Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
874
123.167.223

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người viết thư thuê cuối cùng ở Bưu điện TP.HCM
Ông luôn giữ cho mình những nguyên tắc được xem như đạo đức của nghề nghiệp. Đó là phải chính xác, chuẩn mực, không thêm bớt, viết đúng những gì khách yêu cầu và tuyệt đối giữ bí mật TGCC Cách đây chưa lâu, du khách đến Bưu điện TP.HCM hẳn nhìn thấy nơi hàng ghế dành cho người ngồi ghi chép, có một cụ ông ngồi đó với quần áo chỉnh tề, cạnh ông là tấm biển bằng tờ giấy A4 ghi: "Nơi chỉ dẫn và viết giúp" bằng tiếng Việt, Anh, tiếng Pháp.

 

 

Đó là ông Dương Văn Ngộ, người dịch và viết thư thuê lâu năm nhất ở Việt Nam.

 

Cơ duyên đến với nghề viết thư thuê

 

Dù đã bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn nhớ rõ những chuyện của ngày xưa, lúc bước vào nghề. Ông kể, mình bắt đầu làm bưu tá ở Bưu điện Thị Nghè vào năm 1946 khi được 16 tuổi. Đến năm 18 tuổi ông thi đậu vào Bưu điện Sài Gòn (nay là Bưu điện TP.HCM) với chân thư ký. Năm 36 tuổi, ông được cử đi học tiếng Anh tại Trường Việt - Mỹ. Với vốn tiếng Pháp vững vàng từ thời tiểu học, ông học thêm tiếng Anh khá dễ dàng. Năm 1990, về hưu lại còn khỏe, ông mong được tiếp tục làm việc ở bưu điện nên đã trình bày ý kiến của mình đến những người có trách nhiệm. Ban giám đốc đã trân trọng mời ông tiếp tục ngồi ngay trong bưu điện để dịch và viết thư thuê cho những ai có nhu cầu.

Ông Ngộ cho biết: "Hồi trước cũng có 5, 7 người thay phiên nhau làm công việc này nhưng giờ mất hết rồi, chỉ còn mình tôi. Các con tôi dư sức nuôi tôi. Nhưng ở nhà cũng buồn, tôi đi làm cho vui, đỡ nhớ nghề và cũng góp một chút tâm sức quảng bá cho đất nước. Tôi sẽ làm đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới thôi". Ông còn giải thích nghề này trong tiếng Anh gọi là "public writer", nghĩa là "người viết thư cho công chúng". Cụm từ này dịch sát nghĩa nhất, bởi vì phí dịch vụ là tùy lòng hảo tâm của mỗi người. Mỗi lá thư viết hoặc dịch hộ, ông chỉ nhận của khách 10.000 – 15.000 đồng.

Ông Dương Văn Ngộ đã qua đời tại nhà riêng vào ngày 1.8, hưởng thọ 94 tuổi. Bà Dương Thị Yên - con gái út ông Ngộ cho biết, ông ra đi nhẹ nhàng và thanh thản. Gia đình làm lễ nhập quan cho ông lúc 8 giờ ngày 2.8 tại nhà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Ngày 5.8, linh cữu ông sẽ được đưa về nghĩa trang Hoa viên Bình Dương an táng.

Cho đến nay, ông đã viết hàng vạn lá thư, mỗi bức thư là một hoàn cảnh, mỗi tâm trạng. Trong đó có những lá thư đã trở thành nhịp cầu kết nối tình yêu. Có những bức thư đã giúp người thân tìm được nhau trong tình mẫu tử thiêng liêng và đầy xúc động. Ông tâm sự, nghề viết thư thuê cho ông một tài sản rất lớn, đó là những cảm xúc dạt dào và thầm kín nơi đáy tim người gửi. Có những bức thư chia xa đẫm nước mắt khiến ông cũng buồn theo vì chẳng đành lòng. Có những dấu yêu ông muốn quên mà chẳng thể được. Đó là những câu chuyện tình yêu xuyên biên giới, chuyện những người con thất lạc tìm được cội nguồn, hoặc tình mẫu tử. Để rồi, qua những cánh thư, ông luôn có dịp sẻ chia mọi buồn vui của nhân tình thế thái.

 

Nghiêm túc, chỉn chu với công việc của mình

 

Ba thập kỷ viết thư thuê nhưng không vì vậy mà ông Ngộ chủ quan trong công việc của mình. Trên bàn làm việc của ông luôn có những cuốn từ điển Anh - Việt, Việt - Anh và Việt - Pháp đã nhuốm màu thời gian. Mỗi khi thắc mắc một chữ nào đó ông liền mở từ điển, rồi dùng kính lúp tra lại một cách kỹ càng. Hầu như trang nào của những cuốn từ điển này cũng có những dòng chữ nho nhỏ do ông thêm vào, chủ yếu đều là từ mới mà từ điển còn thiếu. Ông nói kiến thức bao la, ngôn ngữ cơ bản và chuyên ngành ông có thể thông thạo, nhưng từ ngữ để thể hiện hết cảm xúc thì vẫn phải trau dồi mỗi ngày; riêng với những văn bản pháp lý, thì mình phải phiên dịch thật chính xác.

 

Với chừng ấy năm viết thư thuê, ông luôn giữ cho mình những nguyên tắc được xem như đạo đức của nghề nghiệp. Đó là phải chính xác, chuẩn mực, không thêm bớt, viết đúng những gì khách yêu cầu và tuyệt đối giữ bí mật. Bởi theo ông, với nghề viết thư thuê này bắt buộc phải quên hết những gì đã viết bởi đó là thông tin cá nhân người khác cần được tôn trọng và cũng giữ tâm hồn mình thanh thản hơn. Ông tự nhận mình không bao giờ viết những bức thư than nghèo kể khổ để xin tiền, trục lợi hoặc nói không đúng sự thật. Không lấy hơn công sức mình bỏ ra và cũng không nhận những gì không thuộc về mình.

 

Ông Ngộ cho biết, mỗi khi làm cầu nối cho khách thành công, ông rất vui. Những người được ông giúp ai cũng viết thư cảm ơn. Có khách còn tặng quà, nhưng ông không nhận. Vì ông làm việc này không phải vì tiền, vì quà, mà muốn giúp đỡ người khác. Ông luôn mang theo bên mình khá nhiều những tấm ảnh chụp cùng với du khách do họ gửi tặng và bài viết về ông của một nữ ký giả đăng trên tờ Der Spiegel của Đức. Cô trân trọng gọi ông là "Người kết nối thế giới bằng cây bút mực". Đó cũng là những niềm vui giúp ông gắn bó công việc đến tận bây giờ. Năm 2009 ông nhận kỷ lục "Người viết thư thuê lâu nhất Việt Nam" do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao tặng.

 

Việc hôm nào, ông làm xong hôm đó, không nhận và hứa hẹn đến ngày mai, vì đâu biết mai mình có khỏe để tiếp tục được không. Mỗi khi cần phải nghỉ để đi khám bệnh hay nhà có việc, ông đều báo trước cho anh em bảo vệ bưu điện biết vì "làm người phải có uy tín, nếu mình nghỉ mà không thông báo sẽ phiền biết bao khách đến chờ".

 

Nhân chứng cùng thời gian

 

Với ông, những hình thức liên lạc ngày nay như email, tin nhắn… tuy thuận tiện, nhanh chóng hơn xưa nhiều nhưng phải viết tay mới rèn giũa được nhân cách, giữ được lòng người. Ông sợ sau này sẽ chẳng còn ai nhớ đến thư tay nữa. Từ thời xuất hiện máy đánh chữ đến lúc máy vi tính trở nên thông dụng, ông vẫn trung thành với cách viết thư bằng tay. Bởi theo ông, viết tay cũng là một cách mang đến cho mình cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản. Những nét chữ như gởi gắm tâm tư của chủ nhân nó đến với người khác một cách trân trọng hơn. Ông vẫn luôn cố giữ những ngôn từ cũ, ít khi sử dụng ngôn ngữ hiện đại trong các bức thư của mình. Theo ông, tùy theo đối tượng hoặc tình huống mà dùng từ ngữ cho phù hợp.

 

Cả cuộc đời ông Ngộ gần như gắn chặt với Bưu điện TP.HCM, nên ông rành rọt từng góc nhỏ và nhớ kỹ từng chi tiết kiến trúc có ý nghĩa mà bưu điện vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Theo lời ông kể, ngày xưa bên trong bưu điện không có nhiều quạt máy như bây giờ nhưng vẫn rất mát do người Pháp thiết kế trần cao, thông thoáng, vào đã thấy dễ chịu. Kiến trúc của bưu điện bây giờ không có thay đổi gì nhiều so với những năm trước. Ở phía ngoài bưu điện, những cây cột được khắc tên của những danh nhân thế giới. Ông nói rằng cuộc đời mình giống như tòa nhà bưu điện này. Tuy trải qua sự biến thiên của thời cuộc, sự thay đổi của xã hội nhưng vẫn giữ được phong thái xưa, như "những người muôn năm cũ".

 

Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan Bưu điện TP.HCM. Trong số đó, không ít người tìm đến ông để chụp hình hoặc nhờ ông viết thư vì kính trọng sự tỉ mẩn trong cách dịch và viết thư của ông. Ông cũng giới thiệu với khách du lịch về những câu chuyện Sài Gòn - TP.HCM, gợi ý họ nên thăm thú nơi đâu. Bằng sự hiểu biết, khiêm nhường và nhiệt tình của mình, ông đã mang lại cho khách du lịch một hình ảnh đẹp về con người Việt Nam.

Khi những dòng chữ này đến với bạn đọc thì ông Ngộ đã không thể hằng ngày đến Bưu điện TP.HCM tiếp tục công việc của mình vì lý do sức khỏe. Nhưng hình ảnh về ông, một người luôn nghĩ đến cộng đồng, vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của nhiều thế hệ.

 

 

Chung Thanh Huy - TN0
Tin tức khác