Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
362
123.301.350

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Độc-thoại với Bùi Giáng
Có thể xem 15 tác phẩm mà Đinh Cường vẽ Bùi Giáng trong triển lãm chung Bốn người bạn, khai mạc lúc 10 giờ ngày 14.8.2011 tại phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, TP.HCM) là cuộc “độc thoại”.

Vì ở đó, vẫn Bùi Giáng đó, nhưng người xem như được chứng nghiệm những sát-na khác về thi sĩ vô tiền khoáng hậu này.

 

Ngoài đời, Đinh Cường đã có vô số cuộc đối thoại miên man với Bùi Giáng, vì hai người thường du hý với nhau. Trong tác phẩm cũng có vài cuộc đối thoại như thế, ví dụ như năm 1972, Bùi Giáng viết hai câu thơ lên một mảnh giấy rồi nằng nặc bắt Đinh Cường phải vẽ ngay bức tranh lên – họ Bùi đã đòi thì không ai trốn thoát được.

 

Thế nhưng, qua các giai đoạn, trong mỗi thời khắc, Đinh Cường lại vẽ Bùi Giáng một kiểu khác, có lúc chỉ là vài nét sương khói, lãng đãng (năm 1972, 1986, 1989), có lúc chi tiết, công phu (năm 1982, 1985, 1987, 1992, 1998, 1999), có lúc như phác thảo, thuỷ mạc (năm 1998). Cách dùng màu cũng thế, mạnh về đen, đỏ, vàng… tuỳ lúc mà biến tấu. Phần lớn đặc tả ánh mắt, với cách pha trộn chất tinh anh, phiêu bồng và hốt nhiên, lạc lõng.

 

Triển lãm Bốn người bạn gồm Đinh Cường (24 tranh sơn dầu, 1 màu nước), Thân Trọng Minh (20 sơn dầu), Hoàng Trọng Bân (7 sơn dầu) và Phạm Văn Hạng (5 tượng). Khai mạc ngày 14.8, treo tranh từ 10.8 và kéo dài đến hết ngày 28.8.2011, vào cửa tự do.

 

Có thể nói cuộc độc thoại của Đinh Cường là quá trình mà ông với Bùi Giáng truy tìm “cố quận” của bản thể, để “vẽ màu quê chung”. Nhiều tư liệu cho thấy Bùi Giáng đã vẽ từ cuối thập niên 1940; trong thập niên 1960, Bùi Giáng từng triển lãm tranh bột màu tại nhà sách Albert Portail (sau này là Xuân Thu).

 

Trong đời cầm cọ, Đinh Cường vẽ khá nhiều chân dung, mỗi đối tượng một cách thể hiện riêng. Nhưng khi đối diện với các hoạ sĩ, hoặc những người thích vẽ tranh như Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn… Đinh Cường lại chọn một vị thế khác. Chính cái tâm thế như vẽ “đồng môn” ấy đã khiến Đinh Cường chọn giải pháp “độc thoại”, vẽ bạn mà như vẽ lòng mình. 15 sát-na Bùi Giáng cũng vậy, ấy là 15 cảnh giới của họ Bùi, cũng là 15 nỗi lòng của người cầm cọ. Bởi hình như, người ta chỉ đối thoại với đối thể nào đó khác mình, còn giống lòng mình, thì chỉ cần độc thoại.

 

Ảnh: Tác phẩm Bùi Giáng 7, sơn dầu trên carton, 28 x 18cm, 1999.

 

Hiền Hoà - SGTT.VN