Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
515
123.259.976

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Festival Huế: Gặt được gì sau những mùa gieo hạt?
Đường phố Huế trở nên náo nhiệt không khí hội hè khi các đoàn nghệ thuật đủ các sắc màu xuống phố vui chơi cùng người dân. Trong ảnh: Đoàn cà kheo đến từ Vương quốc Bỉ - Ảnh: Tiến Long Đêm qua 20-4, Festival Huế 2014 đã bế mạc sau chín ngày đêm hội hè tưng bừng. Khép lại một mùa festival quy mô nhất, một “đại tiệc” với nhiều “của ngon vật lạ” đến từ năm châu bốn biển.

 

 

Chính vì vậy mà câu hỏi về hiệu quả của lễ hội càng được đặt ra ráo riết hơn.

Cảm xúc từ những ngày đêm hội hè say mê vẫn còn dâng cao nên những con số về du khách đến Huế, về công chúng đến với festival (hơn 2,4 triệu lượt người)... mà ban tổ chức Festival Huế đưa ra, có lẽ cần phải có thời gian để lắng lại. Cái được lớn nhất của Festival Huế, qua tám mùa hội hè, là đã thật sự tạo nên một lễ hội mới cho Việt Nam, đặc sắc và hấp dẫn. Trong khi “festival” nở rộ ở khắp nơi với đủ loại “fest”, thì Festival Huế đã định hình được hình hài của mình.

 

Một vùng lễ hội

 

Hơn 40 tỉ đồng

* Theo ban tổ chức công bố tại lễ bế mạc, trong chín ngày festival có 23 vạn khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có hơn 10 vạn khách quốc tế là công dân đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ.

* Ông Ngô Hòa cho biết tổng chi phí cho Festival Huế 2014 khoảng hơn 40 tỉ đồng; nhưng nguồn thu từ tài trợ và bán vé đã bù được hơn 60% số tiền này. Như vậy, ngân sách tỉnh chỉ phải chi ra khoảng 16 tỉ đồng, chủ yếu chi cho việc lắp đặt thiết bị kỹ thuật biểu diễn, ăn ở, đi lại cho các đoàn nghệ sĩ...

Với gần 100 chương trình văn hóa - nghệ thuật với khoảng 170 suất diễn trên các sân khấu, hàng chục hoạt động hưởng ứng (triển lãm, trưng bày, hội thảo, hội chợ, giao lưu...), Festival Huế 2014 được ban tổ chức đánh giá là quy mô nhất, nhiều chương trình nhất, diễn ra trên khắp cả tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hội tụ khoảng 1.400 nghệ sĩ đến từ 38 quốc gia của đủ năm châu lục, với đủ loại hình văn hóa - nghệ thuật, có thể nói “thực đơn” của Festival Huế 2014 rất phong phú, đa dạng. Nhưng cũng vì vậy mà có ý kiến cho rằng chương trình quá nhiều mà chất lượng không đều, thiếu những “món ngon” đặc biệt để tạo ấn tượng mạnh.

 

Khác với nhiều lần trước, chương trình chất lượng cao tập trung nhiều ở các điểm diễn có bán vé (Đại Nội, cung An Định), năm nay ban tổ chức đã đưa nhiều chương trình hay ra diễn ở sân khấu cộng đồng ở các công viên, hè phố, khu đô thị mới và về tận các làng quê, miền núi. Giá vé ở các điểm diễn cũng chỉ ở mức 100.000 đồng/người. Người dân Huế không còn đứng xem nữa mà đã hòa mình thật sự vào lễ hội. Say mê nhất trong những ngày lễ hội là sân chơi hưởng ứng, được gọi là chương trình Off - không bán vé. Đó là sân chơi các cựu nữ sinh Đồng Khánh, Thành Nội với chương trình Hát với phố xá thênh thang; là trò chơi của những sinh viên trường mỹ thuật bày giá vẽ bên phố đi bộ để vẽ chân dung cho du khách; của những ông đồ trẻ với nghiên mực, bút lông bên công viên Thương Bạc viết chữ tặng khách. Đó là những họa sĩ, nhiếp ảnh gia từ khắp nơi lục tục mang tác phẩm của mình về đây bày biện và cùng vui chơi với hội hè xứ Huế... Không khí hội hè đình đám sôi nổi không chỉ nằm ở các sân khấu, mà còn đến từ các đám đông cuồng nhiệt trên đường phố, ngoài công viên, trên phố đi bộ bên bờ sông Hương...

 

“Hội hè là như thế, là do chính đám đông cuồng nhiệt, mê say tạo ra”, họa sĩ Võ Xuân Huy (Trường ĐH Nghệ thuật Huế) nói. Hay nói cách khác, chính người dân làm ra lễ hội chứ không phải chỉ từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp hay từ cơ quan nhà nước. Và Festival Huế, dù chỉ mới qua tám kỳ hội hè, đã làm được điều quan trọng đó.

 

Vẫn còn nỗi lo

 

Mười bốn năm trước, trong lễ bế mạc Festival Huế lần đầu tiên (năm 2000), ông đại sứ Pháp tại Việt Nam bấy giờ, với tư cách là đối tác chính của sự kiện này, đã có một câu nói rất đáng nhớ: “Festival này là mùa gieo hạt, gieo hạt cho nhiều mùa sau!”. Nhưng đến Festival 2014 này là mùa thứ tám, có thể nói là “mùa gieo hạt” nữa không? Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như ban tổ chức lễ hội này đã nhiều lần khẳng định rằng mục tiêu sau cùng của Festival Huế là thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút nhiều du khách đến Huế. Vậy mục tiêu đó đã đạt được chưa?

Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Hòa - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trưởng ban tổ chức Festival Huế - khẳng định du lịch Huế đã thật sự thay đổi và phát triển qua các mùa festival. Riêng Festival 2014, ông Hòa cho biết du khách đến Huế đã tăng 25% so với Festival 2012, bình quân mỗi ngày có khoảng 8.000 lượt khách đăng ký lưu trú. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng Festival Huế là một sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh Huế và Việt Nam với bạn bè năm châu, trong một chiến lược lâu dài, nhằm xây dựng điểm đến cho du khách các nước. Vì vậy, không thể đánh giá hiệu quả của hoạt động này chỉ trong chín ngày lễ hội, hay chỉ qua vài mùa festival.

 

Nếu như thế, Festival Huế 2014 vẫn còn là “mùa gieo hạt” chứ chưa phải là “mùa thu hoạch”. Và vì vậy, các con số du khách đến Huế tăng lên trong những ngày festival mà ban tổ chức hồ hởi thông báo chưa phải là điều mà người dân Huế yên tâm. Về hiệu quả quảng bá, giám đốc một công ty lữ hành ở Huế cho biết truyền thông trong nước thì rất tốt, nhưng truyền thông quốc tế về Festival Huế hầu như rất vắng lặng. Phóng viên Tuổi Trẻ đã phỏng vấn bảy du khách nước ngoài, và cả bảy người này đều cho hay đến khi có mặt ở Huế họ mới biết nơi đây đang có một lễ hội thú vị như thế này. Vị này cũng cho biết thêm thời điểm tháng tư vẫn còn mùa khách quốc tế, cùng với mùa nghỉ tết của khách Thái Lan, nên có thể không cần có Festival Huế, khách quốc tế vẫn cứ đến Huế.

 

Băn khoăn chệch hướng xây dựng “thành phố festival”

Tại hội thảo Xây dựng Thừa Thiên - Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch và hướng đến Festival Huế tổ chức chiều 14-4, ông Nguyễn Xuân Hoa - nguyên phó ban tổ chức Festival Huế từ năm 2000-2006, cho rằng Festival Huế đã đi chệch hướng. Thay vì tập trung xây dựng các mục tiêu và nhiệm vụ của đề án xây dựng Huế - thành phố festival đặc trưng của VN mà Thủ tướng đã phê duyệt từ năm 2007, thì tỉnh Thừa Thiên - Huế lại chỉ tập trung đầu tư chương trình cho từng kỳ festival “năm sau lớn hơn năm trước”.

Trả lời về ý kiến này, ông Ngô Hòa - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiêm trưởng ban tổ chức Festival Huế 2014 - cho rằng việc này cần phải có chiến lược. “Festival Huế chỉ là sự kiện để tạo ra cơ hội cho việc xây dựng thành phố festival” - ông Hòa nói.

Theo đề án, mô hình “thành phố festival” phải thành hình với một bộ máy quản lý, điều hành, thực hiện festival cùng với một nguồn nhân lực chuyên nghiệp được đào tạo cơ bản. Cùng với một hệ thống thiết chế văn hóa (nhà hát, bảo tàng...) được xây dựng hoàn chỉnh; các hoạt động văn hóa, du lịch, dịch vụ trở thành các ngành kinh tế chủ đạo... Các nhiệm vụ đó đang là một thách thức cho Huế khi năm 2015 là kết thúc giai đoạn hai của đề án.

 

 

NHÓM PHÓNG VIÊN TẠI HUẾ - TT0