Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
467
123.293.062

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hầu đồng vào… bảo tàng
Cuộc triển lãm Tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hà Nội vào sáng 5/1 vừa qua đã đánh dấu một mốc mới của hầu đồng, khi loại hình diễn xướng này lần đầu tiên xuất hiện chính thức tại một địa chỉ văn hóa quốc gia: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Trước đó, vào đầu năm 2011, một cuộc thuyết trình kèm theo hầu đồng cũng đã được tổ chức tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp (Hà Nội). Rất đông khán giả đã tới tham dự và tạo nên cảnh “vỡ sân” vốn rất hiếm gặp tại địa chỉ văn hóa này.

 

“Chưa nói về chất lượng thẩm mỹ, bản thân cuộc triển lãm này đã cho thấy: từng bước một, hầu đồng đang dần tìm được sự thừa nhận chính thức trong cuộc sống hiện đại”- GS Ngô Đức Thịnh cho biết. Là một trong những chuyên gia có thâm niên nghiên cứu về hầu đồng và tín ngưỡng thờ mẫu, tên ông được nhắc tới khá nhiều trong hai năm trở lại đây, khi có thông tin cho rằng Việt Nam nên đệ trình hầu đồng lên UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Cuộc triển lãm có tên đầy đủ Tín ngưỡng thờ mẫu: Tâm - Đẹp - Vui, được Bảo tàng Phụ nữ VN cùng Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Phát triển Văn hóa tổ chức với hàng trăm  phim tư liệu, ảnh, mẫu vật sưu tầm về tục thờ mẫu Việt Nam - vốn được coi là “bệ đỡ” của hầu đồng. Bên cạnh việc trình diễn một số giá đồng cơ bản trong ngày khai mạc, phía tổ chức cũng đưa ra một số kết quả  phỏng vấn hàng trăm chủ thể văn hóa là các ông, bà đồng và người dân theo Mẫu sinh sống ở phía Bắc. Đại bộ phận những người được phỏng vấn đều đánh giá rất tích cực về tính thẩm mỹ và ý nghĩa tâm linh của loại hình diễn xướng này.

 

Được biết, cũng như cuộc thuyết trình tại TT văn hóa Pháp trước đây, phía tổ chức đã phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho cuộc triển lãm này. “Đó là điều dễ hiểu và bình thường, khi trong một thời gian dài trước đây, hầu đồng từng có nhiều biến tướng lệch lạc và liên quan tới mê tín dị đoan” - GS Ngô Đức Thịnh nói. Theo lời ông, một số chuyên gia nghiên cứu văn hóa trong nước đang xúc tiến tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về lên đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như xây dựng một bảo tàng tư nhân đầu tiên tại VN về chuyên đề này.

 

Một phần trưng bày bàn thờ Mẫu tại cuộc triển lãm

 

Chiêu Minh - TT&VH