Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
423
123.253.233

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
In sách sao cho không bị thiệt thòi?
Việc tác giả Lê Hữu Nam nghi ngờ tác phẩm của mình - quyển Mật ngữ rừng xanh, vừa phát hành ngày 9-7-2015 - bị in vượt số lượng so với hợp đồng đang làm dấy lên nhiều ý kiến từ dư luận.

 

 

Câu chuyện không mới, nhưng mối nghi ngại giữa người viết sách và người làm sách vẫn cần được trở lại để tìm một lối ra.

Câu chuyện in không đúng số lượng đã tồn tại từ rất lâu, bởi mối quan hệ giữa nhà in và khách hàng đặt in chặt chẽ hơn bất kỳ mối quan hệ nào giữa nhà in và cơ quan quản lý nhà nước.

Đây cũng là một lý do để Luật xuất bản 2012 đã có những thay đổi đáng kể nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động in xuất bản phẩm.

Tuy nhiên, trong giới tác giả và các đơn vị làm sách từ lâu đã tìm hướng đi ổn thỏa hơn cho việc “phối hợp làm ăn” mỗi khi xuất bản sách. Đó là tác giả bán bản quyền sách một lần tính theo thời gian.

Giá trị hợp đồng tính “trọn gói” và phía tác giả nhận tiền một lần, phía đầu tư xuất bản được phép in trong bao nhiêu năm cụ thể. Sau thời hạn đó, nếu muốn, hai bên lại ký tiếp hợp đồng.

Chọn hình thức ấy, phía tác giả không phải băn khoăn sách mình in thực tế bao nhiêu quyển vì nhuận bút tính theo tỉ lệ phần trăm trên số bản in.

Hợp đồng trọn gói này đòi hỏi phía tác giả phải có kinh nghiệm thương lượng để làm hợp đồng, vì giá trị hợp đồng có liên quan đến con số ấn bản tối thiểu mà phía mua bản quyền in được trong thời hạn hợp đồng.

Nếu không có kinh nghiệm, hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận này. Tất nhiên không phải tác giả sách nào cũng sành sỏi các vấn đề thị trường, pháp lý trong các hợp đồng tác quyền, cho nên những năm gần đây có nhiều văn phòng luật sư, nhiều cơ quan hỗ trợ pháp lý về lĩnh vực xuất bản ra đời, mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu của các tác giả “in sách sao cho không bị thiệt thòi”.

Trong thực tế xuất bản, những đơn vị có ý thức xây dựng thương hiệu bằng cách tạo niềm tin với đối tác thường chọn cách minh bạch các số liệu với đối tác.

Bà Thủy - đại diện Công ty sách Phương Nam - cho biết có những hợp đồng mua trọn gói quyền xuất bản trong thời hạn một số năm, trong trường hợp này thì tác giả không cần biết mình in bao nhiêu, vì phía công ty trả số tiền tác quyền một lần và thường rất lớn.

“Tất nhiên mình phải ước tính quyển này có thể in bao nhiêu bản trong đợt đầu, và có thể tái bản trong bao nhiêu năm… Và mình cũng chia sẻ tất cả kế hoạch dự kiến in như thế nào cho tác giả biết”.

Dù vậy, theo bà Thủy, hiện nay trường hợp tính nhuận bút theo tỉ lệ giá bìa trên số lượng in vẫn phổ biến, chủ yếu là phía công ty làm sách minh bạch các số liệu để tạo uy tín cho thương hiệu và cũng đạt được niềm tin với đối tác, như quyển Nếu biết trăm năm là hữu hạn của tác giả Phạm Lữ Ân đã tái bản đến hơn mười lần, mỗi lần tái bản đều thông báo và tính nhuận bút đầy đủ cho tác giả.

Câu chuyện in vượt số lượng của các đơn vị làm sách vốn đã cũ, cách suy nghĩ “một mình làm tất cả mọi việc” lại còn cũ hơn, nhưng rất tiếc nhiều người vẫn chưa có cách nghĩ khác, nên trong làng xuất bản lâu lâu lại có một vụ từ phía tác giả “tố cáo” đơn vị xuất bản in vượt số lượng.

Trong khi lẽ ra việc in vượt số lượng so với báo cáo của nhà in và đơn vị làm sách là vi phạm pháp luật, trước hết là làm thất thoát thuế, và cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm không để điều này xảy ra.

Còn tác giả thì có thể ứng xử bằng cách nhờ luật sư bảo vệ mình trong các hợp đồng xuất bản cụ thể, để không phải vất vả đi tìm hiểu thị trường và làm đơn tố cáo.

Nghi ngờ sách bị in vượt số lượng

Công ty Bách Việt - đơn vị hợp đồng đầu tư và liên kết xuất bản quyểnMật ngữ rừng xanh (NXB Dân Trí cấp phép) - đang bị nghi ngờ phát hành một lượng sách không đúng theo hợp đồng in 1.000 quyển.

Tác giả Lê Hữu Nam cho biết phần sách anh nhận theo tiêu chuẩn tác giả (50 quyển) và chính anh mua thêm để quảng bá thông điệp nhân văn về môi trường và bảo vệ muông thú từ quyển sách, tổng cộng lên đến 945 quyển. Thế nhưng khi Lê Hữu Nam tìm hiểu trên thị trường, theo anh, “tại các nhà sách trên toàn quốc vẫn đang còn Mật ngữ rừng xanhđược bày bán trên quầy...”.

Trong thư gửi các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý xuất bản, Lê Hữu Nam nêu vấn đề nghi ngờ Bách Việt: “Như vậy khó có thể đo đếm được tổng số lượng phát hành thực tế mà Bách Việt đã in ngay từ lần đầu”.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Huy - giám đốc Công ty sách Bách Việt - nói: “Tôi cho rằng Lê Hữu Nam có thể đã nắm các con số bị trùng, vì có một số nơi khi chúng tôi giao hàng xong thì Nam đặt mua 750 cuốn sách, nên chúng tôi đã rút sách (từ đại lý phát hành - PV) lại để bán cho Nam. Chúng tôi chỉ in 1.000 bản, có trừ hao thì cũng dôi ra không quá 10%. Vụ việc này chúng tôi đang sắp xếp gặp Lê Hữu Nam để giải quyết ổn thỏa, còn nếu Nam kiện ra tòa thì tôi sẵn sàng đi hầu kiện thôi”.

 

* Ông Phạm Sỹ Sáu (phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM):

Thật ra việc in quá số lượng đối với các đơn vị làm sách tư nhân thiếu đứng đắn là chuyện bình thường lâu nay.

Còn đối với các tác giả trẻ, lời khuyên tốt nhất là nên tìm đến các công ty xuất bản lớn hoặc các nhà xuất bản có uy tín, và làm việc thẳng thắn với các đơn vị xuất bản này.

Đừng tin vào những lời hứa khi bản thân mình không có cách nào kiểm soát được việc các đơn vị làm sách thực hiện nội dung hợp đồng như thế nào.

Người ta có thể lấy bản thảo của anh bằng những lời hứa rất tốt đẹp và rồi người ta không thực hiện lời hứa khi đã cầm bản thảo trong tay.

Cho nên cách tốt nhất là gửi gắm bản thảo của mình cho các đơn vị làm sách chân chính, nghiêm túc.

 

 

LAM ĐIỀN, lamdien@tuoitre.com.vn - TT0