Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
248
123.286.996

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
100 năm Nguyễn Huy Tưởng- người viết sử bằng văn
Ngày 3/5/2012, tại Hà Nội, Hội Nhà Văn Hà Nội cùng Nhà Xuất bản Kim Đồng đã tổ chức Hội thảo “Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử” nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn.

 

Một khán phòng khang trang hội tụ đông đảo những người kính trọng, nể phục tác giả “Sống mãi với Thủ đô.”  Và trong suốt cuộc hội thảo, ai cũng thấm thía rằng Nguyễn Huy Tưởng không chỉ “Sống mãi với Thủ đô” như tên một tác phẩm nổi tiếng của ông, mà nhà văn đã và sẽ sống mãi với đất nước này. Ông hiện hữu cùng những trang văn sống động luôn phập phồng những trang sử bi tráng của nước nhà.

 

Không biết lịch sử… là một con trâu

 

Từ khi chưa đầy 20 tuổi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được mà cầy ruộng nào cũng được.” Người  sáng tác sớm có ý thức về lịch sử dân tộc như thế thật quý giá. Ông khiến độc giả nhiều thế hệ phải tri ân và đáng để các nhà văn thế hệ sau phải lắng tâm suy nghĩ, học hỏi.

 

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên-Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã đánh giá cao những sáng tác lấy lịch sử làm chất liệu của Nguyễn Huy Tưởng: “Viết truyện lịch sử không phải mong “khỏi phụ người xưa”- khi họ sống thì ta chưa có, khi ta sống thì họ không còn, cái chính là truyện lịch sử viết bây giờ không phụ người đang cùng ta sống một thời, một dân tộc, một đất nước."

 

Ông Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Thành tựu lớn nhất và cao nhất của Nguyễn Huy Tưởng ở vở kịch lịch sử “Vũ Như Tô” đã khẳng định ý thức lịch sử của ông để cho người tiếp nhận lịch sử mãi còn thao thức.”

 

Nhiều nhà nghiên cứu có mặt cũng đồng quan điểm coi kịch bản lịch sử Vũ Như Tô là tác phẩm quan trọng nhất trong giai đoạn sáng tác trước 1945 của Nguyễn Huy Tưởng. Vở kịch hàm chứa mối trăn trở ngàn đời của người nghệ sỹ. “Vũ Như Tô” đã cháy rực trên sân khấu và trong lòng người yêu nghệ thuật sáng tạo.

 

Đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu trùng đài” từ vở kịch đã được đưa vào chương trình văn học lớp 11, tạo một cơ hội cho học sinh có những nhận thức sâu sắc về lịch sử, về nghệ thuật và về những trăn trở từ chữ "Tâm" của người nghệ sỹ mọi thời…

 

Đó là khi điều kiện tồn tại của nghệ thuật không thuộc về nhân dân thì nghệ thuật đi về đâu. Nếu đi với nhân dân, như ý định đầu tiên của nhà kiến trúc Vũ Như Tô, thì sẽ không có Cửu trùng đài, không có chỗ cho nghệ thuật xuất hiện. Nhưng nếu chỉ vì nghệ thuật thì có phản bội nhân dân? Vở kịch lịch sử viết năm Nguyễn Huy Tưởng 30 tuổi đã đụng đến chiều sâu của chức năng nghệ thuật và lương tâm người nghệ sỹ đích thực.

 

Có mặt trong cuộc hội thảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải (tác giả của những bộ sách lịch sử nổi tiếng những năm gần đây) đã nói lên những ghi nhận về các đóng góp lớn của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

 

Sau đó, nhà văn Hoàng Quốc Hải trân trọng bày tỏ: “Kính thưa hương hồn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tôi thuộc lớp con cháu ông, và cũng theo gương ông viét tiểu thuyết lịch sử; tôi nghiêng mình kính cẩn trước tấm lòng yêu nước vô cùng sâu sắc của ông, và trước cả lời cảnh báo đau lòng của ông đã ứng vào tình trạng hiểu biết lịch sử nước nhà của con em chúng ta hiện nay.”

 

Nguyễn Huy Tưởng không chỉ là người viết về lịch sử nước ta thời trung đại, nhà văn Vũ Nho đã nhận định về Nguyễn Huy Tưởng-người viết sử bằng văn: "mặc dù là cây bút có khuynh hướng sử thi, đam mê lịch sử, nhưng Nguyễn Huy Tưởng cũng sẵn sàng tham gia vào những sự kiện đương thời để rồi bây giờ, các tác phẩm ấy cũng là chứng nhân lịch sử của một thời.” Đó là các tác phẩm như "Những người ở lại" (1948), “Ký sự Cao Lạng” (1951)…

 

Nguyễn Huy Tưởng- còn mãi một tấm lòng

 

Họa sỹ Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ tại cuộc Hội thảo: “Nguyễn Huy Tưởng chỉ được hưởng dương 48 tuổi. Làm giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng 8 tháng, gắn bó với cơ quan do chính mình sáng lập được 3 năm… những con số thật ngắn ngủi so với thước đo lịch sử. Nhưng những di sản mà ông để lại cho chúng tôi không sao đo đếm được.”

 

Ông Phạm Quang Vinh còn cho biết, khi mới bắt đầu đến với văn chương, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tâm niệm: “Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên,… cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng bột bột, mà vẫn biết lẽ phải, và vẫn biết thương nhau” (nhật ký ngày 9/1/1032).

 

Và những nhắn nhủ như vậy đã góp phần “định hướng” cho Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp nối tấm lòng của Nguyễn Huy Tưởng đối với trẻ nhỏ.

 

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương nhận định: Là một cán bộ lãnh đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản từ chiến khu Việt Bắc trở về, Nguyễn Huy Tưởng chắc chắn có đủ niềm tin và lòng vui như mọi cán bộ lãnh đạo khác. Ông hẳn thừa biết đâu là hệ quả tất yếu của cuộc đổi thay một thành phố tạm chiếm, “ăn bám” sang cuộc sống một thành phố lao động tự nuôi mình.

 

Nhưng trong cảm quan bản năng của người nghệ sỹ Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, “chín năm ròng lòng vẫn thủ đô” vẫn có một năng lực nắm bắt chân thực và rất nhạy thực tại đời sống Hà Nội.

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nói về những dòng viết của Nguyễn Huy Tưởng: “Tôi khâm phục sự lo âu rất sớm của nhà văn về cái hiện tượng hầu như không có ai chăm sóc ở mọi công trình xã hội."

 

Sinh thời, Nguyễn Huy Tưởng từng trăn trở:“Tôi vốn yêu hồ vì cảnh đẹp, và cũng vì nó mang dấu vết của người anh hùng yêu nước mà trước đây tôi đã có ý ngợi ca.

 

Nhưng Hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh các nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi.”

 

Ông còn viết về một hiện thực cách đây hơn nửa thế kỷ: “Chúng ta muốn đổi mới cho mau đến nỗi chúng ta muốn bỏ hết. Đến cả tên của nhiều làng, rất Việt Nam mà cũng rất thi vị, người cán bộ cũng bỏ đi, thay bằng những danh từ mang tính chất tuyên truyền chính trị. Không phân biệt được làng nào với làng nào với những tên đồng loạt: Tiến Bộ, Hạnh Phúc, Quyết Tâm, Quyết Tiến…

 

Có nơi còn rục rịch thay những tên xóm nôm na bằng những con số! Những niên hiệu các triều đại ghi trên hoành phi, câu đối của một ngôi đình cổ kính bị xóa đi bằng vôi trắng.” Và ông cảnh báo: “Đừng đi quá nữa!”

 

Đọc và ngẫm lại những trang văn của Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta thấy một tấm lòng với đất nước, với lịch sử và truyền thống thật đáng quý trọng làm sao. Và hôm nay, sau khi đi xa hơn nửa thế kỷ, Nguyễn Huy Tưởng đã và luôn ở trong lòng dân tộc như một biểu tượng về tình yêu với Hà Nội, với đất nước./.

 

 

Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng

 

“Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng, thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử-truyền thống chắc là vơi đi sự bề thế, vẻ kì vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng, mặc dù cạnh ông đã có Tô Hoài, và sau ông, cũng đã có các tác giả đáng nể như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Bút Ngữ, Hà Ân, Nguyễn Quang Thân…

 

Vị trí mở đầu đôi khi như là một ngẫu nhiên, lại như là một tất nhiên của lịch sử, nhưng với Nguyễn Huy Tưởng, thì có điều chắc chắn là: Ông đã gánh việc mở đầu một cách đích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam.”

 

(Nguyên An- Hội Nhà văn Việt Nam)

 

Nguyễn Anh - (Vietnam+)