Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.869 tác phẩm
2.760 tác giả
501
123.282.823

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Những buổi diễn đìu hiu
Diễn ra từ 14 - 28.7, Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại cố đô Huế đã đi được gần nửa chặng đường, nhưng gặp phải cảnh đìu hiu với những buổi diễn vắng khán giả.

 

Theo Ban tổ chức (BTC), liên hoan lần này thu hút 20 đơn vị nghệ thuật với hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ, tham gia biểu diễn 26 vở. Đây là liên hoan có số lượng tác phẩm, nghệ sĩ tham gia nhiều nhất từ trước đến nay. Để hạn chế tình trạng thiếu khán giả, BTC đã phát 1.000 vé mời xem được tất cả các buổi diễn, 600 vé xem buổi khai mạc, 600 vé dự buổi bế mạc và tuyên truyền rộng rãi để thu hút công chúng.

 

Thế nhưng sau đêm khai mạc, các buổi diễn đều vắng khán giả, người xem chủ yếu là nghệ sĩ và ban tổ chức. Số ít còn lại là cán bộ ngành văn hóa, vài người hoạt động nghệ thuật. Mặc dù đây lại là thời điểm học sinh, sinh viên nghỉ hè, nhưng liên hoan một phần đã bị “chia lửa” bởi dịp này tại Huế cũng đang diễn ra Giải bóng đá U.17 toàn quốc, Sao mai - Điểm hẹn...

 

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), Trưởng BTC liên hoan, cho biết nhu cầu thưởng thức của công chúng thay đổi và sự thiếu sáng tạo là nguyên nhân khiến đời sống sân khấu kịch đã và đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, BTC không kỳ vọng liên hoan sẽ tạo ra diện mạo mới cho sân khấu, mà chỉ muốn qua đó nắm được thực trạng của sân khấu kịch để tìm ra hướng đi cho loại hình nghệ thuật này. Còn NSƯT Đỗ Kỷ, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn nói: “Trước năm 2000, khán giả Huế theo dõi kịch rất nhiều, nhưng những năm trở lại đây số lượng đã giảm dần”.

 

Thiếu hấp dẫn

 

Theo BTC, một trong những nét mới rất đáng chú ý tại liên hoan lần này là sự “lấn sân” của đạo diễn trẻ. Trong số 26 vở diễn tham gia liên hoan, chỉ có 1 vở do đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang dựng (Những mặt người thấp thoáng), 2 vở của NSND Xuân Huyền (Chia tay hoàng hôn, Cái chết chẳng dễ dàng gì). Còn lại tất cả đều là vở diễn của các nghệ sĩ trẻ như Đức Thuận, Đỗ Kỷ, Trung Hiếu, Hoàng Mai, Hoàng Dũng, Tuấn Hải, Hồng Vân, Chí Trung, Anh Tú... Sự “lấn sân” này được đánh giá là thể hiện sự chuyển giao thế hệ của sân khấu kịch nước ta.

 

Thế nhưng, do áp lực huy chương nên nhiều đoàn vẫn chưa đầu tư vào các vở diễn mới mà chỉ dựng lại những vở cũ “cho chắc ăn”. Theo NSƯT Phạm Xuân Thấm - Trưởng đoàn Kịch Hải Phòng: “Cần chọn vở có nhiều nhân vật tạo điều kiện cho cá nhân thể hiện để được xét tặng các danh hiệu NSƯT, NSND. Không thể liều mà đổ công sức (đầu tư vở mới) lại không mang về giải gì thì tội anh em lắm”.

 

Dù các nhà chuyên môn có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng với khán giả, bất cứ loại hình nghệ thuật nào, muốn thu hút đông người đến xem thì không thể bỏ qua yếu tố hấp dẫn. Từ hàng ghế khán giả, chị Nguyễn P.U., một nữ ca sĩ ca Huế cũng là khán giả hiếm hoi có đi xem kịch, nói rằng: “Có nghe và thấy nhiều quảng cáo về liên hoan, nhưng cũng như những vở kịch chiếu trên ti vi vào mỗi tối thứ bảy trước đây, xem buồn ngủ lắm, các nhân vật cứ nói chuyện qua về, chẳng hấp dẫn tí nào”.

 

Những hàng ghế trống vắng trong buổi diễn Đánh mất mùa xuân của Đoàn kịch Hải Phòng - Ảnh: B.N.L

 

 

Bùi Ngọc Long - TNO