Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
316
123.262.033

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Những thiết kế nặng lòng với Hoàng Sa
Đồ án của tác giả mã số TH1504 với ý tưởng “Chiếc thuyền của hải đội Hoàng Sa” - Ảnh BTC cung cấp Cuộc thi thiết kế nhà trưng bày Hoàng Sa chỉ sau một tháng phát động có tới 43 đồ án gửi về dự thi. Ban tổ chức hết sức bất ngờ khi mỗi ý tưởng thiết kế của nhiều kiến trúc sư trẻ gửi về đều thấm đẫm tinh thần yêu nước, nặng lòng với Hoàng Sa.

 

 

Theo ban tổ chức, giới kiến trúc sư trẻ ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng gửi nhiều đồ án nhất. Đặc biệt, cuộc thi còn nhận được một đồ án đến từ đất nước Nhật Bản. Mặc dù không phải là công dân VN nhưng đồng cảm với câu chuyện “chủ quyền” đang là vấn đề nóng, những người bạn từ Công ty Raito Sekkei (Nhật Bản) là một trong những đơn vị gửi đồ án về UBND huyện Hoàng Sa sớm nhất. Các kiến trúc sư Nhật Bản lấy ý tưởng từ con dấu chủ quyền lịch sử, sắc chỉ của vua Minh Mạng lập hải đội đến Hoàng Sa vào năm 1835 để minh chứng mốc chủ quyền Hoàng Sa của VN.

"Bên cạnh yếu tố chuyên môn, chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự tâm huyết của giới kiến trúc sư nước nhà đối với Hoàng Sa"

Ông Đặng Công Ngữ 
(chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa)

Khác với những người bạn Nhật, lớp kiến trúc sư trẻ VN muốn khắc sâu vào công trình này một truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết của người Việt trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Các kiến trúc sư của đồ án GN 432 nêu ý tưởng: “Công trình là một khối vuông nằm trên mặt nước chiếm gần như trọn khu đất được lấy ý tưởng từ nhà giàn [...], công trình như một tác phẩm điêu khắc tạo cho khách tham quan một cảm giác vững chắc nhưng không kém phần tinh tế và hoài niệm”.

Riêng nhóm tác giả đồ án MC 2704 mong muốn cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo phải là trách nhiệm, sự đồng lòng của 54 dân tộc anh em với 54 cây cột tròn. Toàn khối công trình của nhóm được đặt trên một hồ nước tượng trưng cho hình ảnh quần đảo Hoàng Sa trên biển Đông.

Một kiến trúc sư có đồ án tham gia cuộc thi tâm sự: “Khi nghe TP Đà Nẵng phát động cuộc thi này, anh em kiến trúc sư trẻ của công ty chúng tôi tổ chức họp bàn để tìm ra ý tưởng thiết kế. Trong những ngày bàn luận đó, trong đầu chúng tôi luôn nghĩ về Hoàng Sa của Tổ quốc. Chúng tôi đến với cuộc thi này không phải nhắm đến giá trị giải thưởng mà khát khao được đóng góp. Chúng tôi mong rằng đồ án mình sẽ được chọn và chúng tôi sẽ đồng hành với huyện Hoàng Sa để hoàn thành công trình ý nghĩa này”.

Nói về tấm lòng của các kiến trúc sư trẻ đối với công trình này, ông Lê Phú Nguyện - chánh văn phòng UBND huyện Hoàng Sa - kể có một kiến trúc sư trẻ từ TP.HCM xin nghỉ làm một ngày để ra Đà Nẵng trực tiếp gửi đồ án dự thi chứ không gửi qua đường bưu điện vì sợ thất lạc. Bởi đồ án của anh là sự đóng góp ý tưởng của nhiều bạn bè với kỳ vọng được đóng góp phần trách nhiệm công dân với Tổ quốc mình.

Để đảm bảo tính khách quan của giải, ban tổ chức giữ bí mật tên của các tác giả, nhóm tác giả cho đến ngày trao giải 19-1. Tác giả đoạt giải nhất sẽ được trao giấy khen của chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa và một cúp chủ quyền biển đảo kèm theo tiền thưởng 20 triệu đồng.

Ông Đặng Công Ngữ - chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa - chia sẻ: “Các kiến trúc sư gửi đồ án đều rất xúc động bày tỏ trách nhiệm của mình với đất nước. Quy mô cuộc thi và số người tham gia vượt trên cả sự mong đợi của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ thành lập hội đồng gồm các kiến trúc sư giàu kinh nghiệm, uy tín để tìm ra một đồ án có ý nghĩa nhất”.

HỮU KHÁ

 

Khách tham quan xem các bản đồ, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa tại Bảo tàng Đắk Lắk - Ảnh: TR.T.

 

Triển lãm về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Ngày 6-1, Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của VN - những bằng chứng lịch sử. Đây là cuộc triển lãm thứ năm về chủ đề này, sau các cuộc triển lãm ở Hà Tĩnh, Thái Nguyên, thủ đô Hà Nội, TP.HCM.

Triển lãm lần này có cập nhật thêm các bản đồ, tư liệu với gần 200 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật là những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đáng chú ý trong đó có bốn cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (bằng tiếng Anh, do phái bộ truyền giáo Trung Hoa xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (do phái bộ Trung Hoa lục địa xuất bản năm 1917), Trung Quốc bưu chính dư đồ (bằng ba thứ tiếng Trung - Anh - Pháp, do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1919), Trung Hoa bưu chính dư đồ (cũng bằng ba thứ tiếng Trung - Anh - Pháp và do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do chính nhà Thanh vạch ra năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục các năm sau đó. Tư liệu trong bốn cuốn atlas này thể hiện đường vận chuyển, biên giới của Trung Quốc vào thời kỳ đó. Đặc biệt, các cứ liệu của chính Trung Quốc đều chứng tỏ Trung Quốc không có liên quan gì đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ gọi là Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), cũng như những vùng biển thuộc chủ quyền của VN ở biển Đông. Ngoài ra, tấm bản đồ tỉnh Quảng Đông trong Postal atlas of China 1919 thể hiện rõ cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đông lúc bấy giờ.

Triển lãm thể hiện nguyện vọng của nhân dân VN trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và khẳng định ý chí quyết tâm của người dân VN trong việc bảo vệ mỗi tấc đất, biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

TR.T.

 

Links: replica watches uk, Fake Rolex  

HỮU KHÁ - TT0
Tin tức khác