Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
370
123.185.498

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Các Kỷ lục Bất biến Việt Nam năm 2022 vừa được xác lập có gì đặc biệt?
Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) là khu dự trữ sinh quyển thế giới duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới VIETKINGS Các Kỷ lục Bất biến Việt Nam vừa được Tổ chức Kỷ lục (VietKings) công bố còn có Làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), Hang Sơng (Quảng Bình) - hang động thạch nhũ san hô duy nhất Việt Nam và Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

 

 

Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), hệ sinh thái rừng khô hạn duy nhất tại Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục (VietKings) công nhận Kỷ lục Bất biến Việt Nam 2022 nằm ở huyện Ninh Hải với tổng diện tích 106.646,45 ha; trong đó, vùng lõi là Vườn Quốc gia Núi Chúa với hơn 15.752 ha, vùng đệm chiếm hơn 48.762 ha và vùng chuyển tiếp gần 42.132 ha. Đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới.

Hệ sinh thái rừng ở khu vực này có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites - thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên trái đất.

 

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 700-800 mm, thời tiết quanh năm nắng nóng.

Điều kiện khí hậu khô nóng đã hình thành nên một hệ sinh thái đặc thù với diện tích khoảng 10.600 ha, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa.

Điển hình của hệ sinh thái này là các loại thực vật có khả năng chịu hạn với các đặc điểm như rụng lá về mùa khô, cây thấp lùn; lá nhỏ và dày, có răng cưa, nhiều gai để giảm quá trình thoát hơi nước như xương rồng, trâm bầu, mùng quân ấn, lọ nồi ô rô, huyết giác, quyển bá xoắn...

 

Làng Lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất Việt Nam

 

Các thư tịch cổ, một số tài liệu và di vật cổ còn lưu giữ cho thấy nghề dệt làng Vạn Phúc ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 9. Tương truyền có bà A Lã Thị Nương từng sống ở trang Vạn Bảo (sau đổi thành làng Vạn Phúc) đã có công dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa. Sau khi mất, bà được dân làng tôn kính và phong làm Thành Hoàng làng. Trong miếu thờ bà ngày nay vẫn còn lưu lại trang lịch sử được viết trên đá, cùng với đó là chiếc khung cửi cổ - chứng tích lịch sử của một làng nghề dệt lụa.

Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra thị trường quốc tế ở hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, lụa Vạn Phúc xuất sang các nước Đông Âu và đến nay được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.

Lụa Vạn Phúc rất bền và đẹp, khoác lên mình người sử dụng sẽ cảm nhận được sự mềm mại, nhẹ nhàng của nó. Nét đặc sắc và độc đáo nhờ phần lớn vào bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân nơi đây. Hoa văn trên lụa rất đa dạng, được các nghệ nhân chăm chút rất tỉ mỉ, bao giờ cũng được trang trí đối xứng với nhau, đường nét không rườm ra, phức tạp mà luôn tạo cảm giác phóng khoáng, dứt khoát.

Chính vì thế, từ lâu lụa Vạn Phúc từng được chọn là một loại vải để may các trang phục triều đình, đặc biệt được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn.

 

Hang Sơng (Quảng Bình), hang động thạch nhũ san hô duy nhất tại Việt Nam

 

Hang Sơng được phát hiện vào cuối năm 2017, là hang động thạch nhũ san hô duy nhất tại Việt Nam. Hang Sơng là một trong mười hang thuộc hệ thống hang động Tú Làn, có chiều dài 639 m.

Hang nằm trên đỉnh một ngọn núi cao khoảng 200 m cạnh thung lũng Tổ Mộ. Đây là hang hiếm hoi hình thành trên đỉnh núi, đó cũng là lý do tại sao mãi đến gần đây hang Sơng mới được tìm thấy. Trong hơn 300 hang ở Quảng Bình, thạch nhũ san hô ở đây là duy nhất. Hang Sơng sở hữu những thạch nhũ san hô độc đáo bậc nhất và hiếm có.

Hệ thống san hô trong Hang Sơng được ví như một "thủy cung" trên không trung. Các rạn san hô trong Hang Sơng có hình thù như mô hình các vương quốc thu nhỏ. Hang Sơng chứa các khối thạch nhũ và đá có màu sắc lạ mắt nhất, kết hợp từ xanh rêu tới tím, xanh tím than...

 

Bảo tàng Thế giới Cà phê (Đắk Lắk), bảo tàng cà phê đầu tiên tại Việt Nam

 

Kiến trúc công trình gồm 5 khối nhà uốn cong đầy ngẫu hứng kết nối với nhau, lấy cảm hứng từ hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê và mái nhà rông Tây Nguyên. Quần thể công trình nằm trong một khuôn viên rộng rãi nhiều cây xanh. Đây là bảo tàng chuyên đề về cà phê đầu tiên ở Việt Nam, trưng bày và giới thiệu về lịch sử ngành cà phê cũng như văn hóa cà phê trên thế giới.

Bảo tàng Thế giới Cà phê là tổ hợp của nhiều không gian, trong đó có các không gian dành cho trưng bày, triển lãm, thư viện, hội thảo, nơi thưởng lãm cà phê…

 

Ở không gian quan trọng nhất là không gian trưng bày, khách tham quan có cơ hội được hiểu thêm rất nhiều về lịch sử và văn hóa của cà phê và ngành cà phê, từ việc trồng trọt, chăm sóc, thu hái, bảo quản cà phê tới việc chế biến, pha chế và thưởng thức cà phê. Cũng trong không gian này, khách tham quan cũng được khám phá về ba nền văn minh cà phê, đó là nền văn minh cà phê thiền, Ottoman và Roman.

Điểm nhấn của bảo tàng là bộ sưu tập hơn 10.000 hiện vật về lịch sử phát triển của cà phê thế giới được mang về từ một bảo tàng của nước Đức. Các hiện vật này được giới chuyên môn đánh giá là một trong những bộ sưu tập dụng cụ sản xuất, chế biến cà phê phong phú nhất thế giới. Bên cạnh đó, Bảo tàng Thế giới Cà phê cũng trưng bày nhiều vật dụng, công cụ sản xuất và chế biến cà phê của Việt Nam từ thời kỳ sơ khai đến ngày nay.

Bên cạnh không gian trưng bày cố định, Bảo tàng Thế giới Cà phê vừa được Tổ chức Kỷ lục (VietKings) công nhận Kỷ lục Bất biến Việt Nam 2022 còn là nơi tổ chức các trưng bày chuyên đề và nhiều sự kiện văn hóa lớn. (Còn tiếp)

 

 

 

Lê Công Sơn - TN0
Tin tức khác