Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.865 tác phẩm
2.760 tác giả
451
123.271.459

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Ngày hội của thổ cẩm
Cô gái người Mông xe lanh bằng dụng cụ cổ truyền điều khiển bằng chân - Ảnh: T.Lộc Festival nghề truyền thống Huế 2013 đã mở màn ấn tượng tại công viên Tứ Tượng bên bờ sông Hương vào sáng 27-4. Nhiều người dân Huế và du khách vô cùng thích thú khi tận mắt xem các nghệ nhân đến từ ba vùng miền của đất nước trình diễn nghệ thuật dệt thổ cẩm.

 

 

 

Ðó là thổ cẩm của người Mông đến từ Hà Giang, thổ cẩm zèng của người Tà Ôi từ Thừa Thiên - Huế và thổ cẩm của người Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận.

Độc đáo thổ cẩm 3 miền

Ở gian thổ cẩm vùng Tây Bắc, bà Vàng Thị Mai cùng các người thợ đang thực hiện các công đoạn làm nghề thổ cẩm lanh truyền thống của người Mông đem đến từ thôn Lùng Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Các nghệ nhân trong trang phục thổ cẩm rất bắt mắt ngồi xe sợi, quay lanh và cắm cúi dệt trên khung cửi cổ truyền... Ðiều được nhiều người chú ý chính là công đoạn vẽ sáp lên nền vải trước khi cho vào nhuộm. Ðây được xem là tuyệt kỹ của thổ cẩm Tây Bắc. Những chỗ vải có sáp dính vào sẽ không thấm màu qua khâu nhuộm, do đó đã tạo ra các sắc thái hoa văn rất đặc biệt.

 

Ðây chỉ là số rất ít trong 41 công đoạn làm thổ cẩm của người Mông ở Hà Giang. Tất cả đều làm bằng sợi lanh và màu sắc thì lấy từ các cây trái trong tự nhiên. "Nghề lanh thổ cẩm dân tộc Mông có từ mấy ngàn năm rồi. Người Mông mặc lanh chẳng khác gì mang cái máy điều hòa nhiệt độ, mùa đông thì ấm, mùa hè lại mát. Mà hơn cả máy điều hòa nữa vì lanh rút được mồ hôi khi lao động!", bà Mai tự hào.

 

"Thổ cẩm VN rất cần được tôn vinh như một báu vật quốc gia. Trong thời đại thế giới phẳng như hiện nay, những cái gì khởi đi từ bản sắc sẽ mang lại một giá trị bền vững!"

Nhà thiết kế Minh Hạnh

Ở gian dệt zèng - tên gọi thổ cẩm của người Tà Ôi đến từ miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế, mọi người cũng rất thú vị trước cách dệt rất đơn giản của các nghệ nhân. Số lượng sản phẩm cho dù còn khiêm tốn, chỉ với áo, túi xách, khăn quàng, khố và đai nịt, song trên mình nó là hoa văn hình học với những hạt cườm rất bắt mắt. Ðó có thể là khuôn mặt ka-bu-anl (một loại chim trong rừng), chi-poa-si-troi (tương tự đôi bàn chân gà), quang-ta-ting (một loại quả rừng làm thuốc) hay núi rừng, con dốc quanh co... Ngoài các thanh tre nằm ngang, các bộ phận của người dệt như chân, tay và độ cong của lưng cũng là một phần không thể thiếu của "khung" dệt. Không chỉ đơn giản, bộ khung dệt này còn tiện lợi đến mức nghệ nhân có thể xếp lại trong vài giây và đem đi ngồi dệt bất cứ nơi đâu.

 

Bước vào gian dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm đến từ thôn Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, mọi người có thể nhận ra ngay sắc thái "phương Nam", nhất là sự phong phú về màu sắc cũng như hoa văn trên thổ cẩm. Cuốn hút nhất chính ở hai khung dệt cao và thấp có cấu trúc và cách dệt rất khác nhau. Ðặc biệt là ở khung dệt cao, nghệ nhân ngồi dệt mà như đánh đàn với các tiếng kêu leng keng của dãy san hô lớn bé treo trên khung cửi.

 

Xứng đáng để tôn vinh

Không chỉ người Việt mà những du khách nước ngoài có mặt tại buổi trình diễn chăm chú một cách thích thú trước các thao tác trình diễn thổ cẩm ba miền của người thiểu số. Ông Torsten Schawarz, du khách Ðức, cho biết: "Thổ cẩm VN thì tôi nghe nói nhiều và cũng từng xem cách làm ở Lào Cai. Nhưng đây là lần đầu tiên được chứng kiến các thao tác thổ cẩm đại diện ba khu vực của VN với những điểm rất khác biệt. Ðiều này rất đặc biệt, vì nó tạo nên sự đa dạng, gây hấp dẫn đối với bất cứ ai nếu được quảng bá tốt!".

 

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết gần 20 năm trước, khi sử dụng thổ cẩm của người Tây Bắc làm chất liệu thời trang, bà từng bị nhiều người ngăn cản vì cho rằng sẽ rất khó thành công. Song chính thổ cẩm Tây Bắc, do sự đa sắc tộc, dẫn đến đa sắc màu, có nhiều thứ để chọn lựa nên rất dễ "phóng tay". Lần này, sự phát hiện thổ cẩm zèng của người Tà Ôi ở A Lưới thời gian gần đây chính là "sự kỳ diệu như phát hiện một báu vật" đối với bà Hạnh. Sự bất ngờ không chỉ ở kỹ thuật xâu cườm vào vải khi đang dệt duy nhất trên thế giới hiện nay, mà còn ở phong cách và những đồ án hoa văn trang trí trên mình vải. Bà Hạnh cho rằng: "Sự đơn giản, mộc mạc của zèng của người Tà Ôi ở A Lưới tạo ra những sắc thái rất khỏe khoắn và sinh động, rất thuyết phục những người am hiểu thời trang. Nghề dệt zèng đáp ứng được xu hướng tối giản của thời trang thế giới đương đại, do đó nó rất xứng đáng để tôn vinh!".

THÁI LỘC

Lối ra cho nghề truyền thống - chuyện dài không hồi kết

Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế) tại hội thảo “Nghề và làng nghề truyền thống Huế với phát triển du lịch”, diễn ra vào sáng 28-4 trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế (kéo dài đến 2-5). Theo ông Hoa, điều cần nói lúc này là hãy nhìn vào một thực tế: vì sao hiện tại nghề thủ công mỹ nghệ Huế “tàn tệ” vậy? Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế cũng đã nhìn thấy sự “tàn tệ” đó và liệt kê ra một loạt khó khăn: quy mô nhỏ lẻ, lạc hậu của các làng nghề; sản phẩm phục vụ du lịch còn ít và đơn điệu về mẫu mã, bao bì; chưa có mặt hàng lưu niệm mang nét đặc trưng của văn hóa Huế; chưa có sự hợp tác giữa các làng nghề với nhau và với doanh nghiệp du lịch...

“Huế có một phường thợ đúc đồng nổi tiếng, nhưng vì sao du khách đến Huế muốn mua một chiếc chuông Thiên Mụ thu nhỏ để làm kỷ vật cũng không có?”, câu hỏi không phải là hóc búa của nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn cũng chỉ được chủ tọa cuộc hội thảo ghi vào biên bản mà thôi. Bởi vì, như lời của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, đồng chủ trì hội thảo, thì bao nhiêu cuộc hội thảo về làng nghề cũng chỉ có các nhà khoa học nói với nhau, kêu gào với nhau. 

M.TỰ

 

 

 

THÁI LỘC - TT0