Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
505
123.268.136

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nghi lễ mùa xuân mang tính toàn cầu
Các vũ công thuộc Trung tâm Vũ kịch quốc gia Grenoble (Pháp) tổng dợt vở Nghi lễ mùa xuân - Ảnh: Lan Chi Ngày 26.6, biên đạo múa Jean-Claude Gallotta (ảnh) đã có buổi họp báo về vở ballet Nghi lễ mùa xuân, sắp ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 27 và 29.6.

 

Vở Nghi lễ mùa xuân do nhà soạn nhạc Igor Stravinsky sáng tác và Vaslav Nijinsky biên đạo cho đoàn múa Les ballets russes cách đây đúng 100 năm. Sau buổi đầu ra mắt bị chỉ trích mạnh mẽ, tác phẩm này dần được công chúng đón nhận và ngày nay được xem là đại diện tiêu biểu của ballet đương đại. Ông Gallotta là một trong những biên đạo múa nổi tiếng nhất của Pháp từ thập niên 1980. PV Thanh Niên trích lược lại những chia sẻ của ông tại buổi họp báo.

 

Phiên bản Nghi lễ mùa xuân do ông dàn dựng có những điểm khác biệt gì so với phần dàn dựng của các biên đạo múa khác? Bên cạnh đó, phần trình diễn ở Việt Nam có thay đổi nhiều để phù hợp với văn hóa Á Đông?

 

Tôi sử dụng nền nhạc gốc do đích thân nhà soạn nhạc Stravinsky chỉ huy và ghi âm để tỏ thái độ tôn trọng tác giả. Ngoài ra, nền nhạc này rất phù hợp với phần biên đạo múa của tôi. Qua vở diễn, tôi muốn giới thiệu đến công chúng phong cách nghệ thuật riêng của mình và âm nhạc của Stravinsky. Nghi lễ mùa xuân kể về buổi hiến tế một cô gái trẻ cho các thần linh. Ngày nay, người phụ nữ đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, được mọi người tôn trọng. Do đó, trong vở diễn do tôi dàn dựng, các vũ công, cả nam lẫn nữ, đều có thể trở thành người bị hiến tế. Họ cũng không mặc lễ phục mà mặc quần jeans, áo thun, bình dị như bất cứ khách bộ hành nào bạn có thể gặp gỡ bên đường. Về mặt kỹ thuật, các vũ công sẽ có những cử điệu rất “đời thường”, xen lẫn với các động tác đòi hỏi độ khó cao. Vở diễn có nhịp độ nhanh, mạnh, đòi hỏi rất nhiều năng lượng ở các vũ công. Tôi hy vọng tạo được mối liên kết giữa nghệ thuật với cuộc sống hằng ngày.

Thông thường, phần dàn dựng sẽ được thay đổi khoảng 20%, nhưng chủ yếu để phù hợp với điều kiện không gian của sân khấu, điều kiện ánh sáng… Tôi không muốn “đo ni đóng giày” Nghi lễ mùa xuân khi trình diễn ở nước ngoài. Ngược lại, tôi muốn phần biên đạo của mình mang tính toàn cầu để dù bạn ở đâu, sinh trưởng trong nền văn hóa nào, bạn vẫn có thể đón nhận vở diễn.

 

Để khán giả trẻ tiếp tục đón nhận và yêu thích ballet hay nhạc cổ điển trong thời kỹ thuật số có lẽ là điều không đơn giản?

Bản Nghi lễ mùa xuân được Stravinsky sáng tác cách đây đúng 1 thế kỷ nên quả thật khá xa lạ với công chúng trẻ. Do đó, tôi muốn mang hơi thở hiện đại vào để vở diễn trở nên gần gũi hơn. Tôi nghĩ, các bạn trẻ khi xem vở này sẽ có cảm giác đang thưởng thức âm nhạc ở một bộ phim hiện đại. Phần nhạc của Stravinsky tự thân đã mang rất nhiều hình ảnh. Kết hợp với phần trình diễn mạnh mẽ của vũ công sẽ mang đến nhịp điệu sôi động như cuộc sống ngày nay.

 

 

 

 

 

Lan Chi - TN0