Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.235.085

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Động vật hoang dã biến mất, chúng ta cũng không còn
Hơn 20 năm lăn lộn trong các cánh rừng, vườn quốc gia ở châu Phi, nhiếp ảnh gia kiêm nhà hoạt động bảo tồn động vật hoang dã người Thụy Điển Bjorn Persson trò chuyện với Tuổi Trẻ.

 

Câu chuyện bắt đầu từ những tấm ảnh của Bjorn Persson: Chứng kiến quá nhiều thảm kịch đau lòng về tình trạng nhiều loài bị săn bắt, giết hại vô tội vạ và đứng bên bờ vực tuyệt chủng, thay vì chụp những bức ảnh tố cáo ghê rợn, anh muốn mọi người cũng sẽ bị chinh phục, lôi cuốn, giống như anh, trước vẻ đẹp tuyệt vời của những loài vật đang rất cần được bảo vệ.

Hiểu động vật, "đọc" tự nhiên tốt hơn

* Tôi có thể cảm nhận được tình yêu của anh khi ngắm nhìn những bức ảnh. Nó quá đẹp và quá nhiều chất thơ trong đó. Nhờ đâu anh tạo được điều đó?

- Tôi rất vui khi bạn có thể cảm nhận điều đó. Bởi tôi rất yêu và tôn trọng chúng và cố gắng thể hiện chúng như những sinh vật thực sự có cảm xúc và biết suy nghĩ.

Tôi nghĩ chất thơ và xúc cảm có được trong những bức ảnh bắt nguồn từ niềm đam mê sâu sắc của tôi khi chụp các con vật. Và bài học đầu tiên để chụp được một bức ảnh đẹp là phải thực sự yêu và hiểu cái mà mình đang cố gắng biểu đạt bằng hình ảnh.

* Tình yêu với động vật hoang dã có lẽ nhiều, song đâu là ký ức đáng nhớ nhất với anh trong 20 năm chụp ảnh?

- Khi tôi chụp ảnh những con báo tuyết trên dãy Himalaya ở Ấn Độ, tôi đã ở suốt 2 tuần trong lều ở độ cao 4.000m và nhiệt độ -30oC. Báo tuyết là một trong những loài khó gặp nhất trên hành tinh.

Ngay cả khi bạn cực kỳ may mắn, bạn cũng chỉ có thể ngắm chúng qua một chiếc kính viễn vọng khi chúng rảo bước trên các mỏm núi.

Nhưng tôi thực sự đã rất may mắn. Tôi rời nhóm của mình và leo lên một thung lũng khi tôi ngờ rằng mình có thể tận mắt trông thấy nó. Và tôi đã đúng.

Chỉ vài giờ sau đó, tôi đã thấy con báo tuyết đầu tiên xuất hiện và thực sự nó đang ở rất gần. Nó đang săn một đám cừu xanh và khi nó xong việc, tôi chỉ còn cách nó chưa tới 100m. Nó nhận ra tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi.

Đó có lẽ là khoảnh khắc lớn nhất trong đời tôi và tôi thậm chí đã buông thõng cả máy ảnh chỉ để tận hưởng khoảnh khắc đó.

Tôi nghĩ chính những kiến thức nền tảng về bảo tồn động vật đã giúp tôi rất nhiều trong nhiếp ảnh. Nhờ hiểu rõ về hành vi của loài vật mà tôi cũng "đọc" được tốt hơn về tự nhiên và đã chọn trước được đúng vị trí.

* Điều gì khó nhất khi anh chụp ảnh những loài vật hoang dã này? Có phải sự nguy hiểm không?

- Đó là có quá nhiều yếu tố cần phải làm đúng để có một bức ảnh tốt. Bố cục, chất lượng kỹ thuật, độ sắc nét, tính độc đáo… chỉ một cái hỏng, toàn bộ bức ảnh sẽ hỏng. Còn dĩ nhiên, khi chụp ảnh như vậy thì sẽ thường xuyên đối mặt nguy hiểm.

Nhưng tôi nghĩ thách thức lớn nhất là sự kiên trì. Đôi khi việc chụp ảnh thế giới hoang dã là một trải nghiệm rất đơn độc và mất rất nhiều thời gian để chờ đợi một cú bấm máy đẹp.

Hồi mới bắt đầu chụp ảnh tôi cũng háo hức với các giải thưởng lắm, nhưng giờ thì hầu như tôi không thi nữa.

Các giải thưởng nhiếp ảnh thường khiến bạn chỉ nghĩ về một tấm hình bạn cho rằng sẽ đoạt giải, hơn là lắng nghe tiếng nói của bản thân và chụp những gì bạn tin tưởng.

Chiến dịch quyên móng tay

* Chỉ tuần trước anh khởi xướng chiến dịch kêu gọi mọi người quyên tặng móng tay để chiết xuất chất keratin tương tự như trong sừng tê giác. Đây là sáng kiến của anh?

- Vâng, đó là sáng kiến của tôi. Gần đây tôi thành lập tổ chức Here Forever Foundation với mục tiêu tuyên truyền nhận thức cũng như cảm hứng hành động trước tình trạng nguy cấp của các loài vật, thay vì xin tiền mọi người.

Nails Against Extinction (tạm dịch: Móng tay ngăn tuyệt chủng) là chiến dịch đầu tiên và chúng tôi chọn tập trung vào tê giác.

Hơn 10.000 con tê giác bị giết trong những năm qua một cách vô lý. Loại chất có trong sừng của chúng, thứ khiến chúng bị giết và thường được dùng trong y học cổ truyền, cũng chính là chất có trong móng tay chúng ta: keratin.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này bằng cách đề nghị mọi người cắt và quyên tặng móng tay. Sau đó, số móng này sẽ được mang bán cho các thị trường phi pháp như một thứ thay thế cho thuốc làm từ sừng tê giác.

Làm thế nào để lan tỏa thông điệp của chiến dịch này đến Việt Nam và Trung Quốc là mục tiêu lớn nhất của tôi. Đây là những nơi tôi thực sự mong muốn tạo ra sự thay đổi trong quan niệm về việc sử dụng sừng tê giác chữa bệnh.

* Từ khi nào anh bắt đầu quan tâm tới tình thế nguy cấp của một số loài động vật hoang dã?

- Từ 20 năm trước, khi tham gia công tác bảo tồn động vật hoang dã và chống săn trộm tôi đã bắt đầu chú ý đến điều này.

Đó là khi lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến và nhận ra nỗi thống khổ khủng khiếp chúng ta đang gây ra cho chúng. Đó cũng là khi tôi quyết định chuyển sang nhiếp ảnh và thay vì chỉ bảo vệ chúng, tôi bắt đầu tuyên truyền nhận thức về chúng.

Nhưng ngay từ đầu tôi đã không lựa chọn thể hiện những điều khủng khiếp xảy ra với chúng trong các bức ảnh. Tôi nghĩ mọi người đều từ chối những điều tồi tệ vì nó quá tiêu cực, không thể tiếp nhận.

Đó là lý do vì sao tôi luôn cố gắng thể hiện vẻ đẹp của các con thú. Bằng cách đó, tôi hi vọng mọi người sẽ được truyền cảm hứng và chung tay hành động khi họ nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của chúng và việc cứu giúp chúng quan trọng như thế nào.

* Anh đã làm gì để bảo vệ chúng và những kế hoạch trong tương lai gần của anh là gì?

- Thông qua việc bán những bức ảnh và đấu giá từ thiện, tôi đã đóng góp những khoản tiền lớn trực tiếp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã. Trong tương lai, tôi vẫn sẽ đi theo hướng để mọi người thấy được vẻ đẹp của chúng.

Nhưng tôi rất muốn được tiến sang làm phim truyện và phim tài liệu. Không có dạng thức truyền thông nào có được tác động về cảm xúc như loại hình này và tôi muốn kể câu chuyện của mình theo cách đó.

Điều khó khăn nhất là sự thờ ơ của mọi người. Mặc dù đã có quá nhiều loài vật đang dần tuyệt chủng và trái đất đang đối mặt với những thách thức này, nhiều người vẫn tiếp tục cuộc sống của họ như thể điều đó chẳng có gì liên quan.

Tôi muốn nói rằng vấn đề của thiên nhiên và môi trường là thách thức lớn nhất của nhân loại. Nếu tự nhiên và các loài vật hoang dã biến mất, chúng ta cũng sẽ không tồn tại.

Tất cả chúng ta là một phần của hệ sinh thái chung, chúng ta làm tổn thương điều gì thì điều đó sẽ gây tổn thương lại với chúng ta.

Bjorn Persson sống và làm việc tại Stockholm, Thụy Điển. Năm nay anh có những triển lãm ảnh tại Stockholm, Paris và London. Các tác phẩm của anh Bjorn Persson cũng có trong bộ sưu tập ảnh thường trực tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London.

Ảnh của anh cũng đã xuất hiện trên các tạp chí như National Geographic, Africa Geographic, Vagabond và Wildlife.

 

 

 

D.KIM THOA thực hiện - TT0
Tin tức khác