Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
667
123.167.975

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhạc Việt tiếp tục tìm đến 'kho tàng' văn học, văn hóa dân gian
Hòa Minzy với MV Thị Mầu NSCC Ngày càng có nhiều ca khúc nhạc trẻ Việt chọn khai thác ca từ, nội dung từ các tác phẩm văn học nổi tiếng, các chuyện xưa, tích cũ hay chất liệu văn hóa dân gian.

 

 

Hoàng Thùy Linh với 2 album riêng trong 3 năm qua đã gây dựng cho mình "thương hiệu" riêng, giành nhiều giải thưởng lớn, khi sử dụng nhiều chất liệu dân gian trong các tác phẩm như: Để Mị nói cho mà nghe, Bánh trôi nước, Em đây chẳng phải Thúy Kiều, Duyên âm, Gieo quẻ, Kẻ cắp gặp bà già... Đặc biệt, bài hát See tình (một bản disco pop vui nhộn, phần điệp khúc mang một chút âm hưởng ngũ cung và MV khai thác chất liệu văn hóa dân gian miền Tây Nam bộ với câu cải lương mở đầu) có sức hút bền bỉ kéo dài hơn 2 năm và đã vụt sáng trên toàn cầu.

Gần đây, nhiều ca sĩ trẻ khác cũng bắt đầu chọn hướng đi này để khai thác trong âm nhạc của mình như Hòa Minzy, Phương Mỹ Chi, Dương Hoàng Yến, Bùi Công Nam, Tạ Quang Thắng… và được đông đảo khán giả đón nhận.

Phương Mỹ Chi ra mắt MV Vũ trụ có anh vào 26.4, đánh dấu chặng đường 10 năm từ một cô bé hát dân ca đến thiếu nữ tuổi 20. Trong MV này, Phương Mỹ Chi không chọn khúc dân ca theo sở trường mà quyết định thử sức với nhạc dân gian hiện đại, kết hợp nhóm DTAP, rapper Pháo. MV Vũ trụ có anh nhận được hơn 10 triệu lượt xem, được đánh giá cao bởi sự cài cắm chất liệu dân gian gồm ca trù, ngũ cung, kết hợp yếu tố hiện đại như disco, hình ảnh Disney. Phương Mỹ Chi cho biết cô "muốn tiếp cận đến giới trẻ theo nhiều cách và gìn giữ, phát huy âm nhạc truyền thống".

Hôm 22.6, Phương Mỹ Chi tiếp tục ra mắt MV Đẩy xe bò lấy ý tưởng từ tác phẩm văn học Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân (hiện đạt tổng hơn 3 triệu lượt xem). MV trẻ trung với màn vũ đạo của Phương Mỹ Chi cùng 200 sinh viên, động tác đẩy xe do biên đạo Lit Nguyễn sáng tạo, tạo nét tươi vui, rộn ràng. Nhạc phẩm do DTAP sáng tác, thuộc thể loại folk-tronica pha trộn pop, house, nhạc dân gian. MV không thuật lại nội dung hay hóa thân nhân vật trong Vợ nhặt, mà mượn bối cảnh cuộc sống năm 1945 để nói về tình yêu thời nay.

Mới đây, vào đầu tháng 7, ca - nhạc sĩ Tạ Quang Thắng ra mắt MV bài rock lấy cảm hứng từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, kết hợp nhóm nhạc Ngũ Cung. Tạ Quang Thắng chia sẻ anh viết nhạc phẩm như cuộc đối thoại của Sơn Tinh, Thủy Tinh. Tình tiết Thủy Tinh mỗi năm dâng nước đánh Sơn Tinh được tác giả khắc họa qua lời hát: "Chuyện xưa khác rồi Thủy Tinh ơi/Mị Nương yêu dấu là vợ ta rồi/Mà ngươi sao vẫn cứ hại mãi/Làm mưa gió bão giông cuồng dại". Tạ Quang Thắng nói: "Tôi mong các câu chuyện mang đậm tính dân tộc được kể tiếp tục bằng âm nhạc".

Hồi tháng 3 năm nay, ca sĩ Hòa Minzy cũng cho ra mắt MV Thị Mầu do Nguyễn Hoàng Phong sáng tác, Masew thực hiện bản phối nhạc dân gian kết hợp điện tử. Ca khúc có giai điệu sôi động kết hợp hài hòa cùng những chất liệu dân gian, như câu chuyện về nhân vật Thị Mầu, các nhạc cụ cổ truyền, hình ảnh sân khấu và trang phục chèo. Hòa Minzy mong khán giả xem MV sẽ có hứng thú tìm hiểu về chuyện Thị Mầu, Thị Kính và nghệ thuật chèo VN. Ca khúc này hiện có gần 40 triệu lượt xem trên YouTube.

 

Sáng tạo âm nhạc với cá tính riêng

 

Do Hoàng Thùy Linh quá thành công với những ca khúc mang âm hưởng dân gian nên những ca sĩ sau đó khi tung ra những ca khúc thuộc dòng nhạc này đều bị đưa ra so sánh, cho là "bắt chước", "ăn theo". Thế nhưng rõ ràng những đặc quyền về chất liệu nhạc này không thuộc về Hoàng Thùy Linh, và mỗi nghệ sĩ khác đều có quyền khai thác, làm mới, theo đuổi trên con đường âm nhạc của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy nhận định: "Văn học dân gian, văn học kinh điển là nguồn chất liệu độc đáo và hấp dẫn để nghệ sĩ trẻ có thể sáng tạo sản phẩm âm nhạc vừa hợp thời đại, vừa mang bản sắc dân tộc. Việc giới trẻ, văn nghệ sĩ sử dụng chất liệu dân gian, văn học cho sản phẩm của họ là điều đáng khuyến khích bởi sẽ góp phần lan tỏa, giữ gìn những nét đẹp truyền thống".

 

Tẩy chay sản phẩm xuyên tạc, phản cảm

 

Khai thác chất liệu văn học, dân gian là rất đáng khích lệ, nhưng sáng tạo cần phải chắt lọc và biến hóa phù hợp để tạo ra những ca khúc, những sản phẩm âm nhạc có chất lượng và giàu ý nghĩa nhân văn, có giá trị tích cực với công chúng. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, đoạn rap chế lời từ bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu bị chế nhạc phản cảm với vô số ca từ không phù hợp trên TikTok đã nhận sự phản đối kịch liệt từ dư luận. Trước những chỉ trích, người thực hiện bản phối cho bài rap này là DJ FWIN cho biết đã quyết định gỡ bỏ phiên bản trên, cho biết sẽ cẩn thận và chỉn chu trong cách làm nhạc để tránh phạm phải sai lầm tương tự. Còn 2see, người sáng tác đoạn rap, đã lên tiếng xin lỗi, ẩn bài nhạc trên YouTube và xóa bài nhạc chế gốc trên mọi nền tảng.

 

Hiện tại, nhóm DTAP là tác giả có nhiều ca khúc sử dụng "vốn liếng" từ văn hóa Việt, như một loạt ca khúc của Hoàng Thùy Linh hay cả Đức Phúc với Người ơi người ở đừng về... DTAP là nhóm producer gồm 3 thành viên. Điểm quyết định làm nên thành công của DTAP là ở tư duy sáng tác mới. Nhóm lấy cảm hứng từ truyện Vợ chồng A Phủ, chuyển hóa thành bài nhạc Để Mị nói cho mà nghe. Rất hiếm hoi, câu chuyện ở một tác phẩm văn học nổi tiếng được thể hiện sinh động như vậy trong bài nhạc, và thành công của Để Mị nói cho mà nghe đã nói lên tất cả. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong tiết lộ DTAP nằm trong nhóm producer gen Z được săn đón nhiều nhất cho vai trò giám đốc âm nhạc của nhiều chương trình lớn cũng như các album của ca sĩ ngôi sao lẫn ca sĩ mới hiện nay.

 

Chia sẻ về xu hướng nhạc Việt lồng ghép yếu tố văn học, dân gian truyền thống, ông Trần Thăng Long, đại diện Universal Music Vietnam, nói: "Các nghệ sĩ trẻ chỉ cần tập trung vào sáng tạo âm nhạc và phát triển cá tính riêng thì cơ hội để tỏa sáng với những nhạc phẩm bắt tai, hợp thời vẫn luôn chờ phía trước. Để một ca khúc lan tỏa xa hơn đường biên giới, yếu tố văn hóa Việt và sự hiện đại hòa quyện là điều không thể thiếu". 

 

 

Phan Cao Tùng - TN0
Tin tức khác