Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
708
123.167.873

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Ông chủ 'sê-ri' rạp ở Sài Gòn
Poster phim chiếu rạp Đại Đồng Sài Gòn Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp Sài Gòn từng có gần cả trăm rạp hát, rạp chiếu bóng trải dài khắp các quận nội, ngoại thành. Nhưng ai là người sở hữu nhiều rạp nhất Sài Gòn? Dưới đây là câu chuyện từ hậu duệ của ông chủ "sê-ri" - chuỗi hơn 10 rạp hát, rạp chiếu bóng xưa ở Sài Gòn.

 

 

Ông Tư Thiêm nổi danh đất Bắc

 

Một câu chuyện lưu truyền trong giới mê rạp hát - rạp chớp bóng trước năm 1975 kể rằng ở Sài Gòn thập niên 1950, từng có ông chủ của "chuỗi" rạp trải dài từ trung tâm Sài Gòn qua khu Tân Định, Gia Định. Lời đồn ấy có thật? Tháng 6.2023, tôi đã được gặp ông Nguyễn Tiến, 71 tuổi (Q.11, TP.HCM), cựu giáo viên dạy toán ở TP.HCM, để tìm hiểu câu chuyện này. Ông Tiến cho biết ông là con út của ông chủ rạp từng sở hữu mấy chục rạp hát, chớp bóng từ Bắc vào Nam trước năm 1975.

 

Ba của ông Tiến là ông Nguyễn Thiêm (còn gọi là Tư Thiêm) sinh năm 1915, ở Hà Đông (Hà Nội ngày nay - PV). Cùng với vợ là bà Đỗ Thị Sâm, hai ông bà kinh doanh từ rất sớm và giàu có tiếng ở đất kinh kỳ. Trước 1954, ở Hà Nội, họ có một tiệm tạp hóa ở phố Bông Đỏ, tỉnh Hà Đông, tiệm đại lý bia Con Cọp ở phố Nguyễn Hữu Độ, nhiều cư xá cho thuê ở tỉnh Hà Đông, một hãng xe ngựa Liên Hà, hãng xe đò Thái Thịnh, hãng xe vận tải và hãng sản xuất giày cao su ở Hà Đông.

 

"Gia sản đồ sộ như vậy nhưng ông bà rất chú trọng chuyện học hành. Sinh thời, bố tôi có 16 người con, trong đó có 8 con trai. Ông luôn dạy các con phải học để không bị coi là "trọc phú". Vì vậy, khi các anh tôi phải cùng bố làm ăn, quản lý tài sản thì tôi là con út, cùng với mấy chị gái được bố cho đi học chứ không cần phụ việc làm ăn. Khi chị kế tôi đậu trường dược, bố mẹ tôi mừng lắm. Bố mua cho chị chiếc xe hơi đi học. Các anh ra đời sớm đi làm hết, lái xe vận tải, xe đò, phụ bố làm kinh doanh nên học hành không nhiều mà bù lại rất giỏi làm giàu". Năm 1940, nhà hát cải lương đầu tiên ở Hà Nội do ông Tư Thiêm lập ra có tên "Thiêm Xuân Đài", gọi tắt là rạp Thiêm Xuân (lấy tên ông Thiêm và vợ là Sâm nhưng đặt trại đi là Xuân cho đẹp). Sau đó là rạp hát ở phố Bóp Kèn (Hà Đông), rạp ở Ngã Tư Sở, Hà Nội. "Bố đi làm rồi quen mấy hãng phim chuyên nhập phim Ấn Độ nên mới có ý tưởng xây rạp chớp bóng", ông Tiến kể.

Năm 1951, ông Nguyễn Thiêm xây một loạt rạp Đại Đồng - sau đổi là Majestic ở Hà Đông. Năm 1952, ông xây 2 rạp Đại Đồng, một ở phố Ngọc Hà và một ở phố Kim Mã (Hà Nội). Năm 1953, ông xây rạp Đại Đồng ở số 46 phố Hàng Cót (Hà Nội). "Tên của rạp nghĩa là "một thế giới đại đồng, bình đẳng", bố thích ý đó nên mới đặt tên rạp như vậy. Bố tôi còn muốn tiếp tục một dự án lớn, xây dựng rạp hát Đại Đồng ở mỗi tỉnh thành", ông Tiến nói.

 

Khi di cư vào Sài Gòn năm 1955, ông Tư Thiêm mang theo hành lý là toàn bộ ghế ngồi, máy chiếu phim ở các rạp đã xây tại Hà Nội. "Chẳng biết bằng cách nào mà bố tôi có thể mang hết thảy vào. Ông nói nơi đất khách tốt nhất là làm nghề mà mình giỏi nhất, là kinh doanh rạp chiếu bóng. Vậy là cuối năm 1955, rạp Đại Đồng đầu tiên ở đường Cao Thắng gọi là Đại Đồng Sài Gòn ra đời, giao cho người anh cả của tôi tên Nguyễn Thịnh quản lý. Khi ấy, tôi mới được vài tuổi, anh chị em trong nhà lớn hơn đều phải cùng bố xây rạp, làm như con nhà lao động để tiết kiệm chi phí hết sức. Rạp có rồi thì chia nhau quản lý. Con trai thì nhập phim, bán vé. Con gái bán mía ghim, đồ ăn thức uống trước rạp… Cả nhà cùng nhau làm để lập nghiệp nơi đất mới", ông Tiến kể lại.

 

14 năm làm chủ 20 rạp ở miền Nam

 

Theo tư liệu của gia đình, từ năm 1955 đến cuối năm 1968, ông Tư Thiêm xây và thuê lại khoảng gần 20 rạp hát, chớp bóng từ Sài Gòn cho tới Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương. Cụ thể: Năm 1957, ông xây rạp Đại Đồng (Gia Định) nằm ở đường Nguyễn Văn Học (nay là đường Nơ Trang Long) cùng một số công trình như hồ bơi và một khu giải trí diện tích hơn 4.000 m2. Năm 1958, ông xây thêm một rạp ở Gò Vấp, dự định lấy tên Đại Đồng (Gò Vấp), tuy nhiên trước đó Tổng nha Cảnh sát có nghi vấn về việc đặt tên hai chữ Đại Đồng có liên quan đến kinh tài cho miền Bắc nên gọi ông Tư Thiêm lên chất vấn. Để tránh rắc rối, những rạp hát sau này ông không dùng tên Đại Đồng nữa, chẳng hạn rạp ở Gò Vấp trên đường Lê Quang Định, ông lấy tên là rạp Đông Nhì.

 

Năm 1962, ông xây rạp Hùng Vương có cư xá liên thông sát bên với diện tích hơn 3.000 m2 ở đường Hùng Vương (nay là Lê Hồng Phong, Q.10). Trong khoảng thời gian đó, ông tiến xa đến các tỉnh thành, cho xây rạp Duy Tân ở đường Duy Tân (Vũng Tàu). Năm 1963, ông mua lại và sửa sang rạp Thành Thái ở Bà Rịa. Năm 1964, ông xây rạp Quốc Thái nằm trên đường Trần Quốc Toản, Q.11 hướng về Phú Lâm (nay là 3 Tháng 2). Trong khoảng năm 1967 - 1968, gia đình ông Nguyễn Thiêm xây một lúc 2 rạp Thăng Long (ở đường Cống Quỳnh) và rạp Bình Minh ở tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, để khuếch trương thêm ngành chiếu bóng, ông còn thuê các rạp Trần Lâm (ở Ngã Sáu - Chợ Lớn), Văn Cầm (Phú Nhuận), Văn Cầm (Sài Gòn), Văn Cầm (Thị Nghè), Văn Cầm (Hóc Môn), Long Thành (Đồng Nai)…

 

"Bố tôi còn ấp ủ xây ít nhất một rạp hát ở mỗi tỉnh thành nhưng rất tiếc năm 1968 ông đột ngột qua đời, ngay sau khi rạp Thăng Long đường Cống Quỳnh khai trương. Trước khi mất, bố đã phân chia từng rạp cho cả con trai, con gái tiếp tục quản lý cho tới năm 1975. Khi bố mất, tôi đang học đại học ngành toán, mẹ gọi tôi về rạp Thăng Long ở cùng mấy người chị gái và ông anh Nguyễn Thái, quản lý rạp này. Chúng tôi ở đó mãi tới năm 1984, khi mẹ mất thì mới chuyển ra ở riêng. Hiện nay, gia đình tôi được sở hữu lầu 1 của rạp Thăng Long, phần còn lại chúng tôi hiến tặng cho Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM", ông Tiến nói. (còn tiếp) 

 

Lê Vân - TN0
Tin tức khác