Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
470
123.291.753

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Chung một mong ước
Tôi quen Tetsuya Yasuda khi sang Okinawa (Nhật) tham dự hội thảo về tàu thuyền trong thời cận đại ở Lưu Cầu, Việt Nam và Triều Tiên tháng 10-2010. Là một kiến trúc sư nhưng Yasuda đã có hàng chục năm sưu tầm các mẫu tàu thuyền cổ, các sách vở viết về lịch sử tàu thuyền và các kiểu tàu thuyền trên thế giới.

1

Sau khi hội thảo kết thúc, Yasuda đưa tôi đi thăm các bảo tàng trên đảo Okinawa, đặc biệt là những bảo tàng liên quan đến tàu thuyền và văn hóa biển, đi thăm các làng chài, các bến cảng cổ và say sưa nói về lịch sử và nền văn hóa biển của người Ryukyu (Lưu Cầu). Yasuda nói rằng ông đã tới Việt Nam nhiều lần, đã đi thăm thú nhiều nơi nhưng không tìm thấy một bảo tàng văn hóa biển nào, ngoại trừ một gian trưng bày nho nhỏ về hải thương Việt Nam trong Bảo tàng gốm sứ mậu dịch ở Hội An. Ông nói thêm: “Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài và ngư trường rộng, một bộ phận lớn dân cư Việt Nam có đời sống gắn liền với biển, Việt Nam từng có một ngành đóng thuyền và nền thương mại đường thủy khá phát triển trong quá khứ... Vậy mà không có bảo tàng nào về chủ đề này thì thật đáng tiếc”.

 

Khi tôi kể với Yasuda về việc tôi đang vận động thành lập một bảo tàng văn hóa biển ở Đà Nẵng thì ông rất hào hứng. Ông cho tôi biết trong những lần tới Việt Nam, ông đã sưu tập được nhiều tư liệu liên quan đến lịch sử đóng tàu thuyền và các kiểu tàu thuyền Việt Nam từ trước tới nay, trong đó có hai cuốn sách mà ông đánh giá rất cao. Đó là cuốn Voiliers d’Indochine (Thuyền buồm Đông Dương) của J.B. Piétri, xuất bản ở Sài Gòn năm 1949 và cuốn Greenbook of coastal vessels South Vietnam (Lục thư về tàu thuyền cận duyên miền Nam Việt Nam) xuất bản ở Ohio (Hoa Kỳ) năm 1967. Ông cũng đã tìm đọc nhiều tư liệu liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa tín ngưỡng của cư dân duyên hải miền Trung Việt Nam và rất thích thú với ý định thành lập bảo tàng văn hóa biển ở Đà Nẵng. Yasuda nói nếu Đà Nẵng muốn xây dựng một bảo tàng văn hóa biển thì ông sẵn sàng tư vấn trong lựa chọn địa điểm, thiết kế bảo tàng và nội dung trưng bày.

 

“Người Ryukyu tự hào về truyền thống văn hóa biển của mình. Nền văn hóa ấy hiện hữu trong đời sống, trong kiến trúc, trong ngôn ngữ cũng như trong các món ăn hằng ngày của người Ryukyu. Vì thế, họ rất có ý thức gìn giữ, bảo tồn nền văn hóa biển ấy. Không chỉ lưu giữ trong ký ức mà phải lưu giữ nơi các di tích, các bảo tàng, các công trình nghiên cứu mới có thể lưu truyền và phát huy giá trị nền văn hóa biển ấy cho các thế hệ mai sau. Tôi đã tìm hiểu nhiều về ngành đóng thuyền, về hải thương và văn hóa biển Việt Nam. Tôi nghĩ các bạn có đầy đủ điều kiện để phát huy giá trị nền văn hóa biển như chúng tôi. Tôi sẵn sàng ủng hộ các bạn” - Tetsuya Yasuda nói.

 

2

Mai Đăng Hiếu là cán bộ Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, phó trưởng đại diện văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Tokyo (Nhật Bản). Một ngày, Hiếu đến gặp tôi nhờ góp ý đề án xây dựng bảo tàng cảng biển, sông nước và đảo Đà Nẵng mà Hiếu đang ấp ủ. Tôi đọc đề án của Hiếu với một sự ngạc nhiên: Tại sao một người không liên quan gì đến lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng như Hiếu lại đi viết đề án thành lập một bảo tàng?

 

Hiếu cho hay trước khi đầu quân cho Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, anh là một hướng dẫn viên du lịch, đồng thời là doanh nhân trong lĩnh vực nhà hàng. Hiếu tiếp xúc với nhiều du khách nước ngoài và thấy họ rất quan tâm đến việc vì sao Đà Nẵng là một thành phố có cả sông lẫn biển, có cả đất liền và hải đảo, có một bộ phận dân cư gắn bó với kinh tế biển và văn hóa biển nhưng lại chưa có một bảo tàng về văn hóa biển? Hiếu cũng biết Đà Nẵng là một cảng thị quan trọng ở miền Trung Việt Nam, là một trong những điểm kết nối trong hải trình giao thương giữa phương Đông và phương Tây nhiều thế kỷ qua. Đây cũng là nơi Pháp và Mỹ đã lựa chọn làm điểm đổ quân đầu tiên khi xâm lược Việt Nam. Đà Nẵng có huyện đảo Hoàng Sa mà mọi người Việt đều hướng về. Vì thế, Hiếu mong muốn xây dựng một bảo tàng cảng biển, sông nước và đảo, vừa để giới thiệu với du khách lịch sử cảng biển, sông nước ở Đà Nẵng và lịch sử xác lập, thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa biển Việt Nam.

 

Hiếu có một miếng đất rộng 500m2 trên đường Trường Sa ở quận Sơn Trà và muốn đầu tư xây dựng nơi này thành một bảo tàng chuyên đề về cảng biển, sông nước và đảo Đà Nẵng. Tôi tư vấn cho Hiếu nên sửa đề án này thành bảo tàng văn hóa biển ở Đà Nẵng và hứa sẽ tìm người giúp thêm cho Hiếu để ước mơ ấy nhanh chóng trở thành hiện thực.

 

Tháng 3-2011, sau khi thảm họa động đất - sóng thần xảy ra ở vùng đông bắc Nhật Bản chừng một tuần, Tetsuya Yasuda bay sang Đà Nẵng. Tôi giới thiệu ông với Hiếu và nói với ông về dự định xây dựng bảo tàng văn hóa biển ở Đà Nẵng mà chúng tôi đã điều chỉnh từ đề án ban đầu của Hiếu. Yasuda dành gần một buổi để góp ý cho đề án của chúng tôi. Sau đó, Hiếu đưa tôi và Yasuda đến thăm nơi mà anh dự định xây dựng bảo tàng trên đường Trường Sa. Yasuda quan sát rất kỹ nơi ấy và phác họa ngay một ý tưởng thiết kế không gian trưng bày cho bảo tàng tương lai này để chúng tôi cùng bàn bạc, thảo luận. Yasuda cũng yêu cầu chúng tôi đưa đi thăm nhiều nơi khác ở Đà Nẵng như bán đảo Sơn Trà, cảng sông Hàn, danh thắng Ngũ Hành Sơn và nhiều địa điểm ven biển Mỹ Khê - Non Nước. Sau ba ngày tham quan, tìm hiểu thực tế tại Đà Nẵng, Yasuda khuyên chúng tôi nên trình đề án này cho chính quyền thành phố Đà Nẵng xin được cấp một địa điểm rộng hơn ở ven bán đảo Sơn Trà để dự án bảo tàng văn hóa biển mà chúng tôi cùng ấp ủ sẽ được thuận tiện hơn.

 

Bảo tàng văn hóa biển đâu chỉ là mong ước của một người Đà Nẵng và một người từ Nhật Bản xa xôi.

 

Trưng bày văn hóa biển tại Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

TRẦN ĐỨC ANH SƠN - TTO
Tin tức khác