Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
683
123.237.407

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hà Nội có bản đồ di sản
Trang sách về di sản múa rối ẢNH: TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP Cuốn sách Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại vừa được UNESCO tài trợ in. Đây là lần đầu tiên UNESCO tài trợ cho nghiên cứu di sản của một thành phố, trước đó thường chỉ tài trợ cho nghiên cứu di sản quốc gia.

 

 

Cùng nhau nói tiếng lóng và kiêng màu đỏ

 

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, cho biết ông quá vui với cuốn sách Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại. Trong đó, mỗi di sản được mô tả kỹ lưỡng từ cách nhận diện, đến câu chuyện mà nghệ nhân chia sẻ và cả thực trạng tồn tại của nó hiện nay. “Một cuốn sách như thế này sẽ giúp người dân hiểu từng di sản kỹ hơn. Người nước ngoài cũng sẽ hiểu di sản nhanh hơn. Cách phân loại rất khoa học. Điều tra cũng toàn diện. Làm được như thế rất khó”, ông Loan nói.

 

Cuốn sách do nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, đứng đầu là TS Lê Thị Minh Lý, thực hiện. Sách có nhiều câu chuyện duyên dáng. Chẳng hạn, người đọc sẽ hiểu vì sao dân làng Đa Chất (H.Phú Xuyên) có thứ tiếng lóng riêng của mình. Đó là do họ có nghề đóng cối xay lúa bằng tre với đặc trưng là thợ cối phải đi làm ăn xa trong thời gian dài. Để giữ uy tín cho bản thân và nghề nghiệp của mình, họ luôn phải nhắc nhở, chỉ bảo nhau cách ứng xử sao cho chuẩn mực, đúng đắn với gia chủ, thích ứng với tập quán nơi mình dừng chân. Tiếng lóng cũng giúp họ thuận tiện hơn trong việc bàn về tiền công, tránh những hiểu lầm không đáng có…

 

Giờ đây, dù di sản có nhiều biến đổi, vẫn có thể nhìn thấy những dấu vết của chúng trong đời sống. Chẳng hạn, với hát Ải Lao, những lời hát cổ xưa tuy khó tìm song người dân vẫn hát với lời mới. Hoặc ở hội đền Hát Môn (H.Phúc Thọ) vốn gắn với việc thờ Hai Bà Trưng có tục phải biến tấu hết những gì liên quan đến màu đỏ tươi cũng như gọi chệch từ Nhị thành “nhợ”. “Họ vẫn tiếp tục kiêng. Họ kiêng toàn bộ màu đỏ. Không bao giờ sử dụng màu đỏ tươi, thay vào đó là dùng đỏ đậm, đỏ trầu. Trong hội có tục ăn bánh trôi. Bánh trôi chúng ta ăn quanh năm, nhưng ở đây quy định rạch ròi là bánh trôi được ăn ở thời điểm nào. Họ ăn sau khi cúng xong. Dịp tết từ 26.12 - 9.3 sang năm âm lịch không bao giờ được ăn bánh trôi. Con gái đi lấy chồng chỗ khác cũng không ăn”, thạc sĩ Phạm Kim Ngân, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

 
 

 

Bản đồ hóa di sản mới chỉ Hà Nội có sáng kiến làm... Khi di sản xuất hiện trên bản đồ thì đương nhiên di sản được bảo vệ rồi

 

 

TS Lê Thị Minh Lý

 

Phải mất hơn 4 năm mới có được cuốn sách này. Trong đó, có 1 năm các nhà nghiên cứu đi làm kiểm kê toàn bộ di sản phi vật thể của Hà Nội. Hơn 1 năm còn lại để lựa chọn 24 di sản đưa vào cuốn sách. “Cuốn sách là công trình nghiên cứu sâu 24 di sản đầu tiên trong danh mục các di sản cần ưu tiên bảo vệ của Hà Nội”, bà Ngân cho biết.

Đánh dấu tín hiệu cấp cứu

Bà Ngân cho biết người dân khi được điều tra cũng không nghĩ phong tục đó của làng mình có thể trở thành di sản. Chẳng hạn người làng Đa Chất, họ không nghĩ tiếng lóng lại có thể được vinh danh. “Những câu chuyện di sản rồi sẽ ít dần đi, di sản cũng có thể sẽ thay đổi nhưng qua cuốn sách cộng đồng sẽ hiểu hơn và muốn giữ gìn nó hơn”, bà Ngân chia sẻ.

Theo TS Lê Thị Minh Lý, sau kiểm kê, Hà Nội cũng đang hướng làm dần những hồ sơ di sản phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều quan trọng nhất với dự án kiểm kê này. “Cái quan trọng nhất là chúng ta phải tìm ngay những di sản khẩn cấp để bảo vệ. Các di sản trong sách đều cần bảo vệ khẩn cấp cả. Thứ nữa là Hà Nội cần bám theo những khuyến nghị của dự án”, bà Lý nói.

Cũng theo bà Lý, cũng có những tỉnh đã kiểm kê di sản phi vật thể. “Nhưng làm với một tinh thần từ cộng đồng lên và làm để sau này có chiến lược thì mới chỉ Hà Nội làm. Và đặc biệt, chưa ai làm được bản đồ di sản. Bản đồ hóa di sản mới chỉ Hà Nội có sáng kiến làm. Bản đồ có lợi cho nhà quản lý. Họ sẽ nhìn rõ ràng trên địa bàn đang có các di sản gì, loại hình gì và cái nào là khẩn cấp, cái nào là đại diện. Cái đó giúp ích nhà quản lý cấp huyện. Nó cũng có ích cho cộng đồng. Khi di sản xuất hiện trên bản đồ thì đương nhiên di sản được bảo vệ rồi”, bà Lý nói.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho biết: “Các nghiên cứu ở các tỉnh thường đi không sâu, đi không rộng nên phát biểu chưa hết. Trong khi đó, việc nghiên cứu ở dự án kiểm kê của Hà Nội và cuốn sách này là kỹ lưỡng, bài bản. Đặc biệt, nó chỉ ra rất rõ cách di sản đang tồn tại và lan tỏa, mà lan tỏa chính là sức mạnh của di sản”.

 

 

Trinh Nguyễn - TN0
Tin tức khác