Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
646
123.238.606

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Độc đáo đình, chùa, miếu miền Tây: Nơi lưu giữ 85 sắc thần thời Nguyễn
Miếu Công thần Vĩnh Long nhìn từ bên ngoài ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG Nằm bên tả ngạn sông Cổ Chiên, miếu Công thần Vĩnh Long là hậu thân của miếu Hội đồng thờ các vị công thần triều Nguyễn. Di tích này được các nhà nghiên cứu quan tâm bởi nơi đây hiện còn giữ được nhiều đạo sắc phong nhất Nam bộ.

 

 

Gian nan miếu công thần…

Tọa lạc tại phường 5, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, miếu Công thần Vĩnh Long nhìn ra rạch Cái Sơn. Trước sân miếu có một bàn thờ với 2 viên đạn và một mảnh vỡ của khẩu thần công. Hai bên bàn thờ đặt đôi kỳ lân bằng gốm Cây Mai có niên đại hơn 100 năm. Theo ông Tư Hiếu, 70 tuổi, là ông Từ lo việc nhang khói cho miếu, thì mảnh vỡ của khẩu thần công cùng 2 viên đạn sắt được người dân chài lưới vớt được từ dưới lòng sông Cổ Chiên đem vào miếu thờ cúng.

 

Miếu Công thần được xây dựng theo kiểu đình làng Nam bộ. Chính tẩm là ngôi nhà tứ trụ, nối với võ qui và phần kiến trúc ngoài cùng là võ ca, nơi có sân khấu diễn xướng khi tổ chức lễ hội. Giữa chính tẩm có bàn thờ Hội đồng, thờ chung các vị thần linh. Sát vách hậu là bàn thờ chính đặt khánh thờ thần chạm trổ, sơn son thếp vàng. Ngoài phần kiến trúc chính còn có nhà khách, hành lang đông tây, nhà bếp. Hệ thống giàn trò như cột, kèo, xiên, trính đều bằng gỗ căm xe và các loại gỗ quý khác, nhưng theo thời gian một số cũng đã bị hư hại.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, cho biết sau khi được công nhận di tích lịch sử vào năm 1998, từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có mạnh thường quân đóng góp và nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, ngôi miếu được sửa chữa trùng tu nhiều đợt như làm lại võ ca, lợp mái ngói, tu bổ chánh điện, võ qui, chú thích chữ quốc ngữ các hoành phi, câu đối...

 

Bàn thờ Hội đồng thờ chung các vị thần linh

 

Theo Đại Nam nhất thống chí, vào năm Ất Mão (1795) đời Trung hưng đã xây dựng miếu Hội đồng Gia Định thành tại thôn Tân Triêm, huyện Bình Dương (Gia Định). Đến năm Gia Long thứ 7 (1808) xây miếu Hội đồng Định Tường. Năm Gia Long thứ 8 (1809) xây miếu Hội đồng Biên Hòa… Miếu Hội đồng Vĩnh Long được xây dựng muộn hơn, vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837) tại thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình, nhưng dân gian thường gọi là Đình Khao. Tương truyền các quan ở thành Vĩnh Long thời bấy giờ thường sử dụng nơi đây làm địa điểm mở tiệc khao thưởng quân lính.

 

Theo tài liệu của Bảo tàng Vĩnh Long thì khi chiếm được 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, sau năm 1867 thực dân Pháp tháo dỡ miếu Hội đồng Vĩnh Long lấy gỗ đem đi cất Tòa bố. Người dân đã đem toàn bộ sắc thần và một số đồ tự khí của miếu về thờ tạm tại đình làng Thiềng Đức. Đến năm 1915, phong trào chấn hưng văn hóa ở Nam Kỳ lan rộng. Bấy giờ ở Vĩnh Long có bà Trương Thị Loan, con gái ông bá hộ Trương Ngọc Lang và bà Lê Thị Danh, vợ ông Đốc phủ Tươi cùng thân hào nhân sĩ địa phương đã đệ đơn, vận động chính quyền thực dân xin tái lập miếu Hội đồng.

Nhưng mãi đến 3 năm sau, năm 1918 Thống đốc Nam Kỳ mới ký quyết định cho phép tái lập ngôi miếu. Hiện nay, trong miếu vẫn còn lưu giữ nguyên bản giấy phép chấp nhận cho khôi phục lại ngôi miếu do Thống đốc Nam Kỳ ký ngày 27.4.1918 và được phóng to đem trưng bày ở khu vực võ ca, phục vụ khách tham quan.

 

Trân trọng di sản đặc biệt

Sau khi được tái lập, người dân Vĩnh Long đã đóng góp nhiều công sức, tiền của để dựng lại ngôi miếu, như ông Nguyễn Văn Kỷ hiến một mẫu đất, bà Trương Thị Loan đóng góp 4.000 đồng Đông Dương. Lúc bấy giờ giá lúa chỉ có 2 cắc một giạ. Khi ngôi miếu được xây dựng lại xong, để tránh sự dòm ngó của chính quyền thực dân, người dân phải đổi tên miếu Hội đồng thành miếu Công thần và cất một am nhỏ thờ những thanh niên Vĩnh Long tử trận khi sang châu Âu tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1918), để khi tổ chức lễ hội nhà cầm quyền Pháp không gây khó dễ.


Năm 1918 Thống đốc Nam Kỳ cho phép tái lập ngôi miếu

Điều quan trọng là hiện nay miếu Công thần còn lưu giữ nguyên vẹn 85 đạo sắc, gần như đầy đủ hệ thống thần linh được triều đình nhà Nguyễn sắc phong thờ cúng ở Nam bộ. Theo tư liệu ông Nguyễn Xuân Hoanh cung cấp thì tháng 12.1848, theo đề nghị của tỉnh Vĩnh Long, vua Thiệu Trị đã cấp cho miếu Hội đồng Vĩnh Long 34 đạo sắc và gia phong thêm 34 đạo sắc. Đến năm 1850, vua Tự Đức gia tặng thêm 17 đạo sắc. Đây là hệ thống thần linh gồm 34 vị nhiên thần và nhân thần.

 

Nhiên thần bao gồm những vị thần do những người đi khai hoang, mở cõi đem từ quê cũ miền Bắc, miền Trung vào. Trong đó, có những vị thần huyền thoại của người Việt cổ. Những vị thần ở duyên hải miền Bắc, miền Trung, đồng thời cũng có những vị thần tiếp thu từ văn hóa Champa hoặc là những biểu tượng của núi sông, sơn hà xã tắc. Trong số các nhiên thần có vị nữ thần nguồn gốc từ miền Trung là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, bà mẹ xứ sở của người Champa. Ngoài ra còn có nhiều vị thần khác như thần Sơn Tinh, Thủy thần, thần Rái cá, thần Bạch mã…

Trong các nhân thần được thờ tại miếu, vị thần có nguồn gốc thời nhà Lê là Phi Vận tướng quân, Tùng Giang Văn Trung, Trung đẳng thần Nguyễn Phục. Ông được tôn thờ là vị thần linh phù trợ người đi biển. Tiếp đến là hai vị thần lúc sinh tiền có công khai phá vùng Thuận Hóa, Quảng Nam, Phú Yên là Đô đốc Bùi Tá Hán và Tham tướng Lương Văn Chánh. Hai vị này được sắc phong Thượng đẳng thần. Bên cạnh còn có những vị có nhiều công lao với sự nghiệp khai phá đất phương Nam như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cửu Vân, Trần Thượng Xuyên… đều được phong Thượng đẳng thần.

 

Ông Tư Hiếu nhớ lại, thời chiến tranh, do sợ bị bom đạn, hỏa hoạn bất ngờ nên toàn bộ sắc thần phải đem đi cất giấu. Sau năm 1975, ngôi miếu bị trưng dụng làm cơ quan quân sự. Bấy giờ, có một số người đòi đem sắc đi nơi khác, nhưng nhiều người phản đối với lý do đình miếu phải có bảo vật, không thể đem sắc đi đâu được. May mắn là không bị mất lá nào. Trong khoảng thời gian đó, đến ngày rằm tháng 7 âm lịch một số người tâm huyết vẫn đem lễ vật tới cúng để tưởng nhớ.

 

“Hiện nay toàn bộ các đạo sắc đều được giữ gìn cẩn thận. Để đề phòng mất mát, cơ quan chức năng đã cho gắn camera giám sát 24/24. Ngoài ra, chúng tôi còn nhờ các chuyên viên ở Thư viện TP.HCM xuống chụp ảnh “số hóa” toàn bộ 85 lá sắc, sao chép nhiều bản để lưu giữ, phòng bất trắc. Mới đây, nhân kỷ niệm 100 năm ngày tái lập miếu Công thần, các đạo sắc được chụp lại, thu nhỏ trong 2 quyển album, đặt trên cái 2 cái giá một bên là nhiên thần, một bên là nhân thần, đồng thời phóng to 10 đạo sắc tiêu biểu, đẹp và nguyên vẹn để phục vụ khách tham quan, tìm hiểu”, ông Nguyễn Xuân Hoanh cho biết.

 

 

Hoàng Phương - TN0
Tin tức khác