Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
376
123.278.928

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hé mở lịch sử về người nguyên thủy ở Cao Bằng
Cao Bằng có phải một trong những cái nôi của người nguyên thủy? Nguồn gốc của Thục phán An Dương Vương ở Cao Bằng? Những câu hỏi lịch sử này đã từng làm "đau đầu" không ít sử gia đương đại

 

Gần đây, những kết quả khảo cổ ở Cao Bằng đã làm sáng tỏ dần những nghi vấn trên.

 

Từ năm 1971, Viện Khảo cổ Việt Nam đã điều tra khảo cổ ở 12 điểm thuộc các huyện Quảng Uyên, Phục Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Thạch An.

 

Tại những điểm này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu vết cổ sinh, như hang Lũng Ỏ, Đà Vĩ (huyện Quảng Uyên); hang Phà Khình (huyện Hòa An)...

 

Từ năm 2000 trở lại đây, công tác khảo cổ học đã được tiến hành thường xuyên và có hệ thống.

 

Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát, các nhà khảo cổ đã phân loại các di chỉ khảo cổ được tìm thấy ở Cao Bằng như sau: Giai đoạn đá cũ, Cao Bằng có các di chỉ Lũng Ỏ (Quảng Uyên), Thượng Hà (Bảo Lạc) và Hưng Đạo (thị xã).

 

Năm 2010, Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức điều tra khảo cổ học tại thị xã Cao Bằng và phát hiện một số di tích quan trọng của thời hậu kỳ đá cũ. Tại thôn Bó Mạ, xã Hưng Đạo phát hiện hàng chục di vật là công cụ lao động của người nguyên thủy. Tất cả những di vật này đều được chế tác từ đá cuội sông suối, với kỹ thuật ghè đẽo thô sơ.

 

Việc tìm thấy công cụ lao động trên thềm sông chứng tỏ Bó Mạ là di tích cư trú của người tiền sử. Dựa vào kỹ thuật ghè đẽo và kiểu dáng cùng với sự so sánh với các di tích tiền sử ở quanh vùng, bước đầu các nhà khảo cổ xếp di tích Bó Mạ thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ, có tuổi cách nay vào khoảng trên dưới 20.000 năm.

 

Giai đoạn đá mới có các di chỉ Ngườm Bốc (Hòa An), Ngườm Vài, Ngườm Càng, Ngườm Slấn (Thông Nông), Ngườm Càng (Trùng Khánh). Giai đoạn kim khí có các hiện vật trống đồng, rìu đồng, lao đồng...

 

Trong quá trình đào thám sát hang Ngườm Vài, các nhà khảo cổ phát hiện khoáng chất thổ hoàng. Người nguyên thủy quan niệm màu đỏ biểu hiện cho sự sống vĩnh hằng và may mắn, do đó họ dùng thổ hoàng nghiền nhỏ, hòa với nước bôi vẽ lên cơ thể để làm đẹp. Họ cũng bôi thổ hoàng lên cơ thể cho người chết để linh hồn người chết được vĩnh hằng.

 

Dựa vào nghiên cứu tổng thể các hiện vật, bước đầu cho thấy Ngườm Vài là một di tích cư trú của người nguyên thủy thuộc giai đoạn đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000 năm.

 

Sang giai đoạn hậu kỳ đá mới, người nguyên thủy ở Cao Bằng đã có thay đổi manh tính bước ngoặt. Đó là sự xuất hiện của công cụ mài toàn thân và đồ gốm. Gần đây, một số di chỉ thuộc giai đoạn đá mới được phát hiện, như Ngườm Sa Boỏng, Ngườm Chiêu, xã Quốc Phong (Quảng Uyên); Ngườm Cóc Sầy (Hạ Lang).

 

Mặc dù chưa đào thám sát nhưng các nhà khảo cổ nhận định đây là những di chỉ cư trú của người nguyên thủy thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới.

 

Trong giai đoạn hậu kỳ đá mới, một số người nguyên thủy đã di chuyển nơi cư trú ra ngoài trời. Minh chứng cho điều này là địa điểm Sộc Áng, xã An Lạc (Hạ Lang), địa điểm Bó Cáy, Nặm Loát, xã Nguyễn Huệ (Hòa An).

 

Căn cứ vào những tài liệu khảo cổ đã phát hiện trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, ở Cao Bằng có ba nhóm di tích, di vật mang văn hóa Đông Sơn, đó là Trống đồng, di tích cự thạch và một số hiện vật đồ đồng, đồ gốm khác.

 

Tại Cao Bằng cũng tìm thấy nhiều trống đồng cổ quý hiếm phân bố tại nhiều huyện trong khắp cả tỉnh, trong đó nhiều nhất là tại huyện Bảo Lạc. Ngoài ra, Cao Bằng còn phát hiện nhiều hiện vật khác như rìu đồng và một số đồ kim khí. Đây là bộ sưu tập vô cùng quý giá, đóng góp vào quá trình nghiên cứu khảo cổ học Cao Bằng nói riêng và khảo cổ học các vùng lân cận cũng như của Việt Nam nói chung.

 

Những di chỉ và di vật khảo cổ nói trên đã chứng minh Cao Bằng là một trong những nơi cư trú của người tiền sử. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nhận thức về văn hóa tiền sử ở Việt Nam.

 

Đoàn khảo cổ cũng đã đào khảo sát thành Bản Phủ. Theo truyền thuyết của người Tày Cao Bằng, thành Bản Phủ là do Thục Chế (cha của Thục Phán An Dương Vương) xây đắp nên.

 

Thục Chế là Vua nước Nam Cương được gắn với truyền thuyết Chín chúa tranh vua - câu chuyện cổ phổ biến trong đồng bào dân tộc Tày Cao Bằng.

 

Đoàn khảo cổ tiến hành đào cắt ngang tại khu vườn nhà ông Tống Văn Rực ở xóm Bản Phủ, xã Hưng Đạo, thị xã Cao Bằng để nghiên cứu kết cấu của thành. Kết quả cho thấy bề mặt thành rộng hơn 1m, cao 2,5m, chân thành xoải rộng gần 6m, có khoảng tám lớp đất đắp lên.

 

Kết cấu giữa các lớp đất rất chặt, phân biệt giữa các lớp đất này chỉ dựa vào màu sắc của đất. Trong lớp đất phát hiện hàng trăm di vật với các chất liệu đá, gốm, sành sứ, kim loại. Hiện tại các mẫu vật này đang được nghiên cứu để xác định niên đại.

 

Những phát hiện quan trọng này đã hé mở một phần quan trọng lịch sử người cổ đại ở Cao Bằng. Đó là một thời kỳ lịch sử quan trọng tạo tiền đề cho việc ra đời nhà nước Văn Lang-Âu Lạc sau này./.

 

Công cụ lao động của người tiền sử tìm thấy tại thôn Bó Mạ. (Nguồn: caobangpro.com)

 

 

Quốc Đạt-Ngân Hà - (TTXVN)
Tin tức khác