Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
386
123.188.298

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Phim về Trịnh Công Sơn chưa như kỳ vọng
Avin Lu vào vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ và Bùi Lan Hương vai ca sĩ Khánh Ly Hai bộ phim về Trịnh Công Sơn ra mắt cùng thời điểm đã tái hiện nhiều giai đoạn trong cuộc đời cố nhạc sĩ, cho thấy tâm huyết rất lớn của nhà làm phim. Tuy nhiên, hai bộ phim vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của khán giả.

 

Liệu có “lội ngược dòng” doanh thu ?

 

Theo số liệu trên Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phân tích dữ liệu doanh thu phòng chiếu trên toàn quốc (có thể thấp hơn số liệu thật khoảng 8 - 10% do hệ thống kỹ thuật không quét được hết các rạp nhỏ lẻ không bán vé qua mạng) - phim Em và Trịnh có doanh thu 3 ngày cuối tuần (tính từ tối 10.6 đến hết 12.6) đầu tiên công chiếu là 11,8 tỉ đồng với 121.668 vé bán ra; còn phim Trịnh Công Sơn chỉ thu được 1,1 tỉ đồng với tổng vé bán được là 11.414.

 

Con số này khiến nhiều khán giả bình luận trong topic (chủ đề) “Dự đoán doanh thu” trên fanpage hội nhóm Box Office Việt Nam về 2 phim Trịnh Công Sơn rằng “khó có kỳ tích như mục tiêu của nhà sản xuất”, “không bùng nổ được vì hiệu ứng khán giả thực sự không tốt”… Theo đó, doanh thu của Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh có thể được xem là “thấp, chưa như kỳ vọng”. Nếu so với phim Việt bán vé thành công gần đây là Nghề siêu dễ thì trong 3 ngày chiếu sớm hồi 22.4, Nghề siêu dễ thu về hơn 21 tỉ đồng từ việc phát hành hơn 212.000 vé. Thời điểm 11.2, phim Chuyện ma gần nhà thu về 40,75 tỉ đồng trong 3 ngày cuối tuần đầu tiên; còn Bẫy ngọt ngào thu 12,71 tỉ đồng. 4 phim Việt có tổng doanh thu cao nhất điện ảnh Việt tính từ đầu năm 2022 đến nay không có phim nào đạt trên 100 tỉ đồng, cụ thể: Bẫy ngọt ngào - 83,3 tỉ đồng, Nghề siêu dễ - 68,6 tỉ đồng, Chìa khóa trăm tỉ - 65,3 tỉ đồng, Chuyện ma gần nhà - 58,7 tỉ đồng. Thế nên, để hai phim Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh có được doanh thu trên 100 tỉ đồng nhằm hòa vốn là điều mà nhà sản xuất phải tính toán trong “chiến lược” thu hút khán giả đến rạp xem hai phim ngay trong thời điểm này.

 

Cả hai phim hiện vẫn đang được sắp lịch chiếu tiếp tục tại các rạp trên toàn quốc, chứ không phải dừng chiếu sau 3 ngày chiếu sớm từ 10.6, để chiếu chính thức vào 17.6 như thông báo của nhà phát hành trước đó. Điều này có thể hiểu hai phim về Trịnh Công Sơn vẫn đang miệt mài tìm kiếm khán giả để tổng doanh thu 10 ngày công chiếu khả quan hơn.

 

Vì sao “bom tấn” chưa gây địa chấn ?

 

Với kinh phí sản xuất trên 50 tỉ đồng, phim Em và Trịnh (cũng như Trịnh Công Sơn vì bộ phim thứ hai này được dựng dựa trên bối cảnh, câu chuyện, dàn diễn viên… của chính Em và Trịnh) được xem là “bom tấn” của điện ảnh Việt khi có sự đầu tư lớn, kỹ lưỡng trong quá trình sản xuất, như có tới 5 năm chuẩn bị, 40 diễn viên chủ chốt, 3.000 diễn viên quần chúng, 1.000 bộ trang phục trong suốt 65 ngày quay... Nhà sản xuất phim Vũ Quỳnh Hà cho biết thêm: “Thường phim khác chỉ có 2 ca khúc nhạc phim, còn phim về Trịnh Công Sơn được làm nhạc tới 39 ca khúc. Đó là sự kỳ công và kinh phí sản xuất Em và Trịnh đương nhiên cao gấp nhiều lần các phim khác. Bên cạnh đó, bối cảnh trải dài từ Huế, Lâm Đồng, Sài Gòn xưa trong phim đều phải dựng mới lại, rất tốn kém”.

Rõ ràng, kinh phí lớn sẽ làm tăng cơ hội tạo ra chất lượng sản xuất tốt hơn, nhưng ai cũng biết phim kinh phí lớn không đồng nghĩa sẽ có chất lượng và doanh thu cao. Thành công ở phòng vé của một bộ phim luôn đến từ chất lượng tổng thể, chiều sâu trong câu chuyện để chạm cảm xúc khán giả. Điều này, quả thật ở Em và Trịnh, Trịnh Công Sơn vẫn còn nhiều lấn cấn, hạn chế (dù phim vẫn được xem là ở mức khá so với mặt bằng chung).

Em và Trịnh giàu cảm xúc và đẹp với hình ảnh lãng mạn xưa cũ được phục dựng, tiểu tiết mỹ thuật ở đạo cụ hoen màu thời gian, cùng âm nhạc vốn đã rất hay qua những ca khúc do Trịnh Công Sơn sáng tác được nhạc sĩ Đức Trí hòa âm - phối khí mới. Nhưng phim lại ôm đồm tình tiết, thiếu kết nối cho những mẩu chuyện nhỏ, khiến phim dàn trải, lê thê suốt 136 phút thông qua lối kể chuyện đan xen giữa thực tại và quá khứ - từ dòng hồi tưởng của Trịnh Công Sơn qua cuộc trò chuyện với cô nghiên cứu sinh người Nhật Michiko Yoshii đang làm luận văn cao học đề tài âm nhạc phản chiến, từng lớp ký ức được lần giở. Nhiều khán giả bày tỏ điều hạn chế nhất của Em và Trịnh chính là “nhà làm phim đã quên đi việc phải tạo ra ít nhất một điểm nhấn cao trào ấn tượng nhất trong toàn bộ phim, để “đẩy” cảm xúc nhớ mãi hay vỡ òa cho người xem”.

 

Nếu như ở Em và Trịnh, phim khai thác nhiều đến những “bóng hồng” trong cuộc đời Trịnh nhạc sĩ, thì phim Trịnh Công Sơn dài 95 phút cũng với những chi tiết đó, nhưng lược bỏ ít nhiều (nhân vật cô gái người Nhật Michiko Yoshii không xuất hiện trong phim này) và dường như thiên về kiểu phim tài liệu, phim chân dung - tiểu sử nhân vật hơn, khi tập trung xoay quanh cuộc đời - sự nghiệp sáng tác của cố nhạc sĩ, với những dòng chạy chữ “thuyết minh” về Trịnh Công Sơn, hay cuộc sống sau này và hiện tại ra sao của Dao Ánh, Khánh Ly, Bích Diễm...

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ trong buổi ra mắt đoàn phim: “Bản dựng đầu tiên của bộ phim Em và Trịnh dài hơn 4 tiếng và sau đó phải cắt dần dần. Bản phim cuối chúng tôi chọn lối kể đa tuyến, có thể không như mình nghĩ nhưng là sự chắt lọc, tinh túy nhất”.

 

 

 

Phan Cao Tùng - TN0
Tin tức khác