Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
709
123.238.142

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Có nên xây nhà hát ngàn tỉ ở Thủ Thiêm?
Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch dự kiến xây dựng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) ẢNH: NGỌC DƯƠNG Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch với kinh phí hơn 1.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) đang 'nóng' dư luận. Vấn đề này đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong giới nghệ sĩ và các nhà chuyên môn...

 

 

"Khi đời sống chưa ổn định thì chưa nên nghĩ đến hưởng thụ, nếu không muốn bị đánh giá là hám danh"

 

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM) cho biết ông cảm thấy không hào hứng đối với thông tin thành phố sẽ bỏ ra một số tiền lớn như vậy để xây nhà hát tại khu vực Thủ Thiêm.

Thứ nhất, tình hình xã hội của khu đô thị này chưa ổn định sau khi Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra rất nhiều sai phạm. Tinh thần của người dân chưa ổn định, dân cư đô thị chưa cảm thấy “bình yên” thì chưa nên vội nói đến nâng cao, vui chơi. Ông Ninh nhận xét xung quanh khu đô Thủ Thiêm hiện vẫn là vùng nông thôn, chưa phải là khu đô thị sầm uất với nền kinh tế cho phép người dân có thu nhập cao hướng đến các hoạt động vui chơi hưởng thụ. Còn đối với các khu dân cư ở vùng khác, đường sang quận 2 hiện nay chưa đảm bảo nhu cầu giao thông hiện hữu, thường xuyên ách tắc, ngập lụt nên cũng hạn chế người dân qua xem ca nhạc.

Ông Ninh chia sẻ: “Bản thân tôi là người rất yêu thích âm nhạc nhưng nếu xây nhà hát xa khu trung tâm thế thì tôi cũng sẽ không lặn lội đi. Chưa kể thể loại nhạc thính phòng chưa phải là nhu cầu phổ thông cho đại đa số người dân trong thành phố hay đa số khách du lịch đến Việt Nam hiện nay (chủ yếu là khách Trung Quốc). Nói thế để thấy, không có cầu mà tự nhiên đem cung là vô cùng lãng phí, bất hợp lý”.

PGS-TS Nguyễn Lê Ninh nhấn mạnh thêm rằng người ta lo “ăn no mặc ấm” rồi mới tính đến “ăn ngon mặc đẹp”. Hiện nhu cầu thực tiễn tối thiểu của người dân thành phố còn chưa đáp ứng đủ, đường xá, cầu cống, bệnh viện quá tải không có tiền mở rộng, nâng cấp mà đã lo xây một công trình lớn mang tính biểu tượng để lấy tiếng thơm là chưa phù hợp.

“1.500 tỉ không phải số tiền nhỏ. Thành phố nên sử dụng cho những việc cần làm ngay, đó là đầu tư cho các nhu cầu thực tiễn, cải thiện, nâng cấp đời sống của người dân. Khi đời sống chưa thái bình thì chưa nên nghĩ đến hưởng thụ, nếu không muốn bị đánh giá là hám danh”, ông Lê Ninh đề xuất.

 

PGS – TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng thành phố nên sử dụng 1.500 tỉ đồng cho những việc cần làm ngay thay vì xây nhà hát

 

 

"Không nên lấy cái sai của họ để giết đi một giá trị cốt lõi"

Trong khi đó, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nêu quan điểm: "Một quốc gia muốn vững mạnh, không chỉ là GDP, không chỉ là ăn sung mặc sướng, mà giá trị cốt lõi tinh thần, văn hóa cũng phải mạnh. Ngoài những giá trị văn hóa cổ truyền ra, âm nhạc cổ điển chính là giá trị tinh thần cốt lõi của mọi quốc gia. Nếu đào tạo một kỹ sư mất 5 năm, một bác sĩ mất 8 năm, thì với một nhạc công dàn nhạc giao hưởng phải mất ít nhất là 15-20 năm. Nếu một dàn nhạc giao hưởng ít nhất 50 người, phải mất tổng thời gian từ 75 năm cho đến 100 năm mới có được một dàn nhạc giao hưởng. Nhân loại có bao nhiêu quốc gia chế tạo được xe hơi? Có bao nhiêu nước chế tạo được tàu vũ trụ? Và có mấy nước vô địch World Cup? Và tương tự như thế, có bao nhiêu quốc gia sở hữu dàn nhạc giao hưởng? Vậy mà ở Đông Nam Á này, nước ta có tới 2 dàn nhạc giao hưởng. Trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia... mỗi nước chỉ 1 dàn nhạc giao hưởng. Tại sao chúng ta nhảy cẫng lên như trẻ con khi U.23 vào chung kết châu Á, vui như ngày hội khi Việt Nam lần đầu xuất hiện ở triển lãm xe hơi Paris, vậy mà chẳng ai biết tới một điều đáng tự hào: Việt Nam có tới 2 dàn nhạc giao hưởng. Trong Thế chiến thứ hai, phát xít Đức mà còn chẳng quan tâm gì khác ngoài chuyện phải bảo vệ cho bằng được nhà hát giao hưởng. Huống chi là chúng ta, những con người của thời đại tiến bộ. Nếu như chúng ta thờ ơ với giá trị cốt lõi này, liệu 1.000 năm sau chúng ta có thể có lại được không? Vậy thì không những phải cần thiết xây 1 mà là 2 nhà hát cũng chưa đủ".

"Thưởng thức nghệ thuật ở mọi quốc gia đều được chia làm hai nhánh: hàn lâm và đại chúng. Cái gì thuộc về giá trị cốt lõi thì buộc phải xây dựng và bảo tồn. Do vậy thực tế nhu cầu giải trí của công chúng đã có nghệ thuật đại chúng giải quyết, còn giá trị tinh thần cốt lõi của bộ mặt quốc gia không thể dựa trên nhu cầu giải trí đại chúng. Bạn nghĩ một người nước ngoài đến Việt Nam xem nhạc pop ư? Không! Họ đi nghe nhạc dân tộc hay nhạc cổ điển. Nhạc dân tộc là để tìm hiểu bản sắc, nhạc cổ điển là thước đo sự văn minh. Nếu giáo dục âm nhạc tốt, chúng ta đã có mặt bằng thưởng thức tốt hơn để âm nhạc hàn lâm có khán giả Việt nhiều hơn. Chúng ta đã sai khi không chú trọng giáo dục dân trí, bây giờ lại lấy hậu quả của cái sai ấy phủ nhận cái giá trị tinh thần cốt lõi mà nhân loại đã xây dựng cả mấy trăm năm nay. Chỉ có chúng ta thiệt thòi thôi. Đối với dàn nhạc giao hưởng, nếu không gian không đủ rộng lớn thì không thể cho ra một tổng thể âm thanh tốt. Giống như nếu bạn thổi kèn Trompet trong một cái phòng bé như cái phòng tắm liệu sẽ thế nào? Huống chi là gần cả một trăm nhạc cụ như vậy. Hiện nay, ngoài 2 khán phòng của 2 nhạc viện Bắc và Nam ra, không có một không gian nào đủ tiêu chuẩn để dàn nhạc giao hưởng có thể chơi được. Bạn có thể hiểu nỗi khổ tâm và chịu đựng của các nghệ sĩ trong 20 năm qua như thế nào, khi họ như những kẻ không nhà vậy", nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.

 

TP.HCM hiện đã có Nhà hát Thành phố

 
 

 

"Bất cứ một nghệ sĩ nào, từ nhạc đại chúng cho tới nhạc cổ điển, điều mong mỏi đầu tiên của họ là được biểu diễn với khán giả, được sống trong đúng với không gian của mình, rồi sau đó mới tới quyền lợi và thu nhập. Dù thu nhập hay vật chất là quan trọng, nhưng tôi không nghĩ các nghệ sĩ chỉ cần các thứ đó đâu, cái họ cần là được cống hiến và sống trong một môi trường đúng chuẩn. Còn chuyện “nóng” về đất đai ở Thủ Thiêm với chuyện xây nhà hát là hai vấn đề không liên quan. Bởi một cái là giá trị cốt lõi cần thiết cho một dân tộc và một bên là sai phạm của một số cán bộ. Không nên lấy cái sai của họ để giết đi một giá trị cốt lõi", vị nhạc sĩ nói thêm.

"Công trình nhà hát có thể sinh lợi về kinh tế"

NSƯT Tạ Minh Tâm, Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho rằng: "Tôi nghĩ xây một nhà hát đẳng cấp trong thành phố lớn không chỉ cho thành phố đó mà là thể hiện một phần bộ mặt của một quốc gia và đó cũng là một nhu cầu của xã hội. Tất nhiên trong vấn đề này sẽ có nhiều góc nhìn, mỗi người sẽ có cách suy nghĩ, phản biện khác nhau. Riêng tôi thì hoàn toàn ủng hộ. Trên thế giới như người Pháp chẳng hạn thì một trong những hạng mục kiến trúc quan trọng của họ là nhà hát. Ở Việt Nam thì chưa có nhà hát nào xứng tầm thể hiện văn hóa, kiến trúc mang dấu ấn Việt Nam. Hơn nữa ở Việt Nam chưa có nhà hát nào đủ tiêu chuẩn về điều kiện để biểu diễn những loại hình âm nhạc đẳng cấp. Nhà hát TP.HCM hiện nay cũng chỉ là nơi thiên về biểu diễn sân khấu chủ yếu chứ điều kiện âm thanh và mọi khâu khác vẫn không đảm bảo để sử dụng cho những dàn nhạc giao hưởng biểu diễn. Hiện nay rất nhiều người băn khoăn bởi số tiền đổ vào đó lớn trong khi điều kiện kinh tế khó khăn. Thật ra họ có lý do chính đáng nhưng hãy bình tĩnh nghĩ về một công trình nhà hát không đơn thuần chỉ là sử dụng cho mục đích văn hóa mà có thể sinh lợi về kinh tế sau này. Có những giá trị vô hình, là uy tín của một nền văn hóa, là thương hiệu của thành phố, và có thể thu hút các hoạt động khác để sinh lợi… Ở London họ có khoảng hơn 50 nhà hát hay ở Ukraine có nhà hát Bolshoi, một công trình kiến trúc đồ sộ được dát hàng chục tấn vàng, lâu đời và có giá trị lịch sử. Còn nghệ sĩ thì có một nhà hát đẳng cấp họ có thêm một nơi biểu diễn để phục vụ tốt hơn cho xã hội và công chúng. Điều tôi băn khoăn là xây dựng nhà hát làm sao cho tương xứng với kinh phí bỏ ra và quản lý nó hiệu quả. Nếu bỏ ra 100 triệu mà xây cái nhà hát không tương xứng với số tiền đó thì cũng rất phung phí chứ nói gì đến cả ngàn tỉ".

 

NSƯT Tạ Minh Tâm thì cho rằng nhà hát có những giá trị vô hình, là uy tín của một nền văn hóa, là thương hiệu của một thành phố, một quốc gia

 

 

 

Cần có đánh giá, khảo sát kỹ lưỡng trước khi quyết định xây dựng một công trình quy mô lớn như thế

Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết không phản đối việc xây dựng nhà hát mới, tuy nhiên ông lưu ý thành phố cần có khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu thật sự của các đoàn văn công, biểu diễn, nhu cầu của người dân thành phố. Bên cạnh đó, đánh giá thấu đáo các cơ sở vật chất hiện có, khả năng hoạt động của các nhà hát hiện hữu như thế nào, đã thật sự hết công suất chưa.

“Nhu cầu văn hóa, nghệ thuật cũng là điều không thể thiếu trong đời sống người dân khi nền kinh tế đã phát triển. Tuy nhiên cần có đánh giá, khảo sát kỹ lưỡng trước khi quyết định xây dựng một công trình quy mô lớn như thế. Nếu thành phố thấy đủ tiền, có nhu cầu thì làm”, ông Nam nói.

 

Số tiền 1.500 tỉ chưa phải to tát so với các công trình khác

 

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM cho biết: "Về vấn đề này tôi nghĩ mình phải nhìn thấy toàn cảnh xây dựng thành phố nói chung. Ở bản đồ Thủ Thiêm thì có hạng mục nhà hát, rồi bảo tàng, căn hộ… Đó là thuộc về quy hoạch chung của thành phố. Người dân thành phố ngoài cuộc sống vật chất thì tinh thần cũng rất quan trọng. Hiện nay cuộc sống của người dân thành phố thiếu những điều kiện giải trí, văn hóa ở một nhà hát đẳng cấp hơn. Đó là yêu cầu và nhu cầu xã hội. Nhà hát không chỉ xây một cái là đủ mà phải nhiều cái, ở các quận, cho nhiều thành phần, thể loại nghệ thuật không chỉ riêng về âm nhạc. Đó là chuyện đúng, lâu dài. Còn những gì thuộc về chính sách, chuyện giải tỏa, đền bù… thời gian qua bản thân tôi cũng rất băn khoăn nhưng tôi tin các cấp chính quyền sẽ có cách giải quyết thỏa đáng, những cái gì sai thì phải sửa, đền bù lại cho dân Thủ Thiêm… Và những điều đó nó thuộc về vấn đề khác. Thật ra tôi biết xây nhà hát lúc ban đầu được lựa chọn đâu phải Thủ Thiêm mà ở đường Lê Duẩn rồi sang công viên 23.9 và cuối cùng chọn ở Thủ Thiêm".

"Ở góc độ một nghệ sĩ thì tôi nghĩ bất kỳ một bộ môn nghệ thuật nào cũng cần có một phương tiện để biểu diễn và nhà hát là một phương tiện, sân khấu cũng là một phương tiện để dàn dựng những tác phẩm nghệ thuật tốt để xây dựng một nền nghệ thuật chuyên nghiệp. Như chuyện nhà hát Trần Hữu Trang bị phê phán vì xây xong mà không đảm bảo các điều kiện. Nên việc đầu tiên phải đưa ra đó là nhà hát sắp tới phục vụ cho cái gì, điều kiện ra sao… Rồi người thiết kế, kiến trúc phù hợp, phục vụ đúng mục tiêu đề ra. Và vấn đề thi công phải chính xác, phải đúng. Còn số tiền 1.500 tỉ ấy chưa phải to tát so với các công trình khác đâu, chỉ ở mức trung bình thôi. Với mục tiêu lâu dài về đời sống, văn hóa thì đây chỉ là một bước thôi. Còn phải xây rất nhiều nhà hát, đầu tư cho nhiều hạng mục khác trong tương lai", ông Trần Vương Thạch nếu quan điểm.

 

 

Thu Thủy - TN0
Tin tức khác