Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
488
123.267.979

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 11: Nỗi lo mai một nghề làm hình nhân thế mạng
Anh Nhành đang làm tàu dùng để thả hình nhân trong đêm rằm - Ảnh: Phạm Anh Anh Võ Văn Nhành (45 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, H.Lý Sơn, Quảng Ngãi) là người duy nhất trên đảo Lý Sơn còn theo nghề làm hình nhân thế mạng.

 

Nghề gia truyền

 

Người truyền nghề làm hình nhân thế mạng cho anh Nhành là ông Võ Văn Toại (75 tuổi), cha anh Nhành. Cách đây vài năm, hai cha con là… đồng nghiệp, nhưng từ khi cụ Toại “rút khỏi giang hồ” thì chỉ còn anh Nhành theo nghề. “Tuy không làm nữa nhưng cha vẫn hay quan sát kỹ mỗi khi tôi làm hình nhân thế mạng. Mỗi lần cha phát hiện cái sai, cái thiếu sót để chỉ dạy là tôi được thêm một bài học để hoàn thiện nghề”, anh Nhành cho hay.

 

Dù là nghề gia truyền của dòng họ nhưng anh Nhành theo nghề làm hình nhân thế mạng cũng từ một ngã rẽ đầy bất ngờ. Thời còn học sinh, anh Nhành nuôi ước mơ thành ông giáo. Suốt những năm đi học, ước mơ làm ông giáo của anh Nhành lớn dần. “Theo nghề nào cũng có cái “duyên”. Năm 19 tuổi, một hôm cha tôi đi vắng thì có người đến nhờ làm hình nhân thế mạng cho người thân. Đợi mãi không thấy cha về nên tôi đành phải nhận lời với người ta. Không ngờ, tôi làm được. Con nhà nghề là vậy đó!”, anh Nhành nói đầy tự hào.

 

Theo anh Nhành, nghề làm hình nhân thế mạng rất “kén” người, không phải ai muốn cũng làm được. Người làm nghề này gọi là pháp sư hay thầy cúng. Để trở thành pháp sư làm hình nhân thế mạng thì người đó phải có “Tam thiên”, nghĩa là phải hội đủ 3 yếu tố: nhứt sắc, chí oai (oai phong) và thiên tướng. “Nếu không có được “Tam thiên” thì sẽ không làm được hình nhân thế mạng đâu.

 

Ngoài “Tam thiên”, người pháp sư cần phải am tường và theo “giới luật” khi tiến hành làm hình nhân thế mạng. Nếu không, dù có hoàn thành hình nhân đi chăng nữa thì cũng không hiệu nghiệm. Đó chính là lý do vì sao có nhiều người theo học nghề này nhưng đều bỏ cuộc”, anh Nhành nói.

 

Để làm hình nhân, pháp sư phải nắm rõ đầy đủ và chính xác “lai lịch” của người mất, rồi mới xem “ngày lành, tháng tốt” và tiến hành thu thập nguyên liệu để làm như đất sét, chỉ tơ, than cây sầu đông, dâu tằm, giấy bạc… Đất sét phải được lấy từ bên dòng (thung lũng) núi Giếng Tiền. Dâu tằm phải là cây dâu tằm “cô đơn”, tức không có nảy nhánh, nếu không đáp ứng được điều kiện đó thì sẽ “mất linh”.

 

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, pháp sư mới có thể lập đàn tế, chiêu hồn và tiến hành nặn hình nhân. Đầu tiên là bỏ đất sét vào cối đá giã cho thật nhuyễn, tầm khoảng 30 kg đất sét là đủ. Khi đất sét nhuyễn rồi thì tiến hành nặn thành hình hài sao cho tương đối giống. Xong hình hài thì lấy cây dâu tằm nắn các bộ phận như xương sườn với quy tắc nam 7, nữ 9 đốt, xương sống, xương đùi, xương vai, xương mông và các ngón chân ngón tay… Than đen của cây sầu đông dùng để làm gan và phổi, chỉ tơ làm ruột và gân. Khi “lục phủ ngũ tạng” xong rồi thì bắt đầu chỉnh chu cho bên ngoài, đó là dùng tăm cây dâu để vẽ mắt, lỗ mũi, lỗ rún…

 

“Nên hoàn thành hình nhân trong vòng 2 giờ đồng hồ và hình nhân thường dài khoảng 1 mét. Sau đó, pháp sư tiến hành gọi hồn cho hình nhân. Xong việc, giao hình nhân cho gia chủ và chọn ngày làm giỗ cho người đã mất. Tất cả công việc trong quá trình nặn hình nhân phải do chính pháp sư làm, tuyệt đối không có sự “giúp đỡ” của người khác”, anh Nhành cho biết.

 

Nỗi lo thất truyền

 

Từ xưa cho đến nay, những người làm hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn đều là người mang họ Võ. Anh Nhành là truyền nhân đời thứ 9 của dòng họ Võ còn theo nghề này. Ngoài Lý Sơn, người dân ở nơi khác của tỉnh Quảng Ngãi cũng thường hay đến nhờ cha con anh Nhành làm hình nhân cho người thân khi không may đi biển bị mất tích. Không chỉ làm hình nhân thế mạng những khi có người mất, anh Nhành còn nhận công việc này vào dịp lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. “Làm cho người mất thì mình có cảm xúc riêng, còn làm cho lễ Khao lề mình cũng có xúc động riêng, đó vừa là vinh dự vừa là thành kính đối với các bậc tiền nhân đã vị quốc vong thân”, anh Nhành tâm sự.

Anh Nhành và cụ Toại đang băn khoăn nghề làm hình nhân thế mạng sẽ thất truyền. “Tôi rất tự hào vì cái nghiệp này chọn những người trong dòng họ Võ của mình. Nhưng cũng vì cái sự lựa chọn này có thể khiến nghề làm hình nhân thế mạng sẽ thất truyền nếu dòng họ Võ không có người theo nghề của cha ông”, anh Nhành nói.

 

Theo sử sách và gia phả các tộc họ trên đảo Lý Sơn, tục nặn hình nhân thế mạng và đắp mộ gió có từ thời các binh phu của 13 tộc họ trên đảo vâng lệnh vua, đạp sóng, dong thuyền ra đo hải trình, cắm mốc dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa cách đây đã 300 năm. Nhiều dòng họ mỗi năm có hàng chục suất đinh đi Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ và không ít người trong số đó phải nằm lại vĩnh viễn giữa biển khơi. Dấu ấn về những người “một đi không trở lại” vẫn còn được lưu lại trong những câu hát ru trên đảo Lý Sơn, như: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về” hay “Trăm người ra đi chẳng mấy người trở về”… Người dân trên đảo dùng hình nhân của binh phu thế mạng để mai táng tại Âm linh tự và ở các vùng trên đảo là để tỏ lòng tri ân người đã khuất, xem như đó là thân xác của binh phu về lại với quê hương.

 

 

 

Xuân Khánh - TN0