Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
242
123.287.391

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Báo mạng tiếp tục khẳng định vị thế
Không tiểu thuyết hay truyện ngắn nào thắng giải Giải báo chí danh giá Pulitzer năm nay tiếp tục cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thể loại báo mạng, vốn được đưa vào danh sách đề cử từ năm 2009, tờ New York Times (Mỹ) nhận định.

 

Minh chứng cho điều này là chiến thắng của hai trang tin trực tuyến Politico và The Huffington Post. Cả hai trang tin này đã xuất sắc vượt qua hai nhật báo lớn nhất nước Mỹ là The Wall Street Journal và USA Today để giành giải.

 

Họa sĩ tranh biếm họa Matt Wuerker của Politico giành giải Pulitzer đầu tiên trong sự nghiệp của mình với loạt tranh châm biếm sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị tại Mỹ.

 

“Giống như các họa sĩ tranh châm biếm hồi giữa thế kỷ 18, tôi vẽ bằng bút và màu nước,” Matt nói với New York Times.

 

Còn trang báo mạng The Huffington Post thì thắng giải Pulitzer ở hạng mục thời sự trong nước với loạt bài phóng sự của phóng viên chiến trường kỳ cựu David Wood.

 

Với tên gọi “Bên ngoài mặt trận”, loạt phóng sự gồm 10 kỳ của David miêu tả những khó khăn về mặt thể xác lẫn tinh thần mà các cựu binh Mỹ từng phục vụ tại chiến trường Iraq và  Afghanistan gặp phải khi quay lại cuộc sống đời thường.

 

Ngoài ra, các tin, bài về đề tài xã hội, phóng sự điều tra cũng nằm trong danh sách nhận giải. Tờ New York Times thắng hai giải cho phóng sự về nạn đói ở châu Phi và loạt bài điều tra về tình trạng những người có thu nhập cao nhất nước Mỹ lợi dụng các lỗ hổng trong luật thuế để trốn thuế.

 

Tranh cãi ở hạng mục văn học - tiểu thuyết

 

Nhiều nhà văn, nhà phê bình trong giới báo chí cho biết họ cảm thấy bị sốc và thất vọng với kết quả của giải báo chí Pulitzer năm nay, khi mà lần đầu tiên trong vòng 35 năm qua, không một tiểu thuyết hay truyện ngắn nào thắng giải.

 

Ở hạng mục văn học và tiểu thuyết tại giải lần này, chỉ có ba tác phẩm được bình chọn là Train Dreams (tạm dịch: Những giấc mơ hỏa xa) của nhà văn, nhà thơ và nhà soạn kịch kỳ cựu Denis Johnson, Swamplandia! (tạm dịch: Công viên Swamplandia) của nhà văn nữ Karen Russell và The Pale King (tạm dịch: Vị vua yếu đuối) của cố nhà văn David Foster Wallace.

 

“Lý do chính mà các tác phẩm này không thắng giải là vì chúng không nhận được phiếu bầu của đại đa số giám khảo,” tờ Los Angeles Times (Mỹ) dẫn lời ông Sig Gissler, người điều hành giải Pulitzer.

 

Ông Sig cũng cho biết đã có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định trên của ban giám khảo, nhưng từ chối đưa ra thông tin chi tiết.

 

Quyết định của ban giám khảo Pulitzer vấp phải sự phản ứng gay gắt của nhiều nhà văn và nhà phê bình danh tiếng.

 

Nhà văn Mỹ Jane Smiley, người từng đoạt giải Pulitzer năm 1992, đã gửi một bức thư điện tử cho hãng tin AP để than phiền rằng “Tôi không thể tin được là không có bất kỳ tác phẩm văn học nào trong năm nay xứng đáng đoạt giải. Thật là tồi tệ”.

 

Ông Paul Bogaards, Giám đốc của nhà xuất bản Alfred A. Knopf (Mỹ), thì nói với AP rằng “Pulitzer là một giải thưởng danh giá nhất của ngành báo chí và văn chương Mỹ; vì thế, thật là xấu hổ khi năm nay ban giám khảo không thể chọn ra một tác phẩm nào.”

 

“Ngoài ra, giải Pulitzer giúp tác phẩm bán chạy và giúp cho nhà văn đoạt giải đổi đời”. 

 

Trả lời phỏng vấn nhật báo NPR (Mỹ), bà Susan Larson, Chủ tịch ban bình chọn tác phẩm thuộc hạng mục văn học và tiểu thuyết của giải Pulitzer năm nay, nói rằng tất cả thành viên trong ban của bà cảm thấy “sốc, giận dữ và rất thất vọng” khi ban giám khảo không chọn được tác phẩm nào.

 

Bà cũng cho biết rằng ban bình chọn đã phải đọc hơn 300 tác phẩm để đề cử ra ba tác phẩm hay nhất. Tuy nhiên, ban giám khảo đã không có phản hồi về các đề cử của ban và giữ kín quyết định của họ cho đến phút cuối.

 

“Ít nhất thì giờ đây bạn đọc sẽ chọn cả ba cuốn thay vì chỉ một,” bà Larson hóm hỉnh nhận xét.

 

Trong khi đó, nhà điều hành giải Pulitzer Sig Gissler nói với AP rằng đây không phải là lần đầu tiên các tác phẩm văn học và tiểu thuyết không được trao giải.

 

“Trước đây, đã có 10 lần các tác phẩm thuộc hạng mục này không được trao giải. Điều này đúng là không bình thường, nhưng đôi khi nó vẫn xảy ra,” AP trích lời ông Sig.

 

Vào năm 1941, ban giám khảo giải Pulitzer cũng đã bỏ qua tác phẩm được đề cử For Whom the Bell Tolls (tạm dịch: Chuông nguyện hồn ai) của đại văn hào Earnest Hemingway do hiệu trưởng Đại học Columbia cho rằng tác phẩm này có nhiều ý công kích.

 

Báo mạng tiếp tục gây ấn tượng mạnh tại giải báo chí Pulitzer 2012 - Ảnh: AFP

 

 

Hoàng Uy - TNO