Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
503
123.268.157

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Thổn thức chuyện tình một ‘Con ma’
3 diễn viên chính Brad Little (Con ma), Claire Lyon (Christine Daae) và Anthony Downing (Raouol) trên sân khấu ở Singapore - Ảnh: Thục Minh Người đàn ông ngồi cạnh tôi trong khán phòng nhà hát Singapore chốc chốc lại bóp mạnh chai nước trong tay theo tiếng lòng tê tái của “Con ma” Nhà hát Paris.
 

 

 

45 tuổi, với một cuộc hôn nhân tan vỡ cùng hai bàn tay trắng nơi xứ người, trái tim anh đã khô cằn với tình yêu. Nhưng câu chuyện tình bất hủ Con ma nhà hát của Gaston Leroux mà anh đã xem phim từ vài thập niên trước, thậm chí đọc nguyên bản tiếng Pháp, vẫn đủ sức hút kéo anh đến Nhà hát MasterCard tại tổ hợp giải trí Marina Bay Sands của Singapore.

 

“Con ma” không hề là một thứ vô hình và có quyền năng siêu thực để có thể thâu tóm những thứ nó muốn. “Con ma” thật ra là một người đàn ông bất hạnh, bị chối bỏ bởi khuôn mặt dị dạng dù được trời cho một giọng hát mê ly, và phải sống bí ẩn dưới tầng sâu của Nhà hát Paris ở thủ đô nước Pháp. “Con ma” trót yêu say đắm Christine xinh đẹp với giọng hát nữ cao đầy cuốn hút, nên đã bắt cóc nàng đem về căn phòng bí ẩn của mình và làm mọi cách mong chiếm được tình yêu của nàng. Bất chấp dung mạo dị thường của “Con ma”, Christine có phần quý mến tấm lòng của hắn. Nhưng tình yêu thì nàng đã trao cho người bạn thời thơ ấu, công tước Raoul.

 

Ghen tuông và cay đắng, “Con ma” trở thành kẻ phá hoại nhà hát và bắt cóc Christine một lần nữa. Lần này, “Con ma” rắp tâm ép nàng cưới hắn. Và bi kịch lên đến đỉnh điểm khi Raoul lần đến căn phòng bí ẩn để cứu người yêu thì bị “Con ma” bắt treo vào thòng lọng. “Hãy lựa chọn đi!”, “Con ma” gào lên trước trái tim tan nát của Christine và sự bất lực của Raoul. Giữa việc chấp nhận kết hôn với “Con ma” hay chứng kiến người yêu bị treo cổ, Christine đã nhắm mắt hôn lấy hôn để người đàn ông dị dạng, trong lúc Raoul chết điếng trước hành động của người yêu. Nhưng đó cũng là lúc cái phần người, phần tỉnh táo trong “Con ma” thức dậy. Hắn cởi trói cho Raoul và ra lệnh cho Christine hãy bỏ đi ngay cùng với tình yêu của mình, trong lúc hắn mang “trái tim vỡ tan” về miền tử biệt.

 

Người đàn ông ngồi cạnh tôi không chấp nhận kết cục này: “Christine đâu cần phải làm như thế!”, anh nói. Nhà biên kịch Andrew Lloyd Webber có quá đáng không khi cải biên đoạn kết này? Trong tiểu thuyết của Leroux, cuộc mặc cả giữa “Con ma” và Christine diễn ra trong gian phòng chính, còn Raoul đang bị giam trong phòng tra tấn nóng hầm hập, nhưng không phải chứng kiến cảnh người yêu hôn kẻ gớm ghiếc, cuồng si.

 

Kịch bản của Webber khi được trình diễn tại Her Majesty’s Theatre ở London, Anh quốc, vào ngày 27.9.1986, đã nhận được sự tán thưởng cuồng nhiệt. Đầu năm 1988, Con ma nhà hát được trình diễn tại Majestic Theatre ở New York, Mỹ. Từ đó đến nay, vở nhạc kịch này nhận được vô số giải thưởng đỉnh cao khắp toàn cầu và trở thành tác phẩm được công diễn lâu nhất tại sân khấu Broadway ở New York, cán mức 10.000 buổi biểu diễn vào tháng 1.2013. Tuyệt tác này cũng vượt mốc 10.000 buổi diễn tại Nhà hát West End ở London hồi tháng 10.2010.

 

Khi ra mắt tại London vào tháng 9.1986, báo The Times gọi Con ma nhà hát của Webber là “Quà tặng của Thượng đế cho sân khấu nhạc kịch”. Trải qua gần 27 năm, nhận xét này có lẽ vẫn không giảm phần giá trị, nếu không muốn nói là được cộng thêm nhờ sự hỗ trợ của công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại. Mỗi điểm, mỗi vệt sáng, tối trên sân khấu là một điểm nhấn tinh tế cho khuôn mặt “Con Ma” càng thêm ma quái, cho mặt hồ dưới lòng nhà hát lung linh mà huyền bí đến rợn người, cho Nhà hát Paris thêm lộng lẫy, huy hoàng… Sự đầu tư dàn dựng công phu, quy mô, tái hiện Nhà hát Opera Paris từ góc này đến góc khác; sự chăm chút từng chi tiết nhỏ trên 230 bộ trang phục quý phái, kiêu sa cho dàn diễn viên và nhạc công đến 130 người… đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra món “Quà tặng của Thượng đế” đáng giá này.

 

Đến khó tính và “chúa ghét” nhạc kịch như người đàn ông ngồi cạnh tôi cũng phải thừa nhận là giọng ca vàng và trong vắt của các diễn viên, cộng với sự hỗ trợ của âm thanh và ánh sáng, đã hoàn toàn chinh phục anh. Và, có lẽ, đây là lần đầu tiên, trái tim khô cằn của anh lại thổn thức trước tình yêu, để thấy rằng phải chứng kiến cảnh người yêu hôn một người đàn ông khác là điều thật khó khăn!

 

Tác phẩm của Webber đã được chuyển ngữ ra 15 thứ tiếng khác nhau để đến với khán giả tại 145 thành phố thuộc 27 quốc gia. Đây là lần thứ hai vở diễn này đến Singapore, lần đầu vào năm 2007. Thủ vai “Con ma” là diễn viên gạo cội Brad Little, người đã diễn vai này đến gần 2.300 lần. Cùng diễn với anh là Claire Lyon (vai Christine Daaé) và Anthony Downing (vai Raoul), hai diễn viên lần đầu đến Singapore trong vở Con ma nhà hát, nhưng cũng là những tài hoa thượng thặng trong làng giải trí Anh ngữ của thế giới. Tour lưu diễn Singapore bắt đầu từ hôm 16.7 và kéo dài đến đầu tháng 9.2013.

 

 

 

Thục Minh - (Văn phòng Singapore)