Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
368
123.185.550

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhớ mãi chợ nổi Phụng Hiệp
Những "bảng hiệu sống", một hình thức rao hàng tiếp thị rất độc đáo mà lần đầu tôi được chứng kiến TÔN THẤT THỌ Gần 15 năm trước, tôi đã có một chuyến đi về thăm các tỉnh vùng sông nước ở miền Tây Nam bộ; dịp này, được giới thiệu đi tham quan, mua sắm ở chợ nổi Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Đây được xem là một trong những chợ họp trên sông nước rất đặc trưng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

Được sự hướng dẫn anh Vinh - một người thân định cư ở Cần Thơ đã lâu năm, từ thành phố Cần Thơ nhóm chúng tôi đi xe về huyện Phụng Hiệp, cách Cần Thơ khoảng 30 km về phía nam, sau đó lên một chiếc thuyền để đến chợ.

Anh Vinh cho biết, chợ nổi Phụng Hiệp còn gọi là chợ nổi Ngã Bảy, bởi chợ họp ngay vùng hợp lưu của 7 con sông nhỏ là: Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Còn, Mang Cá và kênh Xáng. Ngày trước, nhiều làng nghề đã hình thành dọc tuyến sông như đóng ghe, đan cần xé, trồng rẫy… Với chợ nổi Ngã Bảy, việc tụ họp tại 7 nhánh sông đã trở thành một nét riêng khó hòa lẫn và là nơi thu hút những ai thích du lịch miền Tây khám phá, bởi mỗi nhánh sông có một làng nghề đặc trưng không giống nhau. Đây cũng nơi đã đi vào thơ ca, âm nhạc làm say đắm lòng người qua bao thế hệ.

Thật là ấn tượng!

Chúng tôi đến Phụng Hiệp từ sáng sớm, khi những tia nắng bình minh đầu tiên chiếu đỏ ở một góc sông thì đã có hàng trăm chiếc thuyền của bà con nông dân khắp vùng rộn ràng ngược xuôi trên một vùng sông nước rộng lớn. Tiếng máy nổ, tiếng người í ới gọi nhau tạo nên một bản hòa âm rất rộn ràng và sinh động.

Khác với chợ trên bờ là chợ “tĩnh”, chợ nổi là chợ “động”; các "sạp" thuyền luôn di chuyển. Hầu như mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây, và loại trái đó sẽ được treo lên một cây sào cao tượng trưng như để thông báo rằng: thuyền này bán nhãn, thuyền kia bán xoài. Đó là những "bảng hiệu sống", một hình thức rao hàng tiếp thị rất độc đáo mà lần đầu tôi được chứng kiến.

Nhìn quanh một lượt thì ôi thôi bạt ngàn màu sắc và hương vị của rất nhiều loại trái cây, rau củ, cùng với các đồ dùng sinh hoạt của miền quê sông nước. Nổi bật là màu đỏ tươi của những bao chôm chôm, màu tím thẫm của măng cụt, đâu đây tỏa ngát hương vị thơm lừng của trái sầu riêng...

Ngoài trái cây, hàng hóa ở chợ nổi cũng khá phong phú, trên bờ có gì, dưới sông có nấy! Từ cây kim sợi chỉ đến thực phẩm, đồ gia dụng… Các loại rau quả, cây trái thì được bán ký, bán mớ, bán chục. Gọi là chục nhưng có loại tính tới 14, 16! Người đi chợ cũng dùng thuyền, cảnh thuyền bè đông đúc cặp mạn mua bán nhộn nhịp trông rất vui mắt. Có thuyền bán sỉ, có thuyền bán lẻ, tất cả đang ngược xuôi, đi lại như mắc cửi, nhưng thật lạ là không hề ùn tắc hay va quẹt vào nhau!

Người lái thuyền phần lớn là phụ nữ với trang phục bà ba, nón lá, nói năng chân chất, mộc mạc. Nhiều cô xinh xắn, da trắng ngọt như nước dừa, má hồng như mận chín, mắt tròn đen như nhãn đầu mùa, cứ lúng liếng cười khi gặp những khách lạ lớ ngớ lần đầu đi chợ nổi. Anh Vinh cho biết mua bán ở đây không sợ nạn nói thách hay mua lầm như ở chợ phố.

Tôi chợt nghĩ: phải chăng từ khung cảnh "trên bến dưới thuyền" này đã sản sinh ra những câu hò, điệu lý; những bài vọng cổ hay những giai điệu đàn ca tài tử… được người dân Nam bộ lưu truyền mãi đến tận ngày nay? Cái khung cảnh trước mắt làm cho tôi liên tưởng đến khúc hát “chuyện tình anh bán chiếu” với những lời ca ẩn chứa một câu chuyện đẹp, khơi gợi nhiều cảm xúc mỗi khi nhắc đến địa danh Ngã Bảy này...

Chợ nổi chỉ họp đến xế trưa, khi mặt trời càng lên cao thì chợ thưa dần, trả lại khúc sông cảnh vắng lặng, hiền hòa và êm ả.

Được biết, vào năm 1992, ông Jacques Yves Cousteau - thuyền trưởng tàu Calypso nổi tiếng đã đến chợ nổi Phụng Hiệp để thực hiện một bộ phim tài liệu về cái chợ độc đáo này. Và để có được bộ phim tài liệu đặc sắc đó, ông đã dùng thủy phi cơ bay trên độ cao hơn 100 mét và 4 chiếc ca nô chuyên dùng tỏa ra khắp các điểm chợ. Khi thực hiện xong bộ phim, ông đã có nhận xét: "Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, cần giữ gìn, phát huy". Điều đó cho thấy chợ nổi Phụng Hiệp là nơi nức tiếng một thời bởi bề dày lịch sử của nó, đây là nơi được cho là có không khí mua bán nhộn nhịp, sôi động nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng hôm đó, chia tay khu chợ nổi Phụng Hiệp trên chiếc thuyền tròng trành sóng nhẹ, lòng tôi mang theo cả vùng trời sông nước mát lành, cả những mùi vị ngọt ngào của một vùng đất sản sinh đầy hương thơm của trái ngọt!

Đã 15 năm trôi qua, tôi chưa ghé lại nơi đây, chỉ biết rằng qua thời gian, chợ nổi Phụng Hiệp nhiều lần thay đổi địa điểm do vấn đề giao thông, do vệ sinh môi trường và hiện nay, đã “teo tóp” dần nên du khách ít đến tham quan. Chợ nổi nổi danh một thời đang bị mai một và dần vắng bóng, lý do chính để nó khó tồn tại chính là việc trao đổi hàng hóa đã ít dần hẳn đi, bên cạnh khuynh hướng đô thị hóa cũng đã làm cho việc sản xuất sản vật không còn như ngày trước. Âu đó cũng là quy luật của xã hội!

Gần đây lại được nghe thông tin chính quyền địa phương đã có kế hoạch phục hồi lại khu chợ nổi truyền thống và danh tiếng một thời, đó là cách để giữ gìn, phát huy nét đặc trưng về văn hóa của đô thị vùng sông nước miệt vườn; nét đặc trưng của vùng đất phương nam mà không phải nơi nào cũng có được! Đành rằng ở miền Tây Nam bộ, không chỉ có chợ nổi Phụng Hiệp mà còn có nhiều khu chợ khác như ở Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã Năm (Sóc Trăng) nhưng phải nói rằng chợ nổi Phụng Hiệp là khu chợ đặc biệt gây nhiều ấn tượng nhất cho những người khách phương xa...

 

 

 

Tôn Thất Thọ - TN0
Tin tức khác