Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
571
123.246.814

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Ký ức giao thông Hà Nội xưa
Cầu Long Biên chụp năm 1940 ẢNH: H.FORMAN Thời vua Tự Đức, Hà Nội chỉ có vài đường ở khu vực “36 phố phường” lát gạch, còn lại là đường đất chật hẹp, chợ lấn hết lối đi. Không có quy định nên người và phương tiện tham gia giao thông theo tinh thần đạo đức truyền thống “dưới nhường trên” và “người đàng hoàng giữa đàng (đường) mà đi”.

 

 

Ban hành quy chế trật tự trị an

Từ khi Pháp chiếm thành và tỉnh Hà Nội, lập TP.Hà Nội thuộc Pháp thì đi lại và phương tiện thay đổi, chính quyền quản lý bằng luật.

Để đảm bảo trật tự an ninh ngày 18.2.1884 chính quyền thuộc địa đã thành lập cơ quan cảnh sát Hà Nội, Quy chế về trị an và lục lộ của thành phố. Điều 1 của quy chế quy định: chủ nhà và người thuê hằng ngày phải dọn dẹp quét phần đường công cộng phía trước nhà. Điều 2: nghiêm cấm không được chăn thả gia súc để trâu bò ăn ở trên đường công cộng cũng như dắt đàn gia súc trên phố từ 7 đến 11 giờ sáng và từ 5 đến 8 giờ tối. Cấm chạy ngựa nơi công cộng, không cưỡi ngựa hàng hai, người đi bộ không được phép đi giữa đường vì dành cho xe cộ và xe ngựa, người đi bộ và phương tiện đi bên phải đường, vi phạm sẽ bị xử theo điều 471, 472, 473, 474 bộ luật Hình sự nước Pháp.

 

Không còn nạn cướp phá của quân Cờ Đen và dân số tăng lên nên ngày 29.3.1892 chính quyền thành phố ra nghị định điều chỉnh lực lượng cảnh sát, theo đó tổng số cảnh sát người Pháp và người Việt ở Hà Nội là 59 người. Ngày 31.12.1892, chính quyền ban hành Quy chế bảo vệ trật tự trị an của thành phố đối với xe cộ. Trong đó, điều 1 quy định: “Mọi xe cộ phục vụ vận chuyển vật liệu phải được trang bị ở đằng trước bánh xe và bên trái xe 1 tấm biển kim loại viết bằng chữ (quốc ngữ) rõ ràng đọc được và chiều cao ít nhất phải là 5 cm ghi tên, nghề nghiệp và chủ xe”. Điều 2: “Đi đêm phải có đèn lồng đặt sao cho các hướng có thể nhìn từ xa để tránh tai nạn”.

Năm 1884 xe kéo tay xuất hiện ở Hà Nội chỉ với 2 chiếc ban đầu nhưng loại phương tiện này nhanh chóng phát triển nhờ tiện lợi và văn minh hơn xe bò đẩy và khiêng cáng. Ngày 6.9.1886 đốc lý ban hành văn bản đầu tiên quản lý xe tay và đến năm 1891 đã ban hành 5 văn bản, quy định về ánh sáng khi xe đi đêm, đệm xe, vệ sinh xe, quần áo, sức khỏe của phu kéo... Về biển số, chủ xe tự làm theo mẫu mang lên sở lục lộ đăng ký. Cuối những năm 1920, số lượng xe tăng vọt, để dễ dàng cho quản lý đồng thời tiện cho thu thuế, tránh thất thoát, chính quyền đã tổ chức đấu thầu quyền kinh doanh. Người trúng thầu tự đầu tư xe theo mẫu thành phố quy định, tự làm biển, cơ quan quản lý chỉ có nhiệm vụ buộc hãng xe tay này làm biển màu gì để tránh trùng nhau. Việc tự làm biển theo mẫu, tự đánh số và đăng ký với đơn vị quản lý đã giúp thành phố giảm ngân sách chi cho việc này. Để tránh thất thu do xe gắn biển giả, các hãng phải tự cử người đi kiểm tra, việc đó đã giúp bộ máy quản lý không cồng kềnh. Để tránh sự kêu ca phàn nàn của chủ cửa hàng, chính quyền cho vạch ô ở một số tuyến phố cho phép xe tay được đậu chờ khách. Với xe đạp cũng vậy, chủ xe phải tự làm biển theo mẫu. Hằng ngày cảnh sát đi tuần khắp thành phố và xử nghiêm các vi phạm. Trong báo cáo “Tình hình Đông Dương 1897 - 1902” của toàn quyền Paul Doumer, phần phụ lục về Hà Nội có ghi số tiền thu được từ phạt phương tiện giao thông vi phạm không đáng kể, chứng tỏ dân chúng chấp hành rất nghiêm luật lệ.

Vì sao lại đi sai luật trên cầu Long Biên?

Khởi công ngày 12.9.1898 nhưng đến ngày 3.2.1902, nghĩa là chỉ hơn 3 năm thi công cầu Long Biên đã hợp long và lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào ngày 28.2.1902, dự lễ có vua Thành Thái từ Huế ra và cả vua Xiêm.

Những phụ nữ từ khu vực ngoại thành vào Hà Nội qua cầu Long BiênẢNH: H.FORMAN

 

Vào thời điểm đó, đây là cây cầu dài thứ hai thế giới, sau cầu Brooklyn ở Mỹ. Trong 10 năm đầu, chỉ người đi bộ, xe tay, xe đạp và ô tô nhỏ mới được phép qua cầu theo quy định là chiều bên phải. Ô tô tải, xe quân sự từ Hà Nội đi các tỉnh phía đông và phía bắc hoặc ngược lại phải đi phà Cầu Đất. Để cho ô tô tải qua lại được, năm 1922, chính quyền cho mở rộng hai bên cánh gà, mỗi bên rộng 3,2 m, việc cải tạo hoàn thành vào năm 1924. Theo thống kê của Tạp chí Nature năm 1925, hằng ngày có 4.756 người đi bộ, 1.184 xe tay, 141 xe ba gác và xe bò, 344 xe đạp và 249 ô tô các loại qua cầu. Trong 9 năm kháng chiến (1946 - 1954), do thiết bị, hàng hóa quân sự của quân đội Pháp vận chuyển bằng ô tô từ Hải Phòng về Hà Nội với khối lượng quá lớn khiến cầu có nguy cơ không cân nên người ta đã thay đổi chiều đi về hai bên cho cân, vì thế ngày nay từ Hà Nội sang bên kia sông đi bên tay trái và về là bên tay phải.

Đóng đinh để phân luồng

Đầu những năm 1950 dân chúng Hà Nội đi tản cư ở các tỉnh đã trở về thành phố. Lại thêm dân các tỉnh phía bắc chạy vào nội đô tránh chiến tranh khiến dân số tăng đột biến. Xe của quân đội Pháp chạy tốc độ cao trong khu vực nội đô đã gây ra nhiều vụ tai nạn chết người. Các báo đồng loạt đăng tin và ảnh nên dân chúng vô cùng bức xúc. Sợ báo chí kích động, chính quyền chỉ cho phép đưa tin, cấm đăng ảnh, cấm nói xe quân đội. Tuy nhiên các báo lách luật, không viết xe quân đội gây tai nạn nhưng lại viết xe mang biển IC (dành riêng cho quân đội Pháp), vì thế bạn đọc vẫn biết xe của quân đội. Trước thực trạng đó, ngày 27.2.1952, chính quyền thành phố quy định cho chôn 2 hàng đinh (đinh bằng thép hình tròn đường kính 15 cm nhô phần bán nguyệt lên mặt đường) tại nhiều ngã tư trong nội đô. Ô tô đến ngã tư muốn đi thẳng, rẽ trái hoặc phải thì phải dừng trước hàng đinh thứ nhất và chỉ được đi khi không có người, nếu có cảnh binh thì phải chấp hành lệnh. Với người đi bộ, khi sang đường phải giơ một tay lên cao (với ý nghĩa đầu hàng) báo hiệu xin đường. Với xe đạp, muốn rẽ phải thì phải vẫy tay phải, muốn rẽ trái thì vẫy tay trái xin đường báo hiệu cho các phương tiện đi sau biết.

 

Nguyễn Ngọc Tiến - TN0
Tin tức khác