Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.863 tác phẩm
2.760 tác giả
551
123.268.433

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đi tìm khán giả tri âm
NSƯT Thanh Hoàng (vai giáo sư Đại khùng), Cát Tường (vai Mộng Ly), NSƯT Việt Anh (vai Tư Liều) trong vở Tốt xấu giả thật - Ảnh: H.K Dù tên chính thức là Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM, nhưng người ta vẫn thích gọi đơn vị này là Kịch 5B, kỷ niệm những ngày tiên phong xã hội hóa sân khấu.

 

Khóc, cười và chiêm nghiệm

Rất nhiều vở ở 5B đã khiến khán giả phải suy nghĩ sâu xa, chứ không đơn giản chỉ là khóc cười chốc lát. Từ Cõi tình lật ra mặt trái tinh tế của tình yêu tính toan, ích kỷ, đến Tốt xấu giả thật đau đáu đi tìm cái tốt trong nhân gian, hoặc Nơi tình yêu bắt đầu nhắc người ta về một hạnh phúc thực tại chứ đừng đợi chết đi mới hối tiếc muộn màng, và 270 gram xoáy vào tình bạn, tình yêu, lòng tin, chung thủy... Ngay cả những đề tài nhẹ nhàng được dàn dựng theo màu sắc hài hước dễ chịu như Chờ người cũng khiến người ta ưu tư về cội nguồn dân tộc, hay Chưa yêu sao hiểu được san bằng khoảng cách trong xã hội không phải bằng cách dựa dẫm mà là những chuỗi ngày vất vả học tập, lao động, vượt qua mặc cảm…

 

Kiểu kịch của 5B là thế, vẫn trung thành với tôn chỉ nghiêm túc từ ngày đầu thành lập. Khi sân khấu thị trường tràn ngập thì 5B cũng có chút ít chuyển đổi, chọn những vở nhẹ nhàng hơn, hài hước hơn, nhưng cuối cùng vẫn phải tử tế, chuẩn mực. NSƯT Thanh Hoàng, Giám đốc nhà hát, nói: “Chúng tôi không chủ trương làm kịch kinh dị, hoặc hài hước nhảm nhí. Dù cần tiếng cười để bán vé nhưng phải là tiếng cười sạch sẽ, có ý nghĩa. Bởi khán giả đến với 5B tương đối khó tính. Thậm chí có nhiều người đã ái mộ 5B từ thuở mới thành lập, nay họ vẫn đồng hành với mình, thì mình không thể phụ lòng họ. Và trên hết là không làm mất “thương hiệu” của mình”. Rõ ràng xây dựng được thương hiệu rất khó, nhưng giữ được thương hiệu không đơn giản chút nào.

 

Chính vì vậy, 5B rất cần những khán giả tri âm. NSƯT Mỹ Uyên, Phó giám đốc nhà hát, tâm sự: “Chính những khán giả tri âm đó làm chúng tôi không dao động. Dù có khi vở hơi kén khách, vé bán không nhiều, nhưng một khi đã diễn thì khán giả đồng cảm với mình, khen ngợi, động viên”.

 

Cái nôi cho diễn viên trẻ

 

Nhiều người từng nói vui với anh em tại 5B rằng: “Công anh xúc tép nuôi cò - Cò ăn cho lớn, cò dò lên cây”. Ấy là nói chuyện 5B vất vả đào tạo diễn viên trẻ khi mới bỡ ngỡ ra trường hoặc “xâm canh” từ điện ảnh, ca nhạc sang sân khấu, nhưng sau khi thuần thục một chút thì họ bay sang các sân khấu khác. NSƯT Việt Anh, Phó giám đốc nhà hát, mỉm cười: “Đã ở chung trong ngôi nhà sân khấu cả nước thì chúng tôi chẳng so đo gì chuyện đó. Hồi 5B mới thành lập, anh em trẻ tụ hội về, rồi tỏa ra xây dựng những đơn vị mới, coi như 5B có công lớn, chứ đâu ai phủ nhận”. Nào Thành Lộc, Hồng Vân, Ái Như, Thanh Thủy, Kim Xuân, Minh Hoàng… đến thế hệ sau như Hoàng Trinh, Ngọc Trinh, Anh Vũ, Đức Thịnh, Tuyết Mai… và bây giờ là Quý Bình, Trí Quang, Lê Phương, Hoàng Anh, Diễm Châu… đều ít nhiều trưởng thành từ 5B.

 

Chính vì vậy khi được mời về đóng trong vở Hạnh phúc ở đâu và Chia tay hoàng hôn, NSƯT Kim Xuân đã bỏ mấy sô khác để ưu tiên cho 5B, dù cát sê mỗi đêm rất khiêm tốn. Chị cười: “Ngôi nhà 5B đã là một ký ức đẹp đối với chúng tôi. Cuộc sống thay đổi, chúng tôi phải bươn chải nơi khác để làm nghề, nhưng nếu 5B cần thì chúng tôi sẵn sàng quay về hỗ trợ. Nói thật, diễn ở đây có cái thú vị của sự nghiêm túc, và khán giả là những người đồng hành lý tưởng của nghệ sĩ”. Lê Phương tâm sự: “Diễn viên trẻ như chúng tôi cần bắt đầu con đường nghệ thuật tại những sân khấu tử tế, như vậy sẽ không hư nghề. Cứ đặt nền móng vững chắc rồi sau này sẽ đi xa”.

 

Thực sự, 5B đang trải qua giai đoạn thử thách gay go vì sân khấu thị trường tràn ngập, lôi cuốn khán giả. Nhưng anh em nghệ sĩ cứ lặng thầm chèo chống con thuyền nghệ thuật bằng một bản lĩnh đáng nể. Nói cho cùng, thương hiệu 5B chưa bao giờ làm mất lòng tin của khán giả.

 

 

 

Hoàng Kim - TN0