Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
372
123.301.242

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hương-sắc-Việt-Nam tôn vinh nghệ thuật dân gian
Tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) vào tối 10/9, sẽ diễn ra chương trình “Hương sắc Việt Nam” số 4 với các tiết mục nghệ thuật dân gian đặc sắc của các dân tộc.

“Hương sắc Việt Nam” là chương trình nhằm mục đích bảo tồn, lưu giữ và tôn vinh các giá trị nghệ thuật dân gian, đồng thời cũng nhằm giới thiệu "đặc sản" văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

 

Đây là dự án thuộc Bộ Văn hóa-Du lịch-Thể thao, do các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam dàn dựng và biểu diễn.

 

Được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 23/11/2010 nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam, chương trình “Hương sắc Việt Nam” số 1 đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng.

 

Đúng như tên gọi, “Hương sắc Việt Nam” là sự tôn vinh nghệ thuật ca-múa-nhạc của các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước. Với cấu trúc mở, chương trình giới thiệu một cách linh hoạt về đặc trưng âm nhạc các vùng miền.

 

Ngoài quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể đã được thế giới công nhận như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ..., chương trình còn giới thiệu nghệ thuật đặc sắc của 54 dân tộc như hát xoan, hát lượn, cọi, si, hò sông Mã, xòe Thái, sáo H'mông...

 

Nghệ sỹ Xuân Bình, Trưởng đoàn biểu diễn dân gian truyền thống - Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cho biết “Hương sắc Việt Nam” sẽ là một hành trình, lần lượt giới thiệu các loại hình nghệ thuật của 54 dân tộc anh em.

 

Mỗi buổi diễn sẽ có các tiết mục nghệ thuật đan xen đặc sắc của các dân tộc ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Bố cục chương trình mang tính chuyên đề hoặc tổng quát cao, được dàn dựng bài bản.

 

Trong các chương trình chuyên đề, các tiết mục truyền thống chiếm 70%, còn lại là các tiết mục sáng tác mới dựa trên chất liệu dân gian - đây chính là điểm hấp dẫn người xem, giảm thiểu việc trùng lặp nội dung và tính một màu.

 

Các tiết mục biểu diễn trong “Hương sắc Việt Nam” chủ yếu là múa hình thể và các nhạc cụ dân tộc. Nghệ thuật múa và âm nhạc sẽ xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ, mang đến những cảm nhận trọn vẹn cho khán giả bất kể quốc tịch. MC chỉ làm nhiệm vụ gợi mở, các tiết mục sẽ được xâu chuỗi liền mạch trong thể thống nhất chứ không tách rời đơn lẻ.

 

Cho tới nay, đã có ba chương trình “Hương Sắc Việt Nam” được tổ chức và được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

 

Chương trình “Hương Sắc Việt Nam” số 4 dự kiến sẽ trình diễn khoảng 15 tiết mục múa, hát văn, độc tấu đàn nhị, hòa tấu nhạc Tây Nguyên…

 

Để “Hương sắc Việt Nam” thực sự là hương sắc, các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam phải cập nhật, tập luyện các loại hình nghệ thuật dân gian của các dân tộc trên mọi miền đất nước. Tuy nhiên có một khó khăn là nhiều loại hình nghệ thuật dân gian rất thiếu vắng tư liệu gốc và các nghệ nhân am hiểu để truyền dạy.

 

Các nghệ sỹ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam phải dày công sưu tầm, nghiên cứu và học hỏi trong vốn văn hóa cổ; học hỏi kinh nghiệm của lớp nghệ nhân đi trước. Cùng với đó họ cũng phải nỗ lực tập luyện với mong muốn mỗi tiết mục đem đến cho khán giả phải gần nhất, đúng nhất với giá trị truyền thống nguyên bản.

 

Nghệ sỹ Xuân Bình chia sẻ, thông qua chương trình “Hương sắc Việt Nam,” các nghệ sỹ, nghệ nhân muốn góp phần bảo tồn nghệ thuật dân gian đang bị mai một, đồng thời để âm nhạc dân gian có chỗ đứng xứng đáng trong dòng chảy âm nhạc hiện đại.

 

Không chỉ nhằm bảo tồn nghệ thuật dân gian của các dân tộc, “Hương sắc Việt Nam” còn là một hình thức quảng bá hình ảnh của đất nước một cách hiệu quả, góp phần xúc tiến du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế./.

 

Một tiết mục biểu diễn trong "Hương sắc Việt Nam." (Nguồn: cinet.gov.vn)

 

B.H - Vietnam+