Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
467
123.288.989

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cởi trói cho ảnh khỏa thân nghệ thuật
Cởi trói cho ảnh nude (khỏa thân) nghệ thuật, tạo điều kiện cho công chúng chiêm ngưỡng, cho phép mở các trang ảnh và triển lãm về ảnh nude...,là những tiếng nói trong hội thảo sáng 29-2 tại Hà Nội.

Hội thảo góp ý những nội dung của thông tư quy định một số hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

 

Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của họa sĩ Lương Xuân Đoàn (phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo trung ương) trả lời báo chí bên lề hội thảo.

 

* Công An Nhân Dân: Với tư cách là người trong nghề lẫn nhà quản lý, quan điểm của ông về ảnh nude như thế nào?

 

- Trong lĩnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh thì tự nhiên loại hình chụp ảnh nude bị loại ra khỏi hoạt động nhiếp ảnh dù nó vẫn tồn tại. Khi nghệ sĩ nhiếp ảnh có đầu tư sâu vào lĩnh vực này thì bản thân họ cũng có những thành công nhất định như Trần Huy Hoan, Dương Minh Long, Thái Phiên, Dương Quốc Định, Lê Quang Châu.

 

Đặc biệt thời kỳ trước đây, ảnh nude nghệ thuật của Trọng Thanh vẫn là một ẩn số. Tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trong việc để triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật không được tổ chức. Bởi vì bản thân triển lãm ảnh của Thái Phiên khi không được trưng bày ở TP.HCM thì đưa ra Hà Nội. Hà Nội thật sự rất ưu ái, thành lập hẳn một hội đồng nghệ thuật, hội đồng này đã dám chịu trách nhiệm để đồng ý cho trưng bày ảnh Thái Phiên nhưng rồi cuối cùng cũng không được. Cho đến vừa rồi, Huế cũng lại tắc tiếp. Đến lúc này ở Việt Nam chưa có triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật nào.

 

"Chúng ta đã lầm lẫn mấy chục năm là dạy kỹ năng cho trẻ em chứ không phải là trang bị một mỹ cảm tốt. Cái con mắt biết nhìn cái đẹp là phải giáo dục ngay lúc đầu đời để chuẩn bị một lực lượng công chúng tốt cho nghệ thuật. Điều này chúng ta chưa làm được. Đấy cũng là thiệt thòi cho sự phát triển của nghệ thuật"

 

Tuy nhiên, khi chúng ta ngại ngần trong việc cấp phép triển lãm ảnh nude nghệ thuật thì sách ảnh nude của Thái Phiên lại tái bản đến vài ba lần và phổ cập hết sức rộng rãi. Đó cũng là vấn đề các nhà quản lý phải quan tâm. Tôi cũng biết sắp tới đây có vài nhà nhiếp ảnh nữa đang chuẩn bị để công bố sách ảnh nude nghệ thuật. Như vậy, giữa việc chúng ta cho phép với việc chúng ta chấp nhận đấy là một loại hình trong nghệ thuật nhiếp ảnh đang có khoảng cách.

 

Chúng ta phải tập làm quen với ảnh khỏa thân nghệ thuật để không lầm lẫn giữa ảnh nude và ảnh khiêu dâm đồi trụy. Tôi cho rằng trong thông tư về nhiếp ảnh nên đưa vào việc này. Trước mắt hãy sớm cho phép triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật được công bố rộng rãi.

 

Nghệ sĩ chịu trách nhiệm đã đành, nhưng cơ quan quản lý chính là cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên. Nếu chúng ta dám chịu trách nhiệm thì không có chuyện gì là khó cả. Thậm chí loại hình ảnh nude nghệ thuật trở thành một loại hình không thể thiếu ở Việt Nam. Còn như hiện nay, tôi thấy đó là một kiểu giấu giếm, bản thân nghệ sĩ cũng khổ mà công chúng cũng ước ao thưởng thức.

 

* Công An Nhân Dân: Cơ quan quản lý đang cứng nhắc nhưng nhu cầu thưởng thức của công chúng là có thật. Vậy theo ông, vấn đề phải bắt đầu từ sự cởi mở của cơ quan quản lý nhà nước?

 

- Hãy dám cho nghệ sĩ tự chịu trách nhiệm về sáng tạo nghệ thuật của mình và tự họ sẽ định vị quan niệm thẩm mỹ của họ qua những bức ảnh. Tôi nhìn ảnh của Trần Huy Hoan, Trọng Thanh hay của anh Thái Phiên thì tự tác giả khi chụp đã rất kín đáo rồi. Thật ra, cần phải quyết liệt hơn nữa khi phô bày vẻ đẹp của phụ nữ vì đó là vẻ đẹp muôn thuở của tạo hóa. Vấn đề là chúng ta đưa ra những đường nét thế nào để thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt trong tác phẩm của mình. Cái đó có thể là nét đẹp phô phang hình thể nhưng vẫn có một cái gì kín đáo rất phương Đông, rất Việt.

 

Chất nhục cảm trong ảnh nude là phải có. Nếu anh triệt tiêu chất nhục cảm thì không gọi là ảnh nude nghệ thuật được. Vấn đề là chúng ta đặt cái vẻ đẹp của người phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ Việt trong không gian, khung cảnh, thiên nhiên Việt để nó tôn vinh, làm đẹp thêm vẻ đẹp lõa thể của người phụ nữ. Rõ ràng là cho thêm xúc cảm thẩm mỹ chứ không phải là phản cảm.

 

Tôi cho rằng đấy là việc càng đòi hỏi cao hơn nữa sự sáng tạo ở người nghệ sĩ và như vậy đường lối chung của văn nghệ chúng ta là không suy chuyển cái mục tiêu tôn trọng tự do sáng tạo cá nhân.

 

* Tuổi Trẻ: Trong khi chúng ta đang e dè trong việc cấp phép cho các triển lãm ảnh nude nghệ thuật thì lại tỏ ra mất kiểm soát với việc phát tán ảnh nhạy cảm trên mạng. Vậy có giải pháp nào cho tình trạng hiện nay không, thưa ông?

 

- Hiện nay, chúng ta đang có chế tài là nếu vi phạm thì sẽ bị phạt nặng nhưng chỉ là chủ trương chứ chưa làm được. Quan trọng là ý thức chấp hành quy định của người nghệ sĩ. Khi đã có rành rọt ra giữa các thông tư hay quy chế của mình trước đây về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thì tôi tin rằng họ sẽ thực hiện một cách có trách nhiệm. Khổ cái là bây giờ luật chung cho hoạt động nghệ thuật của mình chưa có. Chúng ta cần xây dựng luật chung cho hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam, trong ấy có tất cả các loại hình mỹ thuật, nhiếp ảnh... Có cái này người quản lý cực kỳ nhẹ nhõm, dễ làm, không vất vả chạy theo quản lý vụ việc như hiện nay.

 

* Tuổi Trẻ: Như vậy, ông cho rằng chúng ta đang bó tay với ảnh phát tán trên mạng?

 

- Phát tán ảnh trên mạng thì hiện nay chúng ta vẫn đang bó tay. Chúng ta có tiền kiểm nhưng rất khó khăn, đặc biệt là trên mạng. Hậu kiểm cũng khó vì sẽ nảy sinh nhiều trường hợp khác nữa. Chúng ta cũng chưa có một biện pháp nghiêm khắc để hạn chế sự tùy tiện nhưng đó lại là quyền tự do của công dân.

 

* Báo Điện Tử Tổ Quốc: Có ranh giới nào để phân định đâu là ảnh nude nghệ thuật, đâu là ảnh khiêu dâm không, thưa ông?

 

- Cái đó thấy ngay mà, nó là mỹ cảm của mỗi con người. Cho nên nó lại liên quan đến việc giáo dục mỹ cảm ở trường phổ thông. Lâu nay, chúng ta chưa thật sự làm cho giáo dục nghệ thuật ở trường phổ thông thành việc hằng ngày, qua từng cấp học. Hơn nữa, chúng ta mới chỉ dạy kỹ năng như kỹ năng vẽ, kỹ năng thanh nhạc. Đấy là cái rất thiệt thòi cho việc hình thành một lớp công chúng biết thưởng thức nghệ thuật. Tiếp theo là việc của các cơ quan quản lý nhà nước sớm có một quy định chung để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ.

 

Tác phẩm Hoa váy của Dương Minh Long

 

HÀ HƯƠNG ghi - TTO