Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
331
123.275.603

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Life of Pi: Lý An vượt qua ba nỗi sợ
Cảnh trong phim Life of Pi - Ảnh: imdb Ðã có không ít bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm đoạt giải Man Booker giành các giải thưởng điện ảnh uy tín.

Bộ phim mới nhất của Lý An Life of Pi trở thành cái tên tiếp theo trong danh sách đáng ngưỡng mộ này với 11 đề cử cho giải Oscar.

 

Chuyển thể từ các tác phẩm văn học đoạt giải Man Booker như The English patient (Michael Ondaatje), The remains of the day (Kazuo Ishiguro), Atonement (Ian McEwan)..., các tác phẩm điện ảnh đều ít nhiều thu hút được sự chú ý. Nay, lại một "bộ phim Booker" khác, lại những lời khen ngợi từ giới phê bình, hẳn vậy. Tuy nhiên, số phận của Life of Pi (tác giả Yann Martel) hoàn toàn khác với các "anh em" Booker trước đó.

 

Khi chuyển thể những cuốn sách đoạt giải thưởng văn học danh giá này, có lẽ các nhà làm phim không dám kỳ vọng quá nhiều vào doanh thu. Trong khi đó, Life of Pi là sản phẩm đã được xác định phải trở thành một bộ phim bom tấn của Hollywood.

 

Hành trình huyền thoại

 

 

 

Life of Pi kể về câu chuyện của cậu bé Piscine hay còn gọi là Pi. Sau khi con tàu chở cả gia đình cậu gặp nạn giữa đại dương, Pi may mắn sống sót cùng bốn con vật thuộc vườn thú mà nhà cậu từng sở hữu. Những con vật dần giết hại lẫn nhau và cuối cùng chỉ còn lại một chú hổ Bengal có tên Richard Parker. Một con người bé nhỏ và một mãnh thú nhưng chỉ có một chiếc xuồng cứu hộ, Pi đã phải tìm cách tồn tại khi lênh đênh trên mặt biển và đối phó với người bạn đồng hành có một không hai này. Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt với tên Cuộc đời của Pi (dịch giả Trịnh Lữ).

 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều đạo diễn ban đầu hăm hở muốn thực hiện Life of Pi, nhưng chẳng bao lâu sau đành ngậm ngùi từ bỏ. Cuối cùng, chỉ Lý An mới đủ dũng cảm để ở lại cùng cậu bé Pi và chú hổ Richard Parker giữa đại dương xanh thẳm, đầy hứa hẹn mà cũng đầy bất trắc của một dự án phim táo bạo. Trên vai người đạo diễn gốc Ðài Loan này giờ có cả hai gánh nặng: Làm sao để giữ nguyên được tính triết lý, tinh thần trong cuốn sách của Yann Martel mà vẫn đảm bảo dự án điện ảnh đắt đỏ này có lãi? Và trong tình thế ấy, nhà làm phim buộc phải lựa chọn giữa việc giữ, bớt và thêm những tình tiết từ cuốn sách.

 

Hành trình lênh đênh trên biển mà cậu bé Pi trong cuốn sách của Yann Martel phải trải qua khiến độc giả nhớ tới nhiều tác phẩm văn học vĩ đại khác. Không khác gì hành trình của Odysseus hay Ðức Phật, Pi phải đối diện với những thử thách ở cả hai mặt thể xác lẫn tinh thần, đi từ hạnh phúc đến bi kịch, hi vọng sang tuyệt vọng, kiên trì với niềm tin, phủ nhận chính niềm tin ấy và cuối cùng đến được bến bờ. Hơn hết, một cuốn sách như Life of Pi sẽ không có chỗ cho những ai không tin vào huyền thoại và những điều vĩ đại của tự nhiên và bản thể con người.

Ðó là điều Lý An đã cố gắng giữ lại và thậm chí còn đẩy lên một tầm cao mới trong bộ phim chuyển thể của mình. Hành trình của Pi là hành trình huyền thoại từ trong ra ngoài. Có không ít người hâm mộ cuốn sách đã nhận xét hình ảnh trong bộ phim quá lung linh, quá nuột nà so với hình dung của họ về Life of Pi. Và dù ai cũng phải công nhận hiệu ứng 3D và chất lượng hình ảnh trong phim là đáng kinh ngạc, phản ứng của các nhà phê bình trước việc "thiên đường hóa" bối cảnh bi kịch của vị đạo diễn này cũng không hẳn là đồng nhất.

 

Nhà phê bình Matt Mueller của trang tạp chí Totalfilm cho bộ phim điểm tuyệt đối năm sao và ca ngợi những cảnh quay mượt mà, lung linh ấy đầu tiên. Trong khi đó, cây bút A. O. Scott của New York Times cho rằng những cảnh quay quá đẹp dường như mâu thuẫn với nội dung có phần u tối của bộ phim.

 

Giảm "tông" vì số đông

 

Một yếu tố khác khiến không ít người yêu mến tác phẩm văn học hụt hẫng khi xem tác phẩm chuyển thể chính là sự "tránh né" các tình tiết táo bạo trong phim. Life of Pi được đóng nhãn PG (khuyến cáo một số cảnh không thích hợp với trẻ em). Ðây có thể xem là một mức giới hạn tương đối thoáng, cho phép bộ phim đến với số lượng đông đảo khán giả - điều bảo đảm cho doanh thu của một bộ phim kinh phí cao. Chính vì vậy, người xem có thể thấy những gì mà cậu bé Pi phải chịu đựng trên màn ảnh không còn khốc liệt như trong cuốn sách của Yann Martel. Ðoạn những con thú lên được chiếc xuồng cứu hộ cùng Pi (ẩn dụ cho phiên bản câu chuyện khác mà đến cuối phim cậu bé sẽ tiết lộ) ăn thịt lẫn nhau cũng vì thế bị cắt đến mức tối đa. Ðặc biệt khi cảnh tượng cậu bé phải làm thịt những con cá để sinh tồn - hành động phạm đến quan điểm đạo đức của một cậu bé ăn chay suốt thời thơ ấu - cũng không còn quá ấn tượng, quá day dứt nữa.

 

Không chỉ thế, nhiều độc giả cũng bày tỏ sự thất vọng khi thấy Lý An đã bỏ đi một chi tiết quan trọng trong sách. Khi cậu bé đã đi tới tận cùng tuyệt vọng, mắt không còn nhìn thấy gì do ở quá lâu trên biển, một người Pháp bí ẩn đã bước lên xuồng để rồi trở thành mồi cho chú hổ. Chi tiết ấy đã làm nổi bật lên biểu tượng về bản thể con người trong cuốn sách. Ðáng tiếc thay, có lẽ các nhà làm phim cho rằng việc một nhân vật bí ẩn, mơ hồ xuất hiện sẽ làm loãng đi hình ảnh của chú hổ và Pi, khiến đa số người xem (những người chưa đọc sách) khó hiểu nên quyết định bỏ bớt. Chiều sâu ý nghĩa của phim vì thế cũng bị vơi bớt ít nhiều.

 

Thế nhưng dù đã phải giảm "tông" để làm vừa lòng số đông người xem, Lý An vẫn có thể đầy tự hào vì thành quả công việc của mình. Life of Pi là một cuốn sách không dễ dựng thành phim, vì sự chồng chất của ngữ nghĩa trong tác phẩm cũng như những yêu cầu cao về kỹ thuật. Lý An đã giữ lại được phần lớn cốt truyện và thông điệp triết học mà Yann muốn chuyển tải, biến Life of Pi từ một tác phẩm đẫm chất bi thảm thành một tác phẩm lý tưởng hơn, huyền ảo hơn qua hình ảnh. Có thể điều ấy khiến nhiều người không hài lòng, nhưng không ai có thể phủ nhận được bộ phim của Lý An "đẹp" và đủ hấp dẫn để khán giả phải ngồi lại tới phút cuối cùng.

 

Ðại dương, thú dữ và trẻ em

Chúng ta hãy thử so sánh bộ phim Life of Pi của Lý An và một tác phẩm chuyển thể ấn tượng khác với bảy đề cử Oscar - Atonement.

Bộ phim năm 2007 của đạo diễn Joe Wright quy tụ dàn diễn viên đắt giá bao gồm cả cô đào Keira Knightly. Dẫu vậy, tổng chi phí sản xuất của Atonement chỉ là 30 triệu USD. Sau đó, nhờ cả chất lượng và danh tiếng từ các giải thưởng, tác phẩm đạt doanh thu tới gần 130 triệu USD, một con số tương đối ngoạn mục so với vốn đầu tư.

Tuy nhiên, con số doanh thu của Atonement chỉ tương đương kinh phí của phim Life of Pi - bộ phim hội tụ cả ba yếu tố mà mọi nhà làm phim đều "sợ": đại dương, thú dữ và trẻ em. Việc làm ra một bộ phim liên quan đến đại dương luôn đắt đỏ, đó là chưa kể chi phí để tạo ra một chú hổ 3D sao cho thật thuyết phục cũng chẳng hề khiêm tốn. Ðó là chưa kể câu chuyện từ một cuốn sách đoạt giải Booker không bao giờ là dễ hiểu, đơn giản với đa số người xem, kể cả khi đó là cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử giải thưởng này.

 


 


 

 

Phương Thủy - Tuổi Trẻ