Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
368
123.278.156

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nghệ thuật dưới mái nhà sàn
Sự kiện nghệ thuật quốc tế Đất Mường 2 & Asia Art Link 4 sẽ diễn ra từ 17 – 25.10 tại Studio của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình), và lễ khai mạc triển lãm tác phẩm sẽ diễn ra ngày 26.10, tại phòng triển lãm Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

 

Đây là một workshop sáng tác nghệ thuật tập trung, với sự tham gia của 68 nghệ sĩ đến từ 15 nước và vùng lãnh thổ: Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, Phillipines, Mông Cổ, Nga, Bỉ, Romania, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Australia và Việt Nam.

 

Asia Art Link - nhóm nghệ sĩ phi thương mại được khởi xướng bởi hai họa sĩ: Trịnh Tuân (Việt Nam) và Ng Bee (Malaysia), đã từng tổ chức thành công các workshop và sự kiện sáng tác tương tự tại Malaysia, Đài Loan, Phillipines. Hai workshop quốc tế tại làng Sasaran, bang Selangor (Malaysia) các năm 2008 và 2011 đã đưa tên tuổi làng chài nhỏ bé này lên bản đồ nghệ thuật khu vực và quốc tế. Đây cũng là một mục tiêu của sự kiện lần này khi tổ chức hoạt động tại một địa điểm nằm trên tỉnh Hòa Bình- khu vực đậm đặc nền văn hóa bản địa Mường, từng là một trong những cái nôi của nền văn minh Việt cổ, nhưng vẫn còn có khoảng cách không nhỏ với đời sống văn hóa đương đại.

 

Tương tự như những workshop nghệ thuật, các nghệ sĩ trong nước và quốc tế sẽ có một khoảng thời gian cư trú và làm việc tại studio nằm trong Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. Hoạt động sáng tác chính gồm có hội họa, đồ họa, điêu khắc và sắp đặt ngoài trời, dựa trên những vật liệu tự nhiên như đá, gỗ, tre, đất… hoàn toàn tùy chọn dựa vào ý tưởng sáng tạo của nghệ sĩ.

 

Đặc biệt, trong sự kiện lần này có thêm phần sáng tác gốm nghệ thuật với sự tham gia của nghệ sĩ làm gốm người Tây Ban Nha Miguel Angel Gil và họa sĩ gốm người Mỹ Ellien de Rosas, chắc chắn sẽ đem lại những khác biệt về kỹ thuật và tư duy tạo hình so với gốm Việt.

 

Điêu khắc và sắp đặt ngoài trời sẽ có sự góp mặt của nữ nghệ sĩ Pháp Nathalie Filoche, nữ điêu khắc người Nga Ludmila Baitsaeva, nhóm nghệ sĩ Thái Lan bên cạnh những điêu khắc gia trẻ Việt Nam, hay hội họa sẽ là những cuộc giao lưu nghệ thuật của họa sĩ ba vùng Bắc - Trung - Nam với họa sĩ đến từ Malaysia, Indonesia, Mông Cổ, Đài Loan…

 

Song hành với hoạt động sáng tác, các nghệ sĩ sẽ trải nghiệm nền văn hóa bản địa qua những chuyến tham quan dã ngoại bản Mường cổ lân cận, hay ngay trong những hiện vật và nhà sàn nguyên bản lưu trữ tại Bảo tàng Mường. Kết thúc workshop “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn”, các tác phẩm sẽ được giới thiệu song song tại phòng trưng bày của Bảo tàng Mường, và triển lãm cùng tên tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, khai mạc vào ngày 26.10. Sau đó, các tác phẩm sẽ được lưu trữ lâu dài tại Bảo tàng Mường, bên cạnh bộ sưu tập nghệ thuật từ sự kiện 2011.

 

Ngày nay, khi các hoạt động nghệ thuật đương đại đều quy tụ về những đô thị lớn, khoảng cách trong nhận thức và hưởng thụ nghệ thuật giữa thành phố và địa phương ngày càng gia tăng. Nghệ sĩ sống ở Hà Nội và Sài Gòn vẽ tranh, làm điêu khắc, làm sắp đặt, video art, body art, nghệ thuật đa phương tiện (multimedia art), tham gia workshop trong nước và quốc tế dễ dàng như hít thở.

 

Hoạt động sáng tác và giao lưu nghệ thuật càng ngày muôn màu muôn vẻ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực và hình thức, xóa bỏ khoảng cách địa lý và cảm giác về không gian với nước ngoài hay những nền văn hóa xa xôi. Những người sáng tác ở các đô thị hiện đại gần như bắt nhịp với những trào lưu và hình thức sáng tác thịnh hành trên thế giới, hoạt động của họ có ít nhiều ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội.

 

Nghệ sĩ ngoại tỉnh phần đông vẫn xoay quanh lối tạo hình cũ của hội họa giá vẽ và điêu khắc tượng tròn, luôn khó khăn trong sự tiếp nhận cái mới cả về hình thức và tư tưởng. Sự lạc điệu này có thể thấy và cảm nhận trong đời sống sinh hoạt thường ngày ở những tỉnh, thành, rõ hơn nữa trong các triển lãm nghệ thuật khu vực và toàn quốc được tổ chức thường niên. Dường như, ở cả ba miền Bắc- Trung- Nam, chỉ rời đô thị lớn chừng vào chục kilômét, ta lại như quay về nhịp sống của những năm 80 thế kỷ trước, ở đó những đoàn ca nhạc, tạp kỹ và hội chợ bán hàng hóa là sinh hoạt tinh thần chủ yếu, triển lãm nghệ thuật thì vẫn còn là một thứ quá xa vời và khó hiểu.

 

Trong bối cảnh như vậy, sự xuất hiện của một hoạt động lớn như Sự kiện nghệ thuật quốc tế diễn ra tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường trung tuần tháng 10 năm này là một thúc đẩy mạnh mẽ vào đời sống văn hóa tại địa phương và các vùng lân cận.

 

Trước đó- vào tháng 9 năm 2011, Bảo tàng Mường đã tổ chức thành công workshop Nghệ thuật Đất Mường 1, với sự tham gia của hơn 30 nghệ sĩ, nhà điêu khắc. Các tác phẩm nghệ thuật do nghệ sĩ để lại sau đó tại phòng trưng bày của Bảo tàng Mường, đặc biệt là khu sáng tác điêu khắc - sắp đặt ngoài trời đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khách tham quan và người dân trong vùng, dần dần đưa những khái niệm và cảm quan đầu tiên về nghệ thuật đương đại đến với họ.

 

Một điểm đặc biệt nữa cần nhắc đến trong sự kiện lần này là sự hợp tác của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong công tác tổ chức workshop. Đây là lần đầu tiên một trường đại học lớn của Nhà nước (không phải là trường trong khối mỹ thuật) đứng ra bảo trợ và tổ chức triển lãm chính thức cho một workshop nghệ thuật đương đại. Việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trong không gian sư phạm thể hiện quan điểm tiến bộ trong tư tưởng giáo dục và cởi mở trong quan niệm về văn hóa-nghệ thuật hiện đại của nhà trường. Đây cũng là một chủ trương lâu dài của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, khi sẵn sàng tiếp nhận và bảo trợ cho các chương trình nghệ thuật tương tự trong những năm tiếp theo.

 

Workshop “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” lần này là hoạt động chính trong năm 2012 của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Mường Studio thuộc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, đồng thời cũng là chương trình thứ tư trong chuỗi hoạt động thường niên của Asia Art Link từ 2008. Với sự có mặt của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế và những tác phẩm nghệ thuật để lại sau đó, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường sẽ được biết đến như một điểm đến của văn hóa nghệ thuật bản địa có yếu tố đương đại.

 

Tỉnh Hòa Bình sẽ được biết đến như một địa chỉ văn hóa - nghệ thuật có tính quốc gia và quốc tế sau khi chương trình kết thúc, và chắc chắn đây sẽ là một nhân tố mạnh mẽ đẩy mạnh sự giao lưu và phát triển văn hóa, hoạt động kinh tế và du lịch không chỉ của địa phương mà còn có sức ảnh hưởng và tác động không nhỏ cả trong nước và nước ngoài.

 

Vũ Quỳnh Hương - http://laodong.com.vn