Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
448
123.274.696

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sáng lên đèn cổ
Nhiều nhà nghiên cứu di sản có mặt tại khai mạc triển lãm đèn cổ - Ảnh: Trinh Nguyễn Một số hiện vật rất đặc biệt trong trưng bày chuyên đề đèn cổ Việt Nam đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, và không có hiện vật tương đương của Trung Hoa.

 

 

PGS-TS Lâm Mỹ Dung mỉm cười trước chiếc đèn gốm Hòa Diêm. Chiếc đèn cao chừng 20 phân, hoa văn vô cùng duyên dáng và tinh xảo. “Chiếc đèn hiếm có. Cư dân thời đó tài khéo đến mức chiếc đèn cân đối và họa tiết vô cùng tinh tế”, nhà nghiên cứu văn hóa Óc Eo, Sa Huỳnh nhiều năm này nói. Tuy còn tranh cãi chiếc đèn có thuộc văn hóa Sa Huỳnh hay không, song nó chính là niềm tự hào của TS Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Cách đây 2 năm, ông đã tìm thấy, đưa nó về từ cuộc khai quật tại Khánh Hòa.

 

Đèn gốm Hòa Diêm là một trong nhiều chiếc đèn độc đáo được Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày chuyên đề lần này, dự kiến kéo dài từ nay đến hết tháng 5 năm nay. Một chiếc đèn “danh nổi như cồn” khác chính là hiện vật vừa được công nhận bảo vật quốc gia - cây đèn hình người quỳ. Cây đèn do nhà khảo cổ học người Thụy Điển Olov Janse tìm thấy tại Lạch Trường, Thanh Hóa trong một ngôi mộ cổ. “Điều quan trọng nhất, nó cho thấy một cuộc giao lưu văn hóa với các nước”, bà Lâm Mỹ Dung nói. Có giả thuyết cho rằng chiếc đèn chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp. Người đàn ông ở tư thế quỳ nhưng không phải người ở vị trí thấp. Trái lại “vương miện” và vật trang điểm cho thấy đây là bức tượng thể hiện một bá tước hoặc một vị thánh. Ánh sáng từ cây đèn cũng được cho là gần với ý tưởng về vũ trụ, sự cao quý của mặt trời, trăng, sao. Một chiếc đèn đồng khác cũng mô tả vũ trụ lại níu chân PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử. Một nhà nghiên cứu khác là PGS-TS Tạ Ngọc Liễn, Viện Sử học lại bàng hoàng vì mức độ hoàn hảo của cây đèn gốm hoa lam đắp rồng nổi thời Lê Mạc.

 

Hơn 50 chiếc đèn mang tới sự đa dạng khác nhau của đèn qua các thời kỳ. Triển lãm có đèn gốm men trắng, men nâu hình đài sen, tượng người dâng đèn gốm men nâu thời Trần. Chân đèn gốm hoa lam vẽ sen dây tìm thấy trong tàu đắm cổ Cù Lao Chàm cũng được trưng bày tại đây. Còn nhớ, trong cuộc khai quật Cù Lao Chàm, những hiện vật đương nhiên thuộc về Việt Nam chính là những hiện vật độc bản. Lượng hiện vật đèn thời Nguyễn được trưng bày nhiều hơn cả. Trong đó có đèn sắt Cửu Long - nhị thập bát tú, cặp tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ dâng đèn, đèn gỗ sơn thếp…

 

Đặc biệt, triển lãm có những chiếc đèn được đặt làm riêng để cung tiến vào các đình, chùa, quán. Trên đó có nhiều minh văn ghi rõ niên đại, nghệ nhân, địa điểm, chế tác, người đặt làm và nơi sử dụng. Chẳng hạn, theo Th.S Trịnh Quốc Hữu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có chiếc đèn thời Mạc được đặt làm riêng để dùng ở phủ của công chúa. Một chiếc đèn lam xám khác được ghi rõ tác giả là Đặng Huyền Thông. Đây là một nghệ nhân tài danh có tới hàng chục tác phẩm gốm có minh văn được lưu giữ tới ngày nay.

“Chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu loại hình nhưng so sánh cho thấy tại đây có nhiều chiếc đèn mà cùng thời kỳ Trung Quốc không có kiểu dáng tương tự”, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói. 

 

 

 

 

 

 

 

Trinh Nguyễn - TN0