Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
568
123.272.386

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Mỹ thuật cần được... phẫu thuật
Người đàn bà bên cửa sổ, tempera trên lụa của Mai Trung Thứ (32x23,5cm), được Christie’s (Hong Kong) ước giá khoảng 15.400 – 20.500 USD Mỹ thuật VN từng “vang danh thế giới” với ít nhất 15 tên tuổi lớn mà các nước lân cận ở châu Á không thể bì kịp. Nhưng các thế hệ sau này chưa tạo nên một dấu ấn gì.

 

 

 

Nền mỹ thuật lại đang có quá nhiều căn bệnh, từ sự thờ ơ đối với tác phẩm mỹ thuật nước nhà của chính người Việt, rồi tình trạng bình phẩm vô tội vạ của các bình luận gia thiếu cả trình độ lẫn thiện chí, cho đến tình trạng tranh giả tràn lan...

 

Đó là ý kiến của ông Jean Françoise Hubert (Pháp) - một chuyên gia mỹ thuật VN đang làm giám tuyển mỹ thuật cho Hãng đấu giá nghệ thuật Christie’s (Hong Kong). Bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ của ông được rất nhiều người quan tâm chia sẻ.

 

Ông Lê Văn Thông - chủ Vieteye gallery (32 Đồng Khởi, TP.HCM) - từ quá trình kinh doanh của mình cho biết cảm thấy xấu hổ khi hình ảnh thị trường tranh VN đang rất mất uy tín; nhiều vị khách nước ngoài đến mua một bức tranh chỉ vài trăm USD cũng yêu cầu được chụp ảnh chung với tác giả lẫn bức tranh, kèm theo xác nhận là tranh thật của chính tác giả. “Đó chính là hệ quả của một thời gian dài thị trường mỹ thuật bị thao túng bởi những người kinh doanh tham lam, thiếu cái tâm và thiếu thiện chí cho sự phát triển của thị trường mỹ thuật lành mạnh nói riêng, cho nền mỹ thuật nói chung. Do đó rất nên lập lại thị trường mỹ thuật VN và công việc này rất cần có sự can dự của cơ quan quản lý nhà nước!” - ông Lê Văn Thông nói.

Trong phần trả lời của mình, có vẻ như “tế nhị” mà ông Jean Françoise Hubert ít đề cập đến lớp họa sĩ đương đại, ngoài nhắc đến “những lóe sáng đơn lẻ”. Điều này, một nghệ sĩ ở Hà Nội nhận xét về thực trạng họa sĩ trẻ hiện nay rằng: “Chỗ nào cũng trình diễn, cũng sắp đặt nhưng diễn xong rồi thôi, chẳng được chú ý, chẳng gây tiếng vang gì. Bởi họa sĩ trẻ phần lớn đâu có bắt đầu từ nền văn hóa dân tộc như các thế hệ đi trước, họ cũng không được tiếp cận và được đào tạo bài bản về nghệ thuật mới của thế giới nên tình trạng “mờ mờ nhân ảnh” như thế là dễ hiểu, do đó tương lai của mỹ thuật VN nói chung rất... buồn!”.

 

Theo họa sĩ Võ Xuân Huy (Trường đại học Nghệ thuật Huế), tất cả căn bệnh do ông Hubert chỉ ra đều rất chính xác đối với mỹ thuật VN hiện nay. Trong đó, ái ngại nhất là tình trạng làm giả tranh. Thực tế tại các thành phố lớn có rất nhiều cơ sở sao chép, làm tranh giả nhưng gần như không được quản lý, và cũng chẳng có ai đứng ra để kiểm chứng. Cơ chế xử lý những sai phạm trong mỹ thuật cũng chưa được đặt ra. Tình trạng tranh giả có khi do chính họa sĩ thực hiện (gọi là “ăn vào chính mình”), có khi do chính người trong gia đình họa sĩ nổi tiếng tổ chức làm. Rồi tình trạng phê bình thiếu chuyên môn, “ép phe” để nâng người này, hạ người kia nhằm mục đích riêng tư chứ không vì thị trường mỹ thuật...

 

“Mỹ thuật VN muốn phát triển thì cần sự chung tay của rất nhiều phía, cần các cuộc “giải phẫu bàn tròn”, có sự ngồi lại của giới họa sĩ, nhà kinh doanh mỹ thuật, cơ sở đào tạo, nhà phê bình lý luận và nhà quản lý... Đặc biệt là rất cần một chính sách, cơ chế thông minh và hợp lý để chấn chỉnh lại những gì bất hợp lý” - họa sĩ Võ Xuân Huy nói.

 

 

 

THÁI LỘC - TT0