Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
375
123.261.325

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Miền hoang dã: Ngôi làng sống bằng... máu
Một phụ nữ Maasai đang chuẩn bị lấy máu bò - Ảnh: Trần Trường Tôi Viết Theo chân đoàn du khách Việt Nam đầu tiên do Công ty du lịch Thanh niên xung phong (VYC Travel) tổ chức, tôi đã được khám phá một thế giới hoang dã ở miền biên giới hai nước Kenya và Tanzania.
 

 

 

Cuộc sống thuở hồng hoang

Ngoài sức tưởng  tượng, khi từ thủ đô Nairobi của Kenya xuôi về biên giới phía nam giáp với Tanzania, chúng tôi đã ghé thăm một ngôi làng sống như thuở hồng hoang thuộc bộ lạc Maasai.

Làng có tên là Kasoe thuộc hạt Narok. Cả làng có 87 nhân khẩu nhưng đều thuộc huyết thống của trưởng làng Kasoe và con trai ông là Soyianjet.  Đón chúng tôi, trong trang phục truyền thống màu đỏ sặc sỡ của người Maasai, Soyianjet cho biết cha anh qua đời cách đây mấy năm, để lại 7 bà vợ và 42 đứa con, trong đó anh là con của bà vợ đầu tiên, nên giờ anh nghiễm nhiên trở thành trưởng làng. Bản thân anh hiện giờ mới chỉ có... 2 vợ và 5 đứa con.

Gọi là làng và có tên hẳn hoi, nhưng tất cả đường đi, những ngôi nhà đều làm từ phân bò, chỉ duy nhất “cổng” làng  và “thành” làng là làm bằng những nhánh cây khô chất cao khoảng nửa thân người lớn, mà theo Soyianjet, để tránh thú dữ tấn công về đêm vì chỉ cần đứng từ ngôi làng này cũng có thể nhìn thấy hàng đàn thú với nhiều loại đang nhởn nhơ chạy nhảy xung quanh.

Chúng tôi bước vào cổng làng lúc mặt trời đã ngả về tây, tất cả mùi phân bò, mùi da thú như xộc thẳng vào mũi. Những đứa bé lòng thòng mũi dãi, ruồi bu đầy mặt mũi tóc tai khóc ré lên chạy trốn khi tôi đưa máy ảnh lên và ngoắc tay muốn chụp cùng các bé một tấm hình. Cuối cùng thì cũng có cái để “dụ” các bé, như bao đứa trẻ trên thế giới này: kẹo. Những bàn tay thật nhỏ bé, những thân hình thật nhỏ bé giữa trời đất bao la của châu Phi sao nghe như lòng mình có chút gì đó rưng rưng…

Ngôi làng chu vi khoảng chừng 500 m và có khoảng 40 căn nhà. Gọi là nhà nhưng thật ra nhìn giống như những hộp diêm khổ lớn được lợp và trát bằng phân bò, theo lời Soyainjet thì mưa không thấm, nắng không nóng và chống được cái lạnh vào mùa đông. Tất cả những ngôi nhà và kể cả chuyện chăn nuôi gia súc (chủ yếu là bò, cừu, dê) đều do những người phụ nữ Maasai đảm trách.

Soyianjet dẫn tôi vào ngôi nhà của anh. Lách qua song cửa hẹp, tôi phải nhắm mắt rất lâu mới mở ra mà vẫn không thấy gì. Hóa ra có 2 lỗ thông ánh sáng nhỏ như nút chai bia mà Soyianjet chưa kịp mở. Hai cái lỗ bé xíu này sẽ được mở để lấy ánh sáng vào ban ngày và được bịt lại vào ban đêm để ngăn không cho muỗi bay vào. Những miếng da bò, da cừu, da dê ghép lại thành chăn, mền, giường chiếu. Một bếp lửa và những vật dụng sơ sài như thời tiền sử. Đến đây thì tôi càng ngạc nhiên hơn khi cái làng này vẫn chưa chịu xài lửa từ những chiếc hộp quẹt, mà vẫn dùng một mảnh sắt, một cái cây và bùi nhùi của vỏ cây để tạo lửa. Tôi đã vò nát cả cái cây và hai bàn tay đỏ lự mà không có tí lửa nào, đến khi một chàng trai của làng chỉ cần 2 phút đã “đánh” lên ngọn lửa xanh rực rỡ!

Lấy máu làm thức uống

Một ngạc nhiên nữa, đó là phần lớn người ở ngôi làng này chỉ ăn thịt và uống máu thú vật pha với sữa bò chứ không dùng bất cứ thứ ngũ cốc nào. Thịt bò, dê và cừu là thức ăn chính của họ hằng ngày, nhưng  họ thường uống máu của những con thú này ít nhất là 3 lần một tuần. Và cũng đừng nghĩ là họ sẽ giết bò, dê, cừu để lấy máu mà uống. Một phương pháp chắc chỉ có người Maasai mới nghĩ ra, đó là dùng một vật sắc bén cứa vào phần thân hoặc cổ của con bò để lấy máu, sau đó dùng phân của chính con vật đó đắp lên vết thương chữa lành cho nó. “Máu này khi hòa với sữa sẽ làm no cái bụng được mấy ngày và người rất khỏe”, Soyianjet cho biết.

Câu chuyện với Soyianjet chưa dứt thì cơn mưa bất chợt ập đến, nên chúng tôi nhanh chóng rời khỏi ngôi làng bởi vì không thể tìm đủ chỗ để tránh mưa, và dưới chân chúng tôi hàng hàng lớp lớp phân bò đang sắp bị chảy nhão ra vì nước mưa.

Khi chúng tôi lên xe, Soyianjet và một vài thanh niên trong làng còn chạy theo nói rằng anh rất muốn “chiêu đãi” đoàn du khách từ Việt Nam một bữa... máu bò nếu có thời gian. Chúng tôi hứa sẽ quay lại. 

Sáng hôm sau tôi và anh Trần Văn Trường, Tổng giám đốc VYC Travel quyết định trở lại làng Kasoe để xem cách “xin tí huyết” bò như thế nào. Thật đơn giản khi họ dùng một con dao bé, sắc nhọn rồi một tay vỗ vỗ vào đầu bò, tay kia nhanh như cắt cứa lên thân bò và thế là máu chảy ra có vòi. Họ dùng những cái chén bằng gỗ hứng máu rồi đổ sữa vào, uống ngon lành. Thật ái ngại vô cùng khi cả hai chúng tôi đều đành từ chối vì cái tội… nhát máu của mình.

Thật là khó có thể hình dung với chúng ta, nhưng biết đâu đó chính là niềm hạnh phúc của những con người ấy. Hay như Soyianjet nói: “Chúng tôi không muốn sống khác hơn những gì ông cha chúng tôi đã từng sống!”. (còn tiếp)

 

 

 

 

 

Cao Minh Hiển (từ Kenya) - TN0