựa ông đã về/Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn.

 

Khi tiếp cận với những văn kiện cổ của dòng họ Trần Đức, chúng tôi mới vỡ ra: có đến 4 văn bản xuất hiện địa danh “Bồng Sơn huyện, Bồ Đề xã...”. Vậy, “cỏ bồ đề” là... loài cỏ mọc ở xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Ninh (sau đổi là Quy Nhơn). Rõ rồi, còn “ngựa ông” là ngựa (của) ông nào? Đó là ngựa của Cống Quận công Trần Đức Hòa.

 

Sau khi cha (Trần Ngọc Phân) qua đời, Trần Đức Hòa được vua Lê Anh Tông cho “tập ấm”, với chức Hoằng tín Đại phu (một chức quan nhỏ). Tổ tiên người Thanh Hóa nhưng ông được sinh tại thôn Hy Văn, xã Bồ Đề khi cha ông làm phó tướng xứ Quảng Nam. Tuy tiến thân bằng tập ấm (không qua thi cử hoặc được sự tiến cử của một vị quan có uy tín), nhưng với tài trí bẩm sinh Trần Đức Hòa đã thể hiện năng lực vượt trội trước các quan đồng liêu. Xuất thân dòng võ tướng, ông từng lập được nhiều chiến công nơi trận mạc. Khi Trần Đức Hòa cầm quân dưới trướng Trịnh Tùng (con thứ của Trịnh Kiểm, sau này là chúa Bình An vương) đi đánh quân Mạc trở về, ông được vua Lê Thế Tông sắc phong: “tước Cống Quận công, trụ quốc bậc nhất”. Sắc phong này được viết trên giấy Bắc màu vàng nhưng nền có in rồng mây, khổ lớn 120 x 80 cm, có đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo”... Quả là rạng rỡ tông môn, người cha chỉ vươn đến tước “hầu” còn ông đã chạm đỉnh với tước “công” (trong 5 tước: công, hầu, bá, tử, nam).

 

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vì sợ Trịnh Kiểm mưu hại nên nhờ chị ruột là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin cho mình vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Theo câu sấm Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Trần Đức Hòa lại là bề tôi thân tín nhất của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Ở Chỉ thị ghi ngày 12.9, năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (tức năm 1715), do chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho cháu đích tôn của ông Hòa là Chánh Đề đốc, Vĩnh Thọ hầu Trần Đức Tấn: “... do có ông cao là Khán lý Cống Quận công Trần (Đức Hòa) từng được chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) nhận làm dưỡng tử, thường dâng nạp binh lương thuế khóa, lại có công che chở và nuôi nấng Lộc Khê hầu (Đào Duy Từ - NV)... Cho nên từ nay về sau, hễ là cháu chắt của Trần (Đức Hòa) đều được miễn sưu thuế, lại cấp 10 mẫu ruộng làm tự điền... Các quan thuộc phủ Quy Ninh không được gây sự sách nhiễu, để biểu dương công đức của công thần, làm vẻ vang cho người đời trước”.

 

Tuy thế trong Đại Nam liệt truyện tiền biên (pho sách này do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ 1841-1852 mới xong), phần ghi chép về Trần Đức Hòa có những đoạn như sau: “Hy tông Hoàng đế (Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) lên nối ngôi, Đức Hòa thường được cùng chúa bàn mưu định kế, mỗi mỗi đều gọi Đức Hòa là nghĩa đệ. Lúc Nam - Bắc dùng binh, trong cõi lắm việc, Đức Hòa ở Quy Nhơn lâu ngày, trong vỗ an dân chúng, ngoài cung cấp lương hướng cho quân đội, được xem là chỗ dựa của triều đình”.

 

Không ai rõ năm sinh và năm mất của Cống Quận công Trần Đức Hòa, nhưng sau khi ông mất, chúa Nguyễn Phúc Trăn đã truy tặng cho ông mỹ hiệu “Phù Vận thần” (vị thần giúp cho vận nước được vững bền, dài lâu), được ban “quốc tính” (đổi sang họ Nguyễn của chúa) trong đạo sắc đề ngày mùng 6.6, năm Chánh Hòa thứ 10 (tức năm 1689, đời Lê Hy Tông).

 

Đại Nam nhất thống chí - quyển thứ 9 ghi: “Sau (Đức Hòa) mất, được phong Phúc thần, dân xã Bồ Đề lập đền thờ phụng. Gia Long năm thứ tư (1805), truy lục bề tôi có công mở nước, Đức Hòa được xếp hạng nhất. Cháu chắt một người, đời đời nối nhau làm đội trưởng để giữ việc thờ phụng. Lại cấp 9 mẫu ruộng và 4 tên phu coi mộ. Con là Đức Nghi sau làm quan đến chức Phó đề đốc”.

 

Người dân xã Bồ Đề lập đền thờ ông, nên thường linh ứng thấy “ngựa ông về” nên đua nhau “cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”.

 

Xem xét thư tịch cổ tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM - Ảnh: H.Đ.N

 

 

Hà Đình Nguyên - TNO