Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
342
123.252.311

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Chào tiễn biệt bác sĩ Trần Bồng Sơn:
Khi còn phụ trách trang mục về giáo dục giới tính ở một tờ báo tuổi học trò, nhờ công việc chuyển thư bạn đọc mà tôi quen với bác sĩ (BS) Trần Bồng Sơn. Mỗi lần gặp nhau không dài, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ ông trò chuyện với tôi về lĩnh vực "công việc" của ông, ông cười: "Khi cần đến tự khắc anh sẽ giỏi, chừng nào có vợ, trục trặc không giải quyết được hẵng gọi tôi!".

Nhiều người bảo bút danh Bồng Sơn là quê gốc của ông, còn theo ông lý giải Bồng Sơn là một địa danh ở Bình Định, nơi ông làm bác sĩ quân y thời chiến tranh. Có lần ông kể rằng, nơi đó với ông đáng nhớ cả đời, vì chỉ sau một đêm Bệnh viện Bồng Sơn ông làm đã trở thành bình địa mà ông vẫn bình an. Thế còn cái họ Trần trong bút danh, rất ít sách báo nào hay trong các tự truyện của ông nhắc đến nguyên do, thật ra là họ của một người con gái. Có lần viết bài phỏng vấn, tôi ghi nguyên văn lời giải thích dù rất mơ hồ của ông rằng: "Họ Trần do mình tự đặt để nhớ về một kỷ niệm riêng với một cô giáo cùng thời với tôi, đã mất vì bom đạn...", nhưng khi đưa bản thảo ông gạch đi đoạn "với một cô giáo..." với nụ cười: "Thôi, chuyện đó xưa rồi...".

Nói về BS Trần Bồng Sơn chỉ cần một từ: Nghị lực. 11 tuổi không còn trong vòng tay gia đình, lang thang khắp Sài Gòn cho đến khi vào Trường dòng Taberd của dòng La San theo diện miễn học phí. Thi đậu vào trường Y thì lao vào đi làm thêm để kiếm tiền ăn học. Từ dắt chó mướn, bán chó mèo ngoài lề đường cho đến gia sư, trình dược viên và... viết báo đến mức một thời gian sinh ra lao phổi. Không có tiền đi bệnh viện, thế là bằng kiến thức đã học, anh chàng tự trị cho mình. Sau này ông hay nói: "Không hiểu sao hồi đó liều thiệt, sát trùng sơ sài mà chích tùm lum lại không bị sao hết !".

Trong tư liệu của tôi còn giữ được, có một số câu trả lời của ông thiết nghĩ nên trích ra đây để bạn đọc có dịp biết thêm về một chuyên gia tình dục học được nhiều người mến mộ của Việt Nam:

* Bước ngoặt nào khiến BS theo đuổi chuyên ngành Tình dục học?

- BS Trần Bồng Sơn: Hồi đó ở trường Y có ông giáo sư Marcel Lichtenberger là tiến sĩ Y khoa nhưng lại là Linh mục dòng Tên. Ông dành thời gian nghiên cứu về lĩnh vực này để giúp các con chiên trong quá trình họ xưng tội mà ông gặp phải. Có lần ông vỗ vai tôi: "Cậu hãy giúp tôi, vì cậu chắc chắn sẽ hơn tôi bởi có kinh nghiệm thực tế, còn linh mục thì chỉ có... lý thuyết !". Nhờ ông khuyến khích nên tôi mới đi theo, dù mãi đến năm 1972 Tổ chức Y tế thế giới mới coi "Tình dục học lâm sàng" như một bộ môn chuyên khoa.

* BS nghĩ sao về chuyện tình dục, giới tính của giới trẻ hiện nay?

- BS Trần Bồng Sơn: Băn khoăn lớn nhất của tôi là các bạn trẻ bây giờ với chuyện đó ai cũng tưởng mình đã biết, nhưng kỳ thực là chỉ biết "lõm bõm". Họ không được cung cấp kiến thức về giới tính bài bản mà lại quá lo lắng về những điều mình chưa biết tới hoặc chỉ biết qua lời đồn đại hay suy diễn và ảo tưởng của nhiều người. Trong lĩnh vực này, thà không biết còn hơn biết sai. Trong tình dục, về góc độ cá nhân không có gì là khó khăn cả, không đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo gì nhiều mà cần dành quá nhiều thời gian tìm hiểu. Nhất là phái nam coi đó như một bản lĩnh đàn ông, trong khi bản lĩnh đó cần được thể hiện qua cuộc sống. Tìm một công việc thích hợp với thu nhập thỏa đáng mới là điều khó và đáng tự hào chứ còn tình dục thì ai cũng làm được, thậm chí... súc vật còn làm tốt hơn!

Có lẽ vì suy nghĩ đó, lần nào gặp tôi ông cũng bàn chuyện báo chí và thời sự. Có lần từ Pháp về, ông hồ hởi nhắn tôi sang để tặng cho mấy dòng chữ của Napoleon mà ông tìm được trong bảo tàng. Những dòng chữ ấy còn trong phòng làm việc của tôi, mà ông thì đã đi xa...            

Hơn hai mươi năm qua, cái tên ông - bác sĩ Trần Bồng Sơn đã mặc nhiên gắn chặt và luôn mang tên của chuyên mục đặc biệt, xuất hiện lần đầu tiên trên một tờ báo với chuyên mục Thắc mắc biết hỏi ai?, ông là người tư vấn cho bạn đọc những vấn đề tế nhị thuộc giới tính, tính dục mà theo thói quen phương Đông, ít người dám trao đổi thẳng thắn (Vì thế, cái chuyên mục đặc biệt này thường không để tên thật của người hỏi, hoặc "một bạn đọc đau khổ..." hoặc tên A, B, C... nào đó).

Ông bác sĩ ngoài đời này cũng là người dí dỏm, ưa khôi hài nên cách trả lời cũng đầy văn phong hài hước, nhưng giải đáp thẳng vào những vấn đề tế nhị mà bạn đọc "thắc mắc...". Dần dà, hầu như tờ báo nào cũng cần đến ông, bởi cái sự "thắc mắc..." kia vốn có từ thời thượng cổ, thời nào cũng cần giải đáp. Bác sĩ Trần Bồng Sơn lại có quan hệ mật thiết với nhiều anh em họa sĩ biếm họa (dù ông cũng là một cây cọ đủ trình độ chuyên nghiệp), mối quan hệ ấy có bởi nhiều cuốn sách về tính dục của ông, lại cần có những minh họa hài hước, vui vẻ. Trò chuyện với ông ở ngoài đời kể cũng ngộ - nó luôn gây "rắc rối" cho người... trò chuyện. Ông than thở: "Tôi chẳng có hàng xóm gì cả, ông nào léng phéng qua nhà tôi chơi, uống trà, đánh cờ cũng bị... nghi ngờ rằng qua để hỏi "chuyện ấy"... khổ thân tôi không?...".

Nay, cái ông bác sĩ duyên dáng, có giọng nói quá nhanh lại vừa nói vừa cười ấy, con người thân mến của biết bao "quý ông đau khổ" đã ra đi đột ngột. Họa sĩ Nhốp vừa thông báo cho tôi tình trạng của ông chỉ mới trên dưới 10 tiếng đồng hồ, hôm sau đã hay tin ông qua đời.

Thôi, xin chào tiễn đưa một con người vui vẻ lúc sinh thời, lại phải nhắc đến một chuyện có liên quan đến tôi - người viết, dù biết rằng chớ nên mượn người khác mà ba hoa về mình, nó khiếm nhã lắm. Nhưng tại anh cả thôi, anh Trần Bồng Sơn ạ ! Ai bảo anh dám bịa chuyện vỗ vai, nói với tôi rằng: "Tôi viết bao nhiêu cuốn sách về cái bệnh quý ông phải cần đến Viagra, cũng không ai hiểu nhanh bằng một câu rất gọn của ông: "Giữa giờ chơi mang đến lại mang về..."đó!".

Đấy nhé! Tại anh mà thơ tôi giờ đây trong bàn tiệc nhậu vui vẻ cứ được đem ra "ám chỉ" người này người nọ cái "chuyện đó!".

Đời người ngắn ngủi, xin tiễn đưa anh về nơi an nghỉ ! Bác sĩ Trần Bồng Sơn...

ĐỖ TRUNG QUÂN

Người có công nâng cao kiến thức cho người dân ở lĩnh vực “rất khó hỏi, dù ai cũng cần biết”

Giáo sư Ngô Gia Hy:

Đã từng là thầy của anh Sơn tại Trường Đại học Y khoa, sau này cùng làm việc với nhau, tôi rất quý anh Sơn vì tính anh ấy thẳng thắn nhưng vui tính, khéo léo. Vì giải quyết những "chuyện ấy" đâu phải dễ. Tham gia giải đáp thắc mắc về những chuyện thật tế nhị trong đời sống tình dục của biết bao người - già trẻ lớn bé đều có thể hỏi anh, đêm hôm khuya khoắt cũng có thể "dựng" anh dậy để trả lời - nếu không chịu khó và đức độ như anh Sơn thì thật khó đeo đuổi được. "Thầy trò chúng tôi đã hoàn tất đề cương để viết chung quyển sách nghiên cứu sâu về lãnh vực tình dục nam, đã có người bảo trợ để xuất bản trong vòng 1 năm tới. Rất tiếc là giữa đường... anh ấy đã ra đi !".

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc:

Chính anh là người có công rất lớn để nâng cao kiến thức của người dân ở lãnh vực "rất khó hỏi, dù ai cũng cần biết". Từ việc giải đáp "thắc mắc...", quá nhiều người tìm hỏi nên anh rất kín đáo, ít cho biết nơi ở của mình mà thường chỉ tiếp tại bệnh viện và... trên điện thoại. Dù cũng là một chuyên khoa trong y học, nhưng định kiến "tính dục" ít được đề cập, nên hầu hết bác sĩ đều "mù" về lãnh vực này. Anh Sơn đã rất nhạy bén, "hy sinh" rất nhiều, bỏ qua mọi dị nghị để nghiên cứu sâu lãnh vực mà mọi người rất cần biết.

Bà Bùi Thị Ngọc Hoa (Vợ bác sĩ Trần Bồng Sơn):

Anh ấy vừa là chồng vừa là thầy và đôi lúc tôi chăm sóc anh ấy như một "đứa em trai bé nhỏ". Rạng sáng ngày 5/7, trong lúc vợ chồng tôi cùng chờ xem trận chung kết Euro, anh Sơn đã giải thích cho tôi hiểu về lịch sử nước Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Khi nói đến nước Bồ Đào Nha nghèo hơn Tây Ban Nha, tôi nghe chữ "nghèo" của anh bằng một âm thanh rất lạ. Bằng cảm nhận của một người cùng nghề, tôi đã chuyển ngay anh đến bệnh viện. Khi biết bệnh tình của anh ấy khó qua khỏi, tôi có cảm giác như rớt từ trên tháp ngà xuống vũng bùn, lòng tê tái... Từ nay, gia đình tôi vắng anh.

Thông tin về bác sĩ Trần Bồng Sơn:
Tên thật Nguyễn Tấn Trung. Sinh ngày 25/5/1941, tại Tiền Giang, là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về bệnh đàn ông và giới tính học. Ông qua đời lúc 21h37 ngày 7/7/2004 tại Bệnh viện Chợ Rẫy do xuất huyết não. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ thành phố. Lễ động quan lúc 6h sáng ngày 11/7, an táng tại Nghĩa trang thành phố.

NHỰT QUANG (thực hiện)

Nhựt Quang -
Tin tức khác