Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
611
123.257.925

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Chưa xử lý rốt ráo linh vật ngoại lai trong di tích
Tượng uyên ương tại Hoàng Thành Thăng Long - Ảnh: Ngọc Thắng Các nhà nghiên cứu nhìn nhận, chúng ta từng một thời coi thường biểu tượng trang trí tâm linh, rồi lại không ngăn chặn kịp thời văn hóa ngoại lai tràn vào di tích. Đến khi nhận ra thì việc xử lý các linh vật ngoại lai vẫn còn lúng túng.
 

Trong các cuộc trưng bày di vật của Hoàng thành Thăng Long, không một ai có thể rời mắt khỏi mảnh ngói trang trí biểu tượng uyên ương bằng đất nung. Một vẻ đẹp hoàn hảo. Ngay khi phát hiện, các nhà khoa học đặt ra câu hỏi, nó là biến thể của ngỗng thần Hamsa hay là một linh vật bản địa bắt nguồn từ loài chim nước trên trống đồng Đông Sơn nổi tiếng.

 

“Mặc dù uyên ương rất phổ biến trong nghệ thuật vùng Viễn Đông, nhưng trong các cung điện Trung Hoa, Nhật Bản hay Triều Tiên chưa bao giờ chim uyên ương được hiện diện trên các bộ mái”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hà, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, cho biết tại hội thảo về linh vật chiều 22.11 ở Hà Nội.

 

“Đại dịch sư tử đá”

 

Sự tiếp thu văn hóa nước ngoài vào văn hóa Việt đã khiến nhiều nét văn hóa nước ngoài có mặt tại VN. Chúng có thể được biến hóa khéo léo, hoặc giả được sao chép cứng nhắc, không phù hợp. Chẳng hạn, theo TS Nguyễn Việt (Trung tâm tiền sử Đông Nam Á), khảo sát cho thấy sự xuất hiện linh thú ngoại lai là điều bình thường. “Quan trọng là ở sự khớp hòa nhập giữa linh thú ngoại lai với tâm linh bản địa hay không”, ông Việt nói.

TS Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm) đánh giá “đại dịch sư tử đá” là một sự không hòa nhập với tâm linh bản địa. Theo ông Dương, nếu sư tử Việt thường được đặt dưới bệ tu di tòa (tòa sen trên đỡ tượng Phật) tức là nó thuộc không gian văn hóa Phật giáo, là linh vật dùng để hộ pháp. Thời Trần, tượng sư tử còn được đặt ở các bậc tam cấp, trước cửa ra vào, như để bảo vệ lãnh thổ nước Phật.

 

Trong khi đó, các tượng sư tử Trung Quốc cơ bắp cuồn cuộn, bờm râu dữ dằn, nhe răng đe dọa. Các loại sư tử này là biểu tượng của giới công quyền và thương gia, quyền lực và sự phồn vinh vật chất.


Linh vật lạ tại cổng làng Mễ Trì thượng (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Chưa di tích nào nhận "án phạt"

 

Họa sĩ - Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, đặt câu hỏi tại sao người dân “quên” những biểu tượng trang trí Việt vốn có trong quá khứ. Theo ông, có một thời ấu trĩ trong nhận thức, chúng ta đã quay lưng với hoạt động tôn giáo, tâm linh dẫn đến việc quên hay làm hư hại di sản văn hóa dân gian. “Từ đó các biểu tượng trang trí cũng bị lãng quên hay coi thường”, ông Huy giải thích. Cũng theo ông Huy, di sản văn hóa cung đình Huế cũng từng bị coi là lai căng. Do đó, một thời gian dài, biểu tượng trang trí và tâm linh thuần Việt ít được quan tâm.

Nhưng sau những điều đó, hiện việc xử lý vẫn còn đang ở mức vận động, chưa cương quyết. Thanh tra văn hóa cho biết họ vẫn đang tiếp tục thanh tra, nhắc nhở, vận động. Cho đến nay, chưa một di tích nào nhận “án phạt” vì việc để lọt “dị vật” vào.

“Không được để ở chùa thì họ lại mang ra đình”

 

Chia sẻ với Thanh Niên bên lề hội nghị, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, lo ngại rằng sẽ khó loại bỏ linh vật ngoại lai khỏi các di tích nếu chính sách không triệt để. Trên thực tế, ông Huy đã gặp trường hợp khi đoàn kiểm tra đi khỏi thì người dân ở Hà Tĩnh cũng chuyển linh vật ngoại lai đi chỗ khác. “Tuy nhiên, bị nhắc nhở không được để ở chùa thì họ lại mang ra đình”, ông Huy nói. Chính vì thế, chính sách, theo ông Huy rất cần cụ thể. Cụ thể cả ở chỗ, nếu đã buộc phải mang đi thì phải xử lý nó thế nào. Có vậy mới tránh được chuyện bắt cóc bỏ đĩa.

Về điều này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng lâu nay chúng ta không hướng dẫn, định hướng cho quy trình xã hội hóa. Vì thế, từ yếu tố tích cực, nó lại dẫn đến việc méo mó di tích vì hiện vật cung tiến.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, đề xuất: “Có lẽ các di tích nên có danh sách các hiện vật cần cung tiến, được các cơ quan quản lý và nhà nghiên cứu đồng ý. Từ đó, ai muốn cung tiến cũng thuận lợi hơn”.

 

 

 

 

Trinh Nguyễn - TN0