Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
517
123.282.965

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Lễ tế cô hồn quy mô lớn ở Huế
Lễ cúng cô hồn với quy mô toàn thành phố chỉ có ở Huế. Lễ tế có tính cộng đồng rất cao, vừa cúng trong từng gia đình, vừa cúng theo cụm dân cư.Lệ tục này bắt nguồn từ biến cố thất thủ kinh đô ngày 23-5 năm Ất Dậu (5-7-1885). Người Huế gọi ngày này là ngày quảy cơm chung.

 

Nửa đêm 22-5 rạng sáng 23-5, Tôn Thất Thuyết, người đứng đầu phái chủ chiến đã huy động quân sĩ đánh vào đồn binh Pháp ở Mang Cá và khu Tòa Khâm sứ.

 

Quân triều đình chiến đấu rất dũng cảm nhưng thất bại vì vũ khí thô sơ. Quân Pháp phản công, chiếm thành, giết chóc. Cả kinh thành chạy loạn, người chết và bị thương nhiều vô kể.

 

Từ đó về sau, 23-5 trở thành ngày giỗ lớn, ngày quẩy cơm chung của cả kinh thành. Họ cúng cho những người tử nạn gồm binh sĩ, dân chúng, quan lại, thợ thầy… bị trúng đạn, chen lấn dày đạp nhau mà chết, bị ngã xuống thành khi tìm cách leo ra khỏi thành, rơi xuống hồ nước, cống rãnh dày đặc trong thành…

 

Chín năm sau ngày kinh đô thất thủ (1894), đàn Âm Hồn được triều đình cho thiết lập ở gần cửa Quảng Đức và cửa Nhà Đồ. Đến ngày 23-5 dựng các bàn thờ cúng các vong linh bị chết trong chiến tranh.

 

Lúc đầu đàn lộ thiên, về sau triều đình cho xây một ngôi nhà ba gian để thờ và cất giữ đồ tự khí. Sau năm 1945 một tổ chức ngoài nhà nước được hình thành để lo việc cúng tế cho các anh linh, tử sĩ trận vong là Phổ Phước Lợi.

 

Từ đó đến nay Phổ Phước Lợi duy trì liên tục, bảo tồn được nét văn hoá tâm linh đặc trưng của người Huế. Ngoài đàn Âm Hồn do triều đình thành lập còn miếu Âm Hồn do nhân dân lập nên ở đường Mai Thúc Loan, cách cửa Đông Ba vài trăm mét.

 

Lễ vật cúng cô hồn thịnh soạn hay đơn sơ tùy theo gia cảnh. Nét đặc biệt nhất là phải có một một thùng nước chè đầy, nay có thể thay thế bằng bình nước tinh khiết, và một đống lửa đốt bên cạnh bàn thờ, để các âm hồn đến uống nước và sưởi ấm, vì nhiều người trong khi chạy loạn đã chết do khát, hoặc do lạnh khi ngã xuống dưới ao, hồ, sông, hào.

 

Cúng cô hồn mang tính nhân văn sâu sắc. Người ta không chỉ cúng cho người thân mà còn cúng “thập loại chúng sinh” với lòng cảm thương những người bị chết oan ức trong biến cố thất thủ kinh đô.

 

 

 

Quang cảnh chùa Ba Đồn trước ngày tế lễ âm linh cô hồn.

 

 

Năm nay, từ 22 đến 24-5 âm lịch (10 đến 12-7), tại di tích nghĩa địa và chùa Ba Đồn thuộc phường An Tây, TP Huế, diễn ra lễ cầu siêu và lễ tế âm linh cô hồn theo nghi lễ Phật giáo.

 

Ngoài lễ tưởng niệm nhân 127 năm ngày thất thủ kinh đô và lễ dâng hương, dâng hoa, lễ cung tiến hương linh anh hùng liệt sĩ, âm linh đồng bào tử nạn, liệt vị cô hồn, còn có lễ phóng đăng tại các đồn cô mộ ở di tích nghĩa địa và chùa Ba Đồn, lễ phóng sanh và phóng đăng trên sông Hương.

 

Chùa Ba Đồn ở phía đông nam đàn Nam Giao, nằm giữa ba bãi cỏ xanh rờn, bằng phẳng, xung quanh có nhiều lăng mộ.

 

Năm 1803, khi xây dựng kinh thành Huế, vua Gia Long cho giải tỏa 8 ngôi làng ở bờ bắc sông Hương. Những mồ mả vô chủ của tám làng được triều đình cho di dời lên khu vực này và dựng bia đề Ân Tứ Hiệp Táng Vô Tự Chi Mộ (Vua cho hợp táng những người không người thờ tự).

 

Sau biến cố thất thủ kinh đô người Pháp bắt dân chúng phải cất bốc hết các mồ mả chôn trong và ngoài kinh thành đưa lên đây hợp táng, hình thành thêm một số cồn mồ nữa.

 

Từ thời Gia Long, một cái miếu nhỏ được dựng lên để hương khói quanh năm. Năm 1835, vua Minh Mạng cho lập một bàn thờ ở giữa trời (đàn) tại cồn mồ 8 làng để hằng năm nhà nước tổ chức cúng tế những cô hồn.

 

Về sau cho dựng thêm hai đàn nữa để cúng tế những cô hồn của cồn mồ thứ hai và thứ ba. Dân chúng gọi ba cồn mồ có ba đàn hằng năm tế lễ đó là Cồn mồ Ba Đàn (Ba Đồn).

 

Đàn tế ở nghĩa trủng thứ hai.  Ảnh: Thanh Tùng.

 

Thanh Tùng - TPO