Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
934
123.236.169

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đề xuất công nhận nghề thầy cúng để bảo tồn văn hóa dân tộc
Mô hình lễ cấp sắc người Dao ẢNH: BẢO TÀNG QUẢNG NINH Theo TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, công nhận nghề thầy cúng sẽ giúp bảo tồn văn hóa dân tộc.

 

 

Đây là ý kiến được nêu tại hội thảo Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tổ chức ngày 31.5.

TS Trần Hữu Sơn vẫn nhớ câu chuyện thờ cúng rừng ở vùng núi phía bắc mà ông tới nghiên cứu. Tại đó, những nơi nào có thờ cúng rừng thì rừng còn. “Cũng một xã, nhưng người Hà Nhì tôn thờ thần rừng thì không sao, nhưng người Dao phá đi thì lũ quét lũ ống 25 năm qua xảy ra thường xuyên”, ông nhớ lại. Theo ông, việc thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thiên nhiên đã được thiêng hóa là tôn giáo tín ngưỡng. Vì thế, cũng cần tôn trọng người hành nghề tôn giáo tín ngưỡng này. Trong cộng đồng, họ có tri thức, có uy tín như già làng. “Nên nhiều vùng, người ta muốn bầu thầy cúng làm già làng. Thậm chí, có thể cho hành nghề thầy cúng. Trao danh hiệu thầy cúng và cấm làm một số điều. Chẳng hạn, không được tuyên truyền chỉ cần cúng là khỏi bệnh, không cần đi bệnh viện...”, ông Sơn nói.

 

Ông cũng cho rằng, việc công nhận nghề thầy cúng sẽ hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật. Chẳng hạn, người Mông có nét văn hóa là âm nhạc của khèn, khèn lại chính là tín hiệu giao lưu với thần linh. Dân ca dân vũ trong các nghi thức cúng cũng vậy. “70% nghệ nhân ở miền núi làm thầy cúng hoặc biết cúng”, ông Sơn phân tích. Tương ứng với nó, theo ông Sơn, những nghệ nhân của tín ngưỡng thờ Mẫu cúng chính là thầy cúng - là những ông đồng bà cốt.

 

TS Bàn Thị Quỳnh Giao, Viện Văn học, lại chia sẻ câu chuyện khẩn cấp về ngôn ngữ của chính gia đình mình - một gia đình người Dao đang làm nghiên cứu văn hóa Dao. Bố bà là tiến sĩ người Dao đầu tiên bảo vệ tiến sĩ ở nước ngoài. Hai anh của bà cũng đều nghiên cứu văn hóa Dao. Tuy nhiên, mỗi lần đi điền dã, họ đều phải nhờ tới phiên dịch. “Có tới 9 nhóm Dao, phương ngữ có sự khác biệt giữa mỗi nhóm. Tôi khao khát làm từ điển tiếng Dao. Người đọc được chữ Nôm Dao không nhiều”, bà nói. Trong khi đó, ngôn ngữ là điều không thể thiếu nếu muốn giữ văn hóa dân tộc. Việc dạy tiếng dân tộc ở các trường phổ thông dân tộc nội trú cũng bị lãng quên.

 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho biết, hiện đang có những đề án lớn về tri thức Việt số hóa do Chính phủ chỉ đạo. Theo đó, các dữ liệu của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia được tổng hợp và đưa lên mạng để mọi người tiếp cận thuận lợi.

 

 

Trinh Nguyễn - TN0
Tin tức khác