Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
225
123.190.795

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Lan tỏa tình yêu dành cho áo dài
Hoa hậu H’Hen Niê và Á hậu Kim Duyên trong buổi diễu hành áo dài với 2.000 người tham gia tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM sáng 6.3 BTC LỄ HỘI ÁO DÀI

 

 

Chiều 7.3, buổi tọa đàm Áo dài Việt Nam - Tôn vinh vẻ đẹp Việt do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức nhằm hưởng ứng Lễ hội áo dài TP.HCM lần thứ 8 - năm 2022 đã diễn ra sôi nổi.

Lễ hội Áo dài TP.HCM năm nay đang diễn ra từ ngày 5.3 - 15.4 chủ đề Tôi yêu áo dài Việt Nam, với nhiều hoạt động phong phú như: diễu hành áo dài với 2.000 người tham gia, chương trình nghệ thuật chủ đề Áo dài ơi, triển lãm áo dài và điểm đến du lịch tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minhphố đi bộ Nguyễn Huệ, các chương trình truyền cảm hứng về áo dài cho du khách, học sinh, sinh viên, người dân thành phố… Cùng với đó là các cuộc thi, tọa đàm về áo dài, hoạt động đồng hành ở các cơ quan, đơn vị, trường học.

Chương trình cũng nhận được sự đồng hành và hưởng ứng nhiệt tình của các nhà thiết kế áo dài như: Sĩ Hoàng, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Liên Hương, Trisha Võ, Võ Việt Chung, Việt Hùng, nhà thiết kế - nghệ nhân vẽ áo dài Trung Đinh…

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: “Lễ hội áo dài TP.HCM năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước và thành phố đang khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống người dân đang trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt với Covid-19, khẳng định sự trở lại mạnh mẽ và nhanh chóng của ngành du lịch thành phố”. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng tổ chức Lễ hội Áo dài nhằm quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam.

Trong không khí đó, sự kiện tọa đàm Áo dài Việt Nam - Tôn vinh vẻ đẹp Việt do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức với sự chủ trì của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai… nhằm góp phần tôn vinh áo dài truyền thống, giới thiệu nét đẹp, sự tiện dụng của áo dài nhằm đưa áo dài trở thành trang phục quen thuộc, được lựa chọn sử dụng thường xuyên trong công việc hằng ngày và trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng.

Áo dài trong đời sống xã hội

MC Xuân Khánh chia sẻ tại buổi tọa đàm: “Áo dài là trang phục thân thiết, thiêng liêng nhất đối với người Việt. Từ khi ra đời, chúng ta đã được nhìn ngắm, được gần gũi với chiếc áo dài qua dáng hình của bà, của mẹ, của cô giáo… Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam khoác trên mình chiếc áo dài bình dị, e ấp mà duyên dáng, đầy quyến rũ luôn khiến cho bao tâm hồn phải thổn thức, nhớ thương. Để khi xa quê, giữa xứ người nhìn thấy bóng dáng tà áo dài, lại nhắc nhớ về quê hương, nhớ về nguồn cội, tự hào với lịch sử dân tộc…”.

Chị Lê Thị Hương Giang, làm việc tại Hội liên hiệp Phụ nữ Q.Tân Bình, nói: “Trong các trang phục đi làm của tôi như áo đầm, váy, quần tây áo sơ mi..., chồng tôi nói tôi mặc áo dài là đẹp và duyên dáng nhất; vì thế tôi luôn tự tin để diện áo dài đi làm. Hiện nay có không ít người trẻ đi đến Bảo tàng Áo dài thuê áo dài xưa chụp hình, hay tự may những bộ áo dài cung đình để mặc khi đi dạo phố hay dịp quan trọng của cá nhân. Rõ ràng, làn sóng quay về chọn mặc áo dài Việt Nam là một thành công đáng kể của chương trình Lễ hội Áo dài kéo dài suốt 8 năm nay của TP.HCM”.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, cho biết: “Mỗi khi khoác lên mình chiếc áo dài, tôi cảm thấy tự tin hẳn. Mặc áo dài vào cũng tự ý thức lời ăn tiếng nói của mình chuẩn mực hơn và người khác nhìn mình cũng tôn trọng hơn. Theo tôi quan sát, chồng nổi nóng mà thấy vợ đang mặc áo dài thì chồng cũng kìm nén lại, nên hay nói vui với chị em phụ nữ là áo dài còn giữ gìn hạnh phúc gia đình”.

Quyền lực vô hình của áo dài

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng, người sáng lập Bảo tàng Áo dài và là Chủ tịch Viện Trang phục Việt, nói thêm: “Tự thân áo dài có quyền lực vô hình vì cấu trúc cắt may áo dài toàn đường thẳng và chính điều đó tạo nên sự tôn nghiêm cho chiếc áo dài. Áo dài không chỉ là trang phục mặc cho đẹp, mà còn thể hiện lòng tự hào dân tộc. Nếu ta không chọn mặc áo dài thì con cháu của ta cũng không mặc theo, và sẽ bị người khác chiếm lĩnh khi cho rằng đó là trang phục dân tộc của nước họ…”.

Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai nhấn mạnh: “Bên cạnh áo dài truyền thống, ngày nay xuất hiện nhiều mẫu áo dài cách tân đem lại hơi thở mới. Tuy nhiên có một số áo dài cách tân với những biến tấu, phá cách quá mức. Tôi chỉ đưa ra lời khuyên: Đừng nên cách tân quá đà để người ta còn nhìn ra và gọi đó là chiếc áo dài. Vẫn còn nhiều những nét mới về áo dài mà vẫn giữ được văn hóa truyền thống qua các họa tiết, hoa văn... Giới trẻ hãy nhớ cũng đừng chạy theo mốt, trào lưu như kiểu áo dài váy đụp một thời rộ lên, vì đó không phải là áo dài Việt Nam mà là một mẫu áo du nhập giá rẻ từ Trung Quốc”.

Tôi thật sự xúc động khi đến buổi tọa đàm này, thấy được tình yêu áo dài thể hiện rõ qua đủ sắc màu áo dài mà các chị em mặc đến dự, và đã thực sự lắng lòng, suy ngẫm khi nghe thấy tất cả mọi người đều cất lên tiếng nói mãnh liệt nhằm bảo vệ, lan tỏa vẻ đẹp của áo dài trong đời sống hiện nay.

 

Doanh nhân Phùng Thị Thu Thủy (nhà sưu tập và chủ phòng tranh tại TP.HCM)

 

 

 

 

Phan Cao Tùng - TN0
Tin tức khác