Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
414
123.286.596

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Thất thoát tác phẩm đương đại
“Kinh phí eo hẹp và thiếu can đảm, Bảo tàng Mỹ thuật không mua được những tác phẩm tốt nhất của mỹ thuật hiện đại nước ta. Còn các bảo tàng nước ngoài đã làm được điều này”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư, nói.

 

Theo ông Lương Xuân Đoàn, gần như đã thành lệ, khi Hội đồng nghệ thuật của triển lãm mỹ thuật toàn quốc hoàn tất việc chấm giải cũng là lúc hội đồng của Bảo tàng Mỹ thuật (có tuổi trung bình trên 60) dựa trên đó quyết định việc mua tranh.

 

“Trong quá khứ, cũng có khi việc làm như vậy giúp chúng ta mua được các tác phẩm xuất sắc. Nhưng bây giờ, khi các triển lãm mỹ thuật toàn quốc không phải là cuộc chơi của những tác phẩm tốt nhất, tác giả ưu tú nhất thì cách lựa chọn này không phải là phương án tối ưu”, ông Đoàn phân tích.

 

Cũng theo ông Đoàn, qua nhiều năm có thể thấy những tác phẩm mà hội đồng này chọn nghiêng về tính an toàn là chính. Trong khi đó, việc mua tranh rất cần sự can đảm để khẳng định ngay yếu tố mới. Nói cách khác là cần sự quyết đoán. Vì thế, khi không đủ sự quyết đoán này, bảo tàng của ta sẽ chậm chân. Còn các bảo tàng khu vực đã mau chóng mua những tác phẩm tiêu biểu trên. Trong đó, Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Singapore mua nhiều nhất.

 

Không chỉ hội họa, các tác phẩm nghệ thuật thể nghiệm như video art, trình diễn, sắp đặt cũng hẩm hiu như vậy. Trong khi theo đánh giá của chuyên gia thì đây là mảng sôi động của đời sống mỹ thuật. Gây ra nhiều tranh cãi, những nghệ sĩ đi đầu phong trào này như Trần Lương, Minh Thành, Trương Tân tuy được bảo tàng nước ngoài vinh danh thì vẫn là số 0 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Một trong những bó buộc mà bảo tàng phải chịu, theo ông Vi Kiến Thành, người từng làm Giám đốc bảo tàng, là kinh phí eo hẹp, việc mua bán phải theo những thủ tục nhất định. Nhưng trong tương quan với tầm nhìn  của hội đồng, lý do này không lớn bằng.

 

“Tôi cũng từng bán tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật. Giá không cao so với giá bán ra nước ngoài, nhưng phần nào đó tôi thông cảm”, họa sĩ Lê Quảng Hà nói. Cũng phải nói thêm, tác phẩm của ông Hà được mua là một bức tranh đã đoạt giải thưởng của triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Những bức tranh sau này của ông tuy được giới phê bình đánh giá cao hơn nhưng lại chưa được hỏi đến.

 

“Có thể nói, các tác phẩm đương đại của mỹ thuật Việt đã bị chảy máu gần hết rồi. Giờ có muốn mua cũng không có. Đó là hệ quả của việc chính sách đi sau thực tế”, nghệ sĩ Trần Lương cám cảnh.

 

“Có lẽ chúng ta phải mau chóng thay đổi cách thức tìm mua tác phẩm. Bảo tàng phải nắm tác giả, tác phẩm chứ không nên căn cứ vào giải thưởng. Và điều quan trọng không kém là mau chóng thành lập Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại. Bảo tàng này sẽ có những tiêu chí mua tác phẩm mới hơn, hiện đại hơn. Đây cũng sẽ là nơi tạo không gian phù hợp cho những tác phẩm đương đại như video art, nghệ thuật sắp đặt âm thanh ...”, ông Đoàn kết luận.

 

Tác phẩm đương đại như Nhà hoa của Phạm Ngọc Dương cần có không gian thích hợp để trưng bày - Ảnh: T.N chụp lại từ tư liệu

 

Trinh Nguyễn - TNO