Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
410
123.294.910

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Lịch sử Việt Nam từ 1889 – 1916 qua Đại Nam thực lục
Cuốn Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên do Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, NXB Văn Hoá – Văn Nghệ xuất bản được hoàn thành sau bộ Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ khoảng 30 năm.

Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, Quốc sử quán triều Nguyễn, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, NXB Văn Hoá – Văn Nghệ liên kết xuất bản với công ty Sài Gòn Truyền Thông, 783 trang, khổ 16x24cm, bìa cứng, 400.000 đồng.

 

Theo đánh giá của dịch giả họ Cao, thời gian như vậy tương đối biệt lập, và còn được biên soạn bởi hai nhóm tác giả khác nhau, nên trong thực tế nó là bộ sử độc lập, và hơn thế nữa nó còn là tác phẩm sử học mang trong nội dung và giá trị của nó nhiều nét đặc thù.

 

Phần gọi là phụ biên này ghi chép về lịch sử Việt Nam dưới đời Thành Thái và Duy Tân, kéo dài qua 28 năm từ 1889 – 1916. Cuốn sách được khởi thảo từ cuối năm 1922, hoàn thành muộn nhất trong khoảng 1941 – 1942, chưa được khắc in, hiện chỉ thấy có một bản chép tay duy nhất lưu giữ ở thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ, Pháp tại Paris, gồm 29 quyển đóng thành 13 tập, tất cả hơn 1.700 trang.

 

Theo dịch giả họ Cao, mặc dầu là một bản thảo hoàn chỉnh, Chính biên đệ lục kỷ phụ biên vẫn có những sai sót về nội dung do cả hai khâu biên soạn và nhân bản – sao chép đưa tới. Đối với những sai sót do quá trình sao chép cần hiệu đính văn bản, dịch giả có chú thích rõ ràng từng trường hợp. Đối với những sai sót do khâu biên soạn, dịch giả chủ yếu theo đúng nguyên văn và có chú thích từng trường hợp cho người đọc rõ.

 

Về nguồn thông tin, các tác giả Chính biên đệ lục kỷ phụ biên đã sử dụng, tham khảo khá nhiều hồ sơ, thư liệu, thống kê, nghị định, v.v. có nguyên bản là Pháp văn.

 

Qua 28 năm lịch sử này, ta có thể đọc được nhều sự kiện thú vị, như việc khởi công xây dựng cây cầu đầu tiên qua sông Hương: […] Nay theo lời Cơ mật viện tâu nói phía trước sông Hương là đường quan lộ, nghĩ nên làm một chiếc cầu sắt để tiện thông hành, duy vì phí tổn rất lớn nên còn phải chờ tính toán trù biện. Nay Toàn quyền đại thần Pháp Phù nam vương Rousseau tới kinh, qua bàn định với Trú kinh khâm sứ đại thần Hộ nam công Brière và bề tôi Cơ mật viện thì chiếc cầu sắt ấy nghĩ chiểu theo kiểu thức thứ nhất (bề ngang khoảng 5 thước 2 tấc Tây), lần lượt chi tiền kho 190.000 đồng để xây dựng. […] Về sau đến tháng 4 năm thứ chín (1897), Toàn quyền Doumer tới kinh, nghĩ việc xây dựng cầu này là công trình rất lớn, bàn nên chịu tốn kém một lần để có thể yên ổn lâu dài, bèn ban dụ sai bộ Hộ trích giao 190.000 đồng cho quý Bảo hộ nhận làm, số còn thiếu do quý Bảo hộ trích tiền giúp đỡ, còn như những vật liệu cần dùng thì do bộ Công trù biện thi hành. Khi hoàn thành chuẩn dựng bia ghi lại việc ấy. Tháng 9 hội đồng đấu giá, lại chuẩn cho đại thần Nguyễn Thân sung Kiểm giám việc đấu giá (tháng 4 năm thứ mười mở rộng cầu, phí tổn khoảng 500.000 đồng, cũng do Bảo hộ giúp đỡ. Tháng mười ngự giá lên cầu làm lễ đặt viên đá đầu tiên, đến tháng 10 năm thứ 12 làm lễ khánh thành) (điều 0708, quyển 8).

 

Cây cầu này bị sập một lần vào tháng 8 ngày 2 năm Mậu Thân (1908) do kinh sư có bão lớn. Trong trận bão này nước dâng lên ngập hết cung điện trong Cấm thành và quan thự trong kinh thành […] Cột cờ trên kỳ đài gãy ngang rơi xuống, cầu sắt Trường Tiền cũng bị đổ (điều 1288, quyển 16).

 

Cuốn sách kết thúc bằng sự kiện đi đày của hai ông phế đế Thành Thái và Duy Tân ở điều 2042 quyển thứ 29 năm Duy Tân thứ 11: Mùa hạ, tháng 4 (Quý Tỵ – 1917) (*). Đêm ngày 2 (Canh Tý) vua tự rời ngôi báu. Lúc đầu là vua bị phỉ nhân Trần Cao Vân mê hoặc, nửa đêm ngầm rời khỏi hoàng thành ra ngoài, theo đảng nghịch Vân bàn bậy việc quang phục, mưu đồ nổi loạn […] Để rồi: mùa đông, tháng 10 lại đón Phế đế Thành Thái từ Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), cùng đáp tàu máy tới cư trú ở đảo Réunion thuộc địa của nước Đại Pháp (2042).

 

(*) Sự kiện duy nhất của năm 1917, vượt ra khuôn khổ của cuốn sử (1889 – 1916), để nói về số phận của hai ông vua.

 

Thêm một bộ sử ra mắt, người đọc thêm cơ hội hiểu về quá khứ dân tộc mình. Ảnh: H.T

 

 

Khởi Thức - SGTT.VN